Rà soát, đôn đốc việc thực hiện kiến nghị kiểm toán

(BKTO) - Chiều 13/6, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung đã chủ trì cuộc họp báo cáo kết quả rà soát tình hình thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN chuyên ngành VII.

3(2).jpg
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung chủ trì cuộc họp. Ảnh: Nguyễn Ly

Tại cuộc họp, Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VII Vũ Văn Cường cho biết: Qua kiểm tra, rà soát tình hình thực hiện kết luận, kiến nghị, đến thời điểm 31/5/2023, đối với kiến nghị xử lý tài chính, tỷ lệ thực hiện đạt 99,94%; kiến nghị xử lý khác thực hiện đạt 82,1%; không còn tồn đọng kiến nghị sửa đổi văn bản chưa thực hiện.

Bên cạnh đó, đến ngày 31/5/2023, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh chưa thực hiện kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm.

2(2).jpg
Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VII Vũ Văn Cường trình bày báo cáo kết quả rà soát tình hình thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán. Ảnh: Nguyễn Ly

Theo ông Vũ Văn Cường, nguyên nhân khiến một số kiến nghị chưa thực hiện là do thay đổi cơ chế, chính sách. Theo đó, liên quan đến số liệu chưa thực hiện của 13 đơn vị tại báo cáo kiểm toán Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp (Quỹ HTSXDN) giai đoạn 2011-2017, KTNN kiến nghị các đơn vị nộp về Quỹ HTSXDN do Cục Tài chính doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính trực tiếp quản lý theo Quyết định số 21/2012/QĐ-TTg và Nghị định số 126/2017/NĐ-CP.

Tuy nhiên, kể từ khi Nghị định số 148/2021/NĐ-CP có hiệu lực thi hành (từ ngày 01/4/2022), các khoản phải thu về Quỹ HTSXDN được chuyển thu vào ngân sách trung ương và ngân sách địa phương theo phân cấp (không còn thu nộp về Quỹ HTSXDN). Theo đó, cơ quan đại diện chủ sở hữu trung ương, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm rà soát, xác định các khoản phải thu về Quỹ để thu vào ngân sách trung ương và ngân sách địa phương theo phân cấp tại Nghị định số 148/2021/NĐ-CP.

Ngoài ra, một số kiến nghị tài chính chưa thực hiện do bên thứ ba là các khách hàng gặp khó khăn về tài chính, không có khả năng trả nợ; các ngân hàng phải khởi kiện, quá trình thu hồi cần có thời gian do phụ thuộc vào các cơ quan chức năng trong quá trình khởi kiện, xử lý tài sản để thu hồi nợ.

Bên cạnh đó, một số đơn vị được kiểm toán như Bảo hiểm xã hội chưa cung cấp đầy đủ chứng từ làm cơ sở ghi nhận việc thực hiện kiến nghị; Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh mới thực hiện rà soát xong các dòng hàng, tờ khai theo kiến nghị của KTNN, chưa kịp thời tổ chức chấn chỉnh, rút kinh nghiệm đối với các công chức có liên quan.

Đối với các dự án ODA phát sinh từ lâu (từ năm 1995), nhiều hạng mục khác nhau, số liệu chi tiết chồng chéo qua các năm; Ngân hàng Phát triển (VDB) chưa có phần mềm theo dõi quản lý dẫn đến phải rà soát trên hồ sơ giấy nên công tác lấy chứng từ, số liệu gặp khó khăn.

Bệnh viện đa khoa Kiên Giang giải trình khó khăn trong việc thực hiện kiến nghị của KTNN do kinh phí ngân sách nhà nước giao cho bệnh viện rất hạn hẹp, chỉ đảm bảo một phần chi cho con người. Bệnh viện đề nghị KTNN xem xét cho Bệnh viện không nộp lại ngân sách nhà nước số tiền trên để giảm bớt khó khăn về kinh phí hoạt động.

4(3).jpg
Đại diện Vụ Tổng hợp góp ý với KTNN chuyên ngành VII về việc rà soát thông tin, dữ liệu thực hiện kiến nghị của các đơn vị được kiểm toán. Ảnh: Nguyễn Ly

Đề xuất phương án xử lý cho các trường hợp này, KTNN chuyên ngành VII đã làm việc với đại diện Bộ Tài chính (thông qua Cục Tài chính doanh nghiệp) để đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục làm đầu mối để đôn đốc các tập đoàn, tổng công ty, các UBND tỉnh, thành phố khẩn trương thực hiện các kiến nghị của KTNN; nộp các khoản về ngân sách trung ương và ngân sách địa phương theo phân cấp tại Nghị định số 148/2021/NĐ-CP.

Đối với các kiến nghị chưa thực hiện do đơn vị được kiểm toán chưa hoặc đang thực hiện các thủ tục để thực hiện kiến nghị, KTNN chuyên ngành VII tiếp tục đôn đốc các đơn vị nhanh chóng thực hiện các thủ tục để sớm hoàn thành kiến nghị của KTNN.

Đối với các kiến nghị chưa thực hiện do phụ thuộc vào bên thứ ba, KTNN chuyên ngành VII xem xét gửi trực tiếp Công văn đôn đốc tới cơ quan chủ quản của các bên có liên quan để thực hiện dứt điểm. 

5(1).jpg
Đại diện Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán góp ý với KTNN chuyên ngành VII để hoàn thiện báo cáo.
Ảnh: Nguyễn Ly

Góp ý tại cuộc họp, các đơn vị tham dự cho rằng, KTNN chuyên ngành VII cần rà soát, đối chiếu lại thông tin, số liệu với các đơn vị được kiểm toán, trong đó có cả nội dung thực hiện kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm. Đối với các đơn vị còn nhiều vướng mắc, KTNN chuyên ngành VII cần trực tiếp làm việc để đôn đốc, giải quyết các nội dung theo kiến nghị kiểm toán và dựa trên thực tế tại đơn vị.

Bên cạnh đó, KTNN chuyên ngành VII cần có Công văn trả lời phúc đáp theo đúng quy định của KTNN đối với các đơn vị giải trình khó khăn trong việc thực hiện kiến nghị của KTNN.

Kết luận cuộc họp, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung đề nghị KTNN chuyên ngành VII tiếp thu các ý kiến tại cuộc họp để hoàn thành báo cáo. Đồng thời, tiến hành rà soát thông tin trên báo cáo kiểm toán đã phát hành. Đối với trường hợp đơn vị giải trình khó khăn trong việc thực hiện kiến nghị, KTNN chuyên ngành VII phải có ý kiến phúc đáp cho đơn vị và gửi Vụ Tổng hợp để tổng hợp báo cáo trình Tổng Kiểm toán nhà nước xem xét./.

Cùng chuyên mục
Rà soát, đôn đốc việc thực hiện kiến nghị kiểm toán