Vì sao kiến nghị kiểm toán đối với một số dự án chưa được thực hiện?

(BKTO) - Kiểm toán nhà nước (KTNN) chuyên ngành V đã chỉ ra một số nguyên nhân chính khiến kiến nghị kiểm toán chưa được thực hiện, trong đó có kiến nghị đối với một số dự án quan trọng.

b.jpg
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: HỒNG NHUNG

Chiều 12/6, tại Hà Nội, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung đã chủ trì cuộc họp báo cáo kết quả rà soát tình hình thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN chuyên ngành V.

Tại cuộc họp, Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành V Hoàng Văn Cường cho biết, qua kiểm tra, rà soát tình hình thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán từ năm 2015 đến năm 2021: Tính đến ngày 31/12/2022, số kiến nghị của đơn vị là 34.717,8 tỷ đồng, số chưa thực hiện là 8.246 tỷ đồng. Tỷ lệ thực hiện đạt 76,34%.

Qua công tác đôn đốc, rà soát, tính đến ngày 31/5/2023, các đơn vị thực hiện thêm 220,2 tỷ đồng; qua đó, số chưa thực hiện mà KTNN chuyên ngành V đang tiếp tục theo dõi là 8.025,9 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, đến ngày 31/5/2023, còn 5 kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân và 8 kiến nghị cơ chế chính sách chưa thực hiện.

2.jpg
Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành V Hoàng Văn Cường báo cáo kết quả rà soát tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán. Ảnh: HỒNG NHUNG

Theo KTNN chuyên ngành V, nguyên nhân chính khiến một số kiến nghị chưa thực hiện là do: Đơn vị chưa thực hiện các thủ tục liên quan để thực hiện kiến nghị kiểm toán; khó khăn về tài chính; không còn hoạt động hoặc dừng hoạt động; chưa đủ cơ sở để KTNN xác nhận kết quả thực hiện kiến nghị; chứng từ thực hiện chưa đảm bảo; chờ ý kiến phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; vướng mắc về cơ chế chính sách trong quá trình thực hiện; nhà thầu không hợp tác, phối hợp thực hiện, còn có tranh chấp giữa chủ đầu tư và nhà thầu; chưa được bố trí vốn thanh toán, đang hoàn thiện hồ sơ quyết toán, chưa được phê duyệt quyết toán, thanh toán…

Đối với Dự án đường dây 500kV Quảng Trạch - Dốc Sỏi, Dự án đường dây 500kV Dốc Sỏi - Pleiku 2, KTNN chuyên ngành V cho hay, nguyên nhân chưa thực hiện là do bảng tính giảm trừ của kiểm toán viên bị tính trùng giá trị thuế giá trị gia tăng (VAT). Theo đó, đơn vị đề xuất phương án điều chỉnh giảm kết quả kiểm toán của giá trị trùng thừa này. KTNN chuyên ngành V sẽ làm tờ trình Phó Tổng Kiểm toán nhà nước, trên cơ sở ý kiến của Lãnh đạo KTNN, đơn vị sẽ dự thảo văn bản điều chỉnh số liệu tại báo cáo kiểm toán gửi các đơn vị có liên quan.

Đối với Dự án Nhà máy sản xuất Ethanol Bình Phước, nguyên nhân chênh lệch chủ yếu là do chưa đủ điều kiện xác nhận chi phí phần lớn thiết bị nhập khẩu lắp đặt vào Nhà máy do không cung cấp được CO, CQ của thiết bị được lắp đặt.

Đề xuất phương án xử lý cho vấn đề này, KTNN chuyên ngành V kiến nghị Lãnh đạo KTNN cho phép khoanh nội dung này, loại khỏi danh sách theo dõi những đơn vị chưa thực hiện kiến nghị, kết luận kiểm toán. Bởi, mặc dù KTNN chuyên ngành V đã nhiều lần gửi công văn đôn đốc, nhưng theo báo cáo của đơn vị, đến nay, Công ty Phương Đông gần như không hoạt động, nhà thầu thi công là liên doanh nước ngoài không cung cấp được các giấy tờ, thủ tục theo yêu cầu nên không thể thực hiện được kiến nghị kiểm toán. Dự án cũng đã được Thủ tướng Chính phủ giao cơ quan chức năng kiểm tra, làm rõ và đã có kết quả báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Góp ý tại cuộc họp, các đơn vị tham dự cho rằng, KTNN chuyên ngành V cần xác định các rõ các nguyên nhân chủ quan và khách quan của việc chưa thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán; phân loại và thuyết minh một số nhóm nguyên nhân chưa thực hiện; rà soát lại số liệu giữa các phụ lục.

3.jpg
Đại diện Vụ Tổng hợp góp ý tại cuộc họp. Ảnh: HỒNG NHUNG

Đại diện Vụ Tổng hợp - đơn vị tham mưu trong việc tổng hợp kết quả rà soát vấn đề thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán toàn Ngành - cho biết, trong Dự thảo Công văn Vụ vừa trình xin ý kiến lãnh đạo KTNN, Vụ đang đề xuất thời điểm chốt số liệu là ngày 31/3/2023.

Đối với một số kiến nghị đang khó khăn, vướng mắc trong thực hiện, Vụ Tổng hợp đề xuất các đơn vị nghiên cứu đề xuất phương án giải quyết, trong đó nêu rõ lý do, cơ sở pháp lý của phương án đề xuất.

Đặc biệt, các đơn vị cần tập trung vào 3 nhóm vấn đề: Các kiến nghị đơn vị chưa thống nhất của KTNN, các đề xuất của đơn vị được kiểm toán đối với KTNN, các đề xuất đối với các cấp có thẩm quyền.

Về phân loại để xử lý, Vụ Tổng hợp đang đề xuất phân loại và thuyết minh đầy đủ một số nhóm vấn đề, một số nguyên nhân chưa thực hiện, gồm: Đơn vị chưa thống nhất với kiến nghị kiểm toán; chờ cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; các vướng mắc về cơ chế, chính sách trong quá trình thực hiện; đơn vị không còn tồn tại, dừng hoạt động; nguyên nhân khác.

Kết luận cuộc họp, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung đề nghị KTNN chuyên ngành V tiếp thu các ý kiến tại cuộc họp để hoàn thành báo cáo. Bên cạnh chỉ rõ nguyên nhân, đơn vị cần đề xuất các phương án giải quyết phù hợp.

Mặt khác, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước cũng yêu cầu KTNN chuyên ngành V cần làm báo cáo chi tiết hơn, chỉ rõ nhóm nguyên nhân đang chờ các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, chia ra các nhóm vấn đề để xin ý kiến cũng như phương án giải quyết./.

Cùng chuyên mục
Vì sao kiến nghị kiểm toán đối với một số dự án chưa được thực hiện?