Rà soát, xem xét, bố trí 15.000 tỷ đồng vốn đầu tư công

(BKTO) - TP. Hồ Chí Minh đang dư khoảng 15.000 tỷ đồng vốn đầu tư công. Ủy ban nhân dân (UBND) TP. Hồ Chí Minh yêu cầu các địa phương rà soát, lập đề xuất chủ trương đầu tư để Thành phố xem xét, bố trí vốn.

screenshot-2024-03-26-175656.png
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Nguồn sggp.org.vn

Ngày 26/3, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường dẫn đầu Đoàn công tác của Thường trực UBND TP. Hồ Chí Minh có buổi làm việc tại UBND quận Phú Nhuận về duyệt kế hoạch nhiệm vụ năm 2024 và giải quyết các kiến nghị của quận.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND quận Phú Nhuận Nguyễn Đông Tùng nêu, Dự án cải tạo, mở rộng đường Trương Quốc Dung có nhu cầu vốn khoảng 12 tỷ đồng, trong khi đó, Thành phố bố trí vốn là 21 tỷ đồng.

Vì vốn cho dự án này dư trong khi địa bàn còn nhiều dự án khác đang cần vốn nên quận đề xuất điều hòa vốn nội bộ, vốn dư của dự án này chuyển sang các dự án nhóm C trên địa bàn quận. Tuy nhiên, quy trình thực hiện thủ tục đề nghị điều hòa vốn kéo dài.

Cụ thể, ngày 05/01/2024, quận có văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) TP. Hồ Chí Minh về việc xin điều hòa vốn nội bộ cho quận. Ngày 05/02/2024, Sở KHĐT Thành phố có tờ trình điều hòa vốn gửi UBND TP. Hồ Chí Minh; ngày 08/3/2024, UBND TP. Hồ Chí Minh có quyết định về điều chỉnh nguồn vốn.

Tuy nhiên, đến ngày 25/3/2024, quận Phú Nhuận chưa thể giải ngân do phải chờ nhập Tabmis (Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc) để điều hành giải ngân hiệu quả vốn đầu tư công.

Chủ tịch UBND quận Phú Nhuận kiến nghị, cần phân cấp, ủy quyền điều hòa vốn, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục thực hiện điều hòa vốn nội bộ, rút ngắn thời gian nhập Tabmis.

Nếu điều hòa vốn giữa các địa phương thì TP. Hồ Chí Minh xem xét quyết định, còn điều hòa vốn trong nội bộ của địa phương thì phân cấp ủy quyền cho Sở KHĐT TP. Hồ Chí Minh, không cần bước trình UBND TP. Hồ Chí Minh để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và triển khai các dự án.

Trao đổi thêm về việc Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh phân cấp, ủy quyền rồi nhưng một số sở ngành chưa thực hiện triệt để việc này, Chủ tịch UBND quận Phú Nhuận cho biết, đối với dự án thuộc nhóm C, hiện nay, địa phương vẫn phải chờ Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh tiếp nhận và thẩm định hồ sơ nghiên cứu khả thi, báo cáo kinh tế, kỹ thuật đầu tư xây dựng.

Trước thực trạng trên, quận Phú Nhuận kiến nghị UBND TP. Hồ Chí Minh xem xét, chỉ đạo sở, ngành Thành phố hướng dẫn các quận, TP. Thủ Đức thực hiện thống nhất theo hướng UBND quận giao cơ quan chuyên môn thuộc quận thực hiện thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo kinh tế, kỹ thuật đầu tư xây dựng các dự án nhóm C sử dụng vốn ngân sách Thành phố do UBND các quận, TP. Thủ Đức làm chủ đầu tư và trình Chủ tịch UBND quận, TP. Thủ Đức phê duyệt theo thẩm quyền.

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường yêu cầu Sở Tài chính TP. Hồ Chí Minh khẩn trương đẩy nhanh việc nhập Tabmis để các địa phương điều hành giải ngân hiệu quả vốn đầu tư công.

Về phân cấp, ủy quyền thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo kinh tế, kỹ thuật đầu tư xây dựng các dự án nhóm C, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh giao Giám đốc Sở Xây dựng Thành phố khẩn trương làm việc với các địa phương đang vướng, trên tinh thần khẩn trương tháo gỡ theo hướng phân cấp, ủy quyền cho các cơ quan chuyên môn của các quận và TP. Thủ Đức, để các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án thuộc nhóm C.

Đối với điều hòa vốn nội bộ, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh đề nghị các sở ngành khẩn trương rà soát, chủ động, linh hoạt giải quyết cho các địa phương theo hướng phân cấp, ủy quyền.

Thông tin về nguồn vốn đầu tư công, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố đang dư khoảng 15.000 tỷ đồng vốn đầu tư; yêu cầu các địa phương rà soát, lập đề xuất chủ trương đầu tư để TP. Hồ Chí Minh xem xét, bố trí vốn./.

Cùng chuyên mục
  • Doanh nghiệp kỳ vọng phục hồi và tăng trưởng trở lại
    8 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Sau giai đoạn đầy khó khăn, việc vực dậy niềm tin của thị trường và củng cố niềm tin của doanh nghiệp (DN) là điều cần thiết, đặc biệt là trong bối cảnh khó khăn vẫn đeo bám, việc bám trụ lại thị trường của các DN cũng trở thành một thách thức không nhỏ.
  • Hợp tác thúc đẩy hoạt động nghiên cứu công nghệ đặc thù
    8 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Viện Ứng dụng công nghệ (ƯDCN), Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) và Viện Công nghệ, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, Bộ Quốc phòng vừa tổ chức Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác nhằm thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu công nghệ đặc thù.
  • Áp thuế GTGT để tạo cạnh tranh công bằng cho phân bón nội
    8 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Dự kiến, tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 5 và tháng 10 năm nay, kỳ vọng dự thảo Luật Giá trị gia tăng (sửa đổi) sẽ được thông qua với chính sách mới cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước.
  • BIDV: Tập trung tín dụng cho 3 động lực tăng trưởng và 5 lĩnh vực ưu tiên
    8 tháng trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Với vai trò là ngân hàng thương mại nhà nước, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) luôn tiên phong thực thi các chính sách, chủ trương hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Vốn tín dụng của BIDV tập trung cho 3 động lực tăng trưởng và 5 lĩnh vực ưu tiên.
  • Quảng Ninh sáp nhập 12 xã, phường trong năm 2024
    8 tháng trước Địa phương
    (BKTO) - Tỉnh Quảng Ninh dự kiến sáp nhập 12 đơn vị hành chính cấp xã trong kế hoạch từ 2023 đến 2025, giảm số lượng từ 177 xuống còn 171. Sự sắp xếp này nhằm mục tiêu tạo ra một hệ thống chính trị hiệu quả và tinh gọn hơn, phản ánh cam kết của tỉnh trong việc cải thiện cơ cấu hành chính và nâng cao hiệu quả quản lý.
Rà soát, xem xét, bố trí 15.000 tỷ đồng vốn đầu tư công