Doanh nghiệp kỳ vọng phục hồi và tăng trưởng trở lại

(BKTO) - Sau giai đoạn đầy khó khăn, việc vực dậy niềm tin của thị trường và củng cố niềm tin của doanh nghiệp (DN) là điều cần thiết, đặc biệt là trong bối cảnh khó khăn vẫn đeo bám, việc bám trụ lại thị trường của các DN cũng trở thành một thách thức không nhỏ.

dn.jpeg
Sau giai đoạn đầy khó khăn, cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng phục hồi và tăng trưởng trở lại. Ảnh minh họa: ST

Thách thức còn dai dẳng

Trong 2 tháng đầu năm, số DN rút lui khỏi thị trường đã vượt số DN gia nhập và tái gia nhập thị trường. Trong đó, số DN tạm ngừng kinh doanh là hơn 49.000 DN, tăng 27,1% so với cùng kỳ năm 2023. Điều này chứng tỏ nhiều thách thức còn dai dẳng khiến không ít DN phải ngừng sản xuất, kinh doanh để chờ đợi cơ hội mới.

Mặc dù trong bức tranh tổng thể, sắc xám vẫn đang bao phủ và chưa thể loại bỏ một sớm một chiều, tuy nhiên, điểm tích cực là mức độ lạc quan của các DN đã phần nào cải thiện.

Theo kết quả khảo sát được Vietnam Report thực hiện trong 2 tháng đầu năm nay, triển vọng nền kinh tế trong năm 2024 được các DN đánh giá ở mức 3,5/5 - mức khả quan so với năm 2023. Trong khi đó, triển vọng của chính DN được đánh giá khởi sắc hơn ở mức 3,8/5.

Sự lạc quan của DN có thể tạo ra một chu trình tích cực, đi kèm với một tinh thần sẵn lòng đối mặt với thách thức và tìm kiếm cơ hội trong mọi tình huống, thể hiện sự tự tin và khả năng thích ứng của DN trong môi trường kinh doanh khó khăn.

Hơn nữa, dấu hiệu phục hồi dù chậm và không đồng đều song cơ bản đã và đang dần xuất hiện ở một số lĩnh vực và ngành nghề. Tốc độ tăng trưởng GDP có xu hướng tăng dần qua các quý trong khi xuất khẩu dù giảm 4,6% trong năm qua nhưng xét riêng quý cuối cùng của năm 2023, lĩnh vực này đã hồi phục gần 8,8% so với cùng kỳ.

Cũng theo kết quả khảo sát, kịch bản tăng trưởng từ 5-5,5% là kịch bản có số DN lựa chọn nhiều nhất với tỷ lệ bình chọn là 31,6%. Kịch bản này thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn trước Covid, song cao hơn đáng kể so với tốc độ tăng trưởng toàn cầu năm 2024 theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF, tháng 1/2024) là 3,1% và của Ngân hàng Thế giới (WB, tháng 1/2024) là 2,4%.

Bối cảnh 2024 - “vùng đệm” cho sự thay đổi

Tình hình khó có thể chuyển biến một sớm một chiều song năm 2024 được kỳ vọng là “vùng đệm” cho thị trường từng bước khôi phục niềm tin, các DN dần chinh phục các thách thức, những động lực dẫn dắt sự phục hồi rõ ràng hơn và các cơ hội được tái tạo. Đặc biệt, đây được coi là năm diễn ra những thay đổi lớn cả ở quy mô Việt Nam lẫn thế giới, tái định hình môi trường kinh doanh.

dn1.jpeg
Cần tiếp tục duy trì những chính sách hỗ trợ hoạt động sản xuất - kinh doanh. Ảnh: ST

Trên phạm vi quốc tế, năm 2024 là năm mà chính trường các nước sẽ có sự biến động. Đây là năm mà bầu cử toàn cầu lớn nhất trong lịch sử với hơn 50 quốc gia chiếm hơn 60% GDP toàn cầu. Những người chiến thắng sẽ đưa ra các quyết định chính sách quan trọng không chỉ với riêng từng quốc gia, mà còn ảnh hưởng tới khu vực, lớn hơn còn mang tính toàn cầu.

Bên cạnh đó, khi thế giới bước sang năm 2024, các nhà đầu tư, chuyên gia kinh tế, lãnh đạo DN và người tiêu dùng có chung dự báo: chính sách tiền tệ trên toàn cầu sẽ đảo chiều. Lạm phát hạ nhiệt, cùng với dấu hiệu chững lại của các nền kinh tế lớn, đã dọn đường cho các đợt giảm lãi suất trong năm nay và làn sóng hạ lãi suất có thể là xu hướng chủ đạo, các nền kinh tế chuyển dần từ mục tiêu kiềm chế lạm phát sang hỗ trợ hoạt động sản xuất - kinh doanh, nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ tổng cầu.

Trong nước, năm 2024 là năm bứt phá để hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Đồng thời, đây cũng là năm bản lề trước khi các bộ luật liên quan đến các ngành kinh tế trọng điểm có hiệu lực và sẽ là năm cảm nhận tác động từ các chính sách tài khoá và tiền tệ thẩm thấu.

Cơ hội từ góc nhìn các doanh nghiệp

Trước bối cảnh như vậy, khả năng thích nghi, nhạy bén với sự thay đổi cả tích cực lẫn tiêu cực chính là yếu tố quan trọng để các DN Việt Nam có thể vượt qua những khó khăn và thách thức, tồn tại và phát triển mạnh mẽ hơn.

Nhìn chung, năm 2024 tăng trưởng kinh tế chủ yếu sẽ dựa vào 4 yếu tố: Đẩy mạnh đổi mới, hoàn thiện hành lang pháp lý, đảm bảo tính đồng bộ về thể chế và môi trường pháp lý cho phát triển kinh tế; Kích cầu tiêu dùng thị trường trong nước; Tăng cường đầu tư công - thực hiện nhanh, hiệu quả vốn đầu tư công, tạo lan toả tới đầu tư ngoài nhà nước; Đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ.

Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report, trong số các cơ hội đóng góp cho sự tăng trưởng của DN năm 2024 có vai trò quan trọng của Chính phủ và khả năng thích ứng linh hoạt của bản thân các DN.

Bối cảnh kinh tế luôn có sự biến động, sự cạnh tranh ngày một lớn hơn, các DN cần phải duy trì tính chủ động, xây dựng các yếu tố nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng phục hồi.

Trong đó, tầm nhìn và chiến lược kinh doanh hiệu quả, nắm bắt được xu hướng thị trường kết hợp với năng lực quản trị tốt, văn hóa DN vững mạnh được cho là chìa khóa quyết định đến quá trình phát triển của bất kỳ DN nào.

Trước hết, tầm nhìn và chiến lược kinh doanh rõ ràng giúp xác định hướng đi và mục tiêu cụ thể, tạo ra sự tập trung và ổn định, trong khi việc hiểu rõ về nhu cầu của khách hàng, nắm bắt xu hướng thị trường giúp DN định vị đúng đắn trong thị trường cạnh tranh, phát triển các sản phẩm/dịch vụ, chiến lược phù hợp và tạo ra giá trị cho khách hàng.

Ngoài ra, năng lực quản trị và văn hóa DN cũng đặt nền móng quan trọng cho thành công lâu dài của DN khi hỗ trợ quản lý hiệu quả nguồn lực và quy trình hoạt động, đồng thời tăng động lực và sự cam kết của nhân viên để nhân tài có thể sẵn sàng đồng hành cùng DN vượt khó.

Bên cạnh đó, điểm tựa tăng trưởng cho các DN trong năm 2024 đến từ sự đồng hành của Chính phủ. Kinh tế vĩ mô được giữ ổn định, các cân đối lớn được đảm bảo, mặt bằng lãi suất cho vay giảm cùng các chính sách gỡ khó, hỗ trợ khơi thông các nguồn lực là cơ sở quan trọng cho DN vững tin đầu tư, kinh doanh, kiến thiết lại một quỹ đạo tăng trưởng mới.

Không chỉ quyết liệt thực thi các giải pháp tháo gỡ các nút thắt trên thị trường tiền tệ, thị trường trái phiếu, thị trường bất động sản và gỡ bỏ các rào cản kinh doanh khơi thông dòng vốn mang lại sự ổn định cho cộng đồng DN, Chính phủ cũng duy trì một số gói kích thích tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế.

Chẳng hạn như việc giảm 2% thuế VAT trong nửa đầu năm 2024 hay việc thực hiện cải cách tiền lương từ giữa năm 2024 được dự báo sẽ góp phần cải thiện sức cầu. Ngoài ra, vào ngày 05/3/2024, Thủ tướng đã ký Công điện số 18/CĐ-TTg yêu cầu ngành ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất huy động trong năm nay.

Thực tế, mặt bằng lãi suất tiền gửi tháng 2 vừa qua đã giảm gần 4% so với cùng kỳ 2023 trong khi lãi suất huy động bình quân của các ngân hàng thương mại đang ở mức thấp nhất trong 20 năm trở lại đây. Môi trường lãi suất thấp được kỳ vọng duy trì trong năm 2024 và tạo ra những ảnh hưởng tích cực, kích cầu tín dụng…

Dù không quá hứa hẹn tăng trưởng sẽ đột phá, nhưng với đòn bẩy từ việc phát huy các động lực truyền thống, cùng bệ phóng vững chắc từ môi trường pháp lý ngày càng hoàn thiện và đồng bộ, cộng đồng DN có cơ sở kỳ vọng 2024 sẽ là một “vùng đệm” quan trọng để chuyển giao sang thời kỳ phục hồi và tăng trưởng trở lại./.

Cùng chuyên mục
Doanh nghiệp kỳ vọng phục hồi và tăng trưởng trở lại