Sẵn sàng mọi kịch bản, đảm bảo kỳ thi Trung học phổ thông diễn ra an toàn, nghiêm túc

(BKTO) - Trong bối cảnh dịch bệnh có diễn biến phức tạp, ngành giáo dục đã chuẩn bị nhiều phương án, chủ động phòng, chống dịch tốt, đồng thời đảm bảo việc học, thi cử cho học sinh, sinh viên các cấp. Tại kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) tới đây, Bộ giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chủ trì, phối hợp cùng các Bộ, ngành, địa phương đã sẵn sàng các phương án để kỳ thi diễn ra được an toàn, nghiêm túc theo đúng kế hoạch đề ra.



Sẵn sàng các kịch bản tổ chức thi, ứng phó với dịch bệnh
                
   

Quang cảnh Hội nghị trực tuyến từ điểm cầu Bộ GD&ĐT. Ảnh: Moet.gov.vn

   

Tại Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh/thành phố ngày 27/5, Bộ GD&ĐT đã tập trung trao đổi, bàn phương án cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT trong tình huống dịch Covidd-19 phức tạp. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chủ trì tại điểm cầu Bộ GD&ĐT. Chủ trì tại điểm cầu các địa phương là lãnh đạo UBND tỉnh/thành phố, lãnh đạo các Sở GD&ĐT.

Theo báo cáo của Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT), tính đến 24h ngày 26/5, cả nước có 18 học sinh lớp 12 trong diện F0 và 394 học sinh là F1, chủ yếu ở 4 tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nam và Điện Biên.

Đến thời điểm này, phương án dự kiến là cố gắng tổ chức kỳ thi đúng lịch. Ban chỉ đạo thi các địa phương phối hợp với các ban, ngành để phân loại đối tượng học sinh trong diện F0, F1, F2.

Trong đó thí sinh diện F0 không thể dự thi sẽ được xét đặc cách tốt nghiệp như quy định. Thí sinh F1, F2 sẽ được tổ chức thi ở phòng thi, điểm thi riêng, trong điều kiện đảm bảo các giải pháp cách ly theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Riêng thí sinh F1 đang phải cách ly tập trung sẽ tính toán phương án di chuyển từ khu cách ly đến điểm thi. Thí sinh và tất cả cán bộ tham gia tổ chức thi tại điểm thi này phải sử dụng đồ phòng hộ.

Bộ GD&ĐT đã tính toán, xây dựng kịch bản để ứng phó với các tình huống khác nhau theo diễn biến của dịch bệnh. Trong tình huống bất khả kháng khi các địa phương có nhiều thí sinh trong diện F1, F2, Bộ GD&ĐT sẽ cân nhắc việc tổ chức đợt thi thứ 2, căn cứ vào kinh nghiệm đã làm năm 2020.

Đại diện các địa phương cho biết, với kinh nghiệm từ việc tổ chức kỳ thi trong điều kiện dịch bệnh năm 2020, đến thời điểm này việc chuẩn bị đang được tiến hành đúng tiến độ và đã sẵn sàng các phương án, kịch bản khác nhau, tùy theo diễn biến dịch bệnh để đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, chất lượng.

Tại các địa phương trong tâm dịch như Bắc Ninh, Bắc Giang, để chủ động với các tình huống đảm bảo an toàn cho kỳ thi, các địa phương đã đề nghị, Bộ GD&ĐT ban hành hướng dẫn cụ thể về việc tổ chức thi trong khu cách ly cho thí sinh thuộc diện F1 để đảm bảo an toàn, không lây nhiễm chéo cho những người được điều động làm công tác coi thi, chấm thi.

Đảm bảo mục tiêu kép

Tham gia ý kiến tại Hội nghị, nhiều địa phương đã ghi nhận nỗ lực của ngành GD&ĐT trong thời gian qua, với các phương án xử lý được đưa ra nhanh nhạy, kịp thời, đảm bảo yêu cầu tối thượng, đó là an toàn và sức khỏe cho học sinh, sinh viên. Cùng với đó, với tinh thần “tạm dừng đến trường nhưng không ngừng học”, các phương thức dạy và học trực tuyến đã được triển khai và phát huy tác dụng, giúp học sinh tiếp tục được nắm bắt kiến thức. Đặc biệt, nhiều trường cũng tiến hành tổ chức thi trực tuyến – đây có thể coi là bước khởi đầu mới, triển vọng mới mở ra từ chính thách thức dịch bệnh và cần được phát triển, chú trọng hơn trong thời gian tới.
                
   

Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp xây dựng các phương án tổ chức kỳ thi đảm bảo an toàn, theo kế hoạch. Ảnh minh họa: N.LỘC

   

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn gửi lời chia sẻ tới các địa phương đang chịu nhiều ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Bộ trưởng đồng thời cảm ơn, ghi nhận, biểu dương tinh thần chủ động, linh hoạt, sự ứng phó kịp thời và nỗ lực của các địa phương trong chỉ đạo, điều hành, triển khai hoạt động giáo dục. Từ đó, hoàn thành kế hoạch năm học trong điều kiện dịch bệnh.

Bộ trưởng cho biết, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay - theo như Chỉ thị số 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ - cơ bản tiếp nối những kết quả, phương thức đã được triển khai ở năm 2020. Tinh thần là không lơ là, chủ quan nhưng cũng không lo lắng cực đoan, hướng tới bảo đảm mục tiêu kép: Kết quả kỳ thi nghiêm túc, công bằng, khách quan, chất lượng; đồng thời bảo đảm an toàn cao nhất cho lực lượng tổ chức thi, thí sinh và các đối tượng có liên quan.

Đánh giá cao sự phối hợp của các Bộ, ngành, địa phương trong công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi, Bộ trưởng mong rằng, tinh thần phối hợp này tiếp tục được phát huy tốt trong thời gian chuẩn bị còn lại, cũng như trong thời gian thi và sau kỳ thi.

Sau Hội nghị này, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Y tế ban hành văn bản hướng dẫn các địa phương. Trong đó, có nội dung liên quan đến ứng phó với dịch bệnh diễn ra trong kỳ thi và một số chính sách phù hợp, giúp địa phương có thể thực hiện một cách dễ dàng, đồng bộ, để có được một kỳ thi tốt nhất.

NGUYỄN LỘC
Cùng chuyên mục
Sẵn sàng mọi kịch bản, đảm bảo kỳ thi Trung học phổ thông diễn ra an toàn, nghiêm túc