Sản xuất công nghiệp phục hồi mạnh: Tín hiệu lạc quan cho năm 2024

(BKTO) - Bộ Công Thương cho biết, quý I/2024, sản xuất công nghiệp phục hồi mạnh ở 54/63 địa phương. Nhiều tỉnh có mức tăng đột phá hai, ba con số.

Nhiều ngành, địa phương có mức tăng trưởng đột phá

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, kết quả tình hình sản xuất công nghiệp quý I/2024 cho thấy nhiều tín hiệu tích cực. Cụ thể, sản xuất công nghiệp tăng trên diện rộng khi chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý I/2024 tăng ở 54/63 địa phương.

Nhiều địa phương có mức tăng đột phá do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo hoặc ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao (chỉ số sản xuất công nghiệp của Trà Vinh tăng 102%, Khánh Hòa tăng 37%, Bắc Giang tăng 23,9%, Thanh Hóa tăng 20%, Hà Nam tăng 17,2%, Quảng Ninh tăng 14%...).

Ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) - nhận định, việc một số ngành công nghiệp chủ lực phục hồi mạnh như dệt may, da giày, thép, điện tử, chế biến thực phẩm… đã phản ánh được sự phục hồi nhanh, điều đó cho thấy những lĩnh vực đầu vào cho sản xuất - kinh doanh đang phục hồi mạnh. Các lĩnh vực này sẽ tạo đà rất tốt, chỉ báo cho các quý sau về tăng trưởng, đặc biệt là khu vực chế biến, chế tạo đang có nhiều dấu hiệu phục hồi tích cực.

Đối với nền kinh tế có độ mở lớn tới 200% như Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo quý đầu năm ước đạt 79,6 tỷ USD, chiếm 86% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2023 đã cho thấy nhiều điều tích cực.

det-may.jpg
Dệt may là một trong những ngành hàng ghi nhận tăng trường cao những tháng đầu năm 2024.

Một trong những ngành hàng có tín hiệu tốt từ đầu năm đó là dệt may. Ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam - tại một Diễn đàn quốc tế về dệt may hồi đầu tháng 4/2024 chia sẻ, ngành dệt may đang nhìn về một tương lai tương đối sáng sủa hơn khi nền kinh tế Mỹ ổn định, lạm phát giảm dần; châu Âu cũng có nhiều tín hiệu tốt dần lên.

Ông Trường cũng cho biết, những tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu dệt may tăng 15% so với cùng kỳ năm trước, riêng tháng 1 tăng 30%. Đây là mức tăng khá khả quan so với tình hình thị trường năm 2023. Lãnh đạo Tập đoàn Dệt may Việt Nam kỳ vọng, tổng thể năm 2024 tăng trưởng xuất khẩu của ngành khoảng 10% so với cùng kỳ năm trước.

Nếu xét về đơn hàng, đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp dệt may đã ký kết đơn hàng đến 6 tháng đầu năm.

Bên cạnh đó, những tín hiệu khởi sắc của thị trường bông, sợi toàn cầu quý I/2024 đã giúp cho các doanh nghiệp sản xuất sợi có thể hy vọng về một năm sản xuất kinh doanh hiệu quả.

Tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng gia công

Từ nay đến cuối năm, Bộ Công Thương sẽ tập trung các giải pháp để nâng cao giá trị gia tăng cho sản xuất công nghiệp trong nước, đẩy mạnh việc triển khai Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp bám sát tình hình thị trường khu vực, thế giới, tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động thông quan, xuất, nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt là nhóm hàng nguyên, phụ liệu cho sản xuất trong nước - ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết.

z5375925944424_fc2b12e5c60af013d4591c7b8fbac37d.jpg
Dây chuyền sản xuất và đóng bao phân bón tại Công ty Cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao.
Ảnh: Nguyễn Duyên 

Cũng theo ông Phạm Tuấn Anh, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp đối với các sản phẩm công nghiệp được sản xuất ở Việt Nam; từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để tăng khả năng cạnh tranh, xây dựng hàng rào kỹ thuật đối với sản phẩm nhập khẩu nhằm hỗ trợ sản phẩm trong nước, tăng tỷ lệ nội địa hóa...

Bên cạnh đó, xem xét nghiên cứu và ban hành các ưu đãi, hỗ trợ cho việc sản xuất các vật liệu cơ bản như thép chế tạo (phục vụ cho các ngành cơ khí); nguyên phụ liệu, vải và da thuộc cho các ngành dệt may và da - giày; các sản phẩm từ hóa dầu như hạt nhựa, khuôn nhựa, cao su nhân tạo, sợi nhân tạo... để bảo đảm đầu vào cho các ngành công nghiệp hỗ trợ cũng như các ngành công nghiệp hạ nguồn.

Thêm một tin vui cho ngành công nghiệp chế tạo và công nghiệp hỗ trợ trong thời gian tới, đó là Bộ Công Thương đang phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp chế tạo nói chung và công nghiệp hỗ trợ nói riêng.

Trong dài hạn, cần thống nhất nguồn lực từ Trung ương đến địa phương tập trung đầu tư, phát triển các dự án công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp nền tảng, các ngành sản xuất, xuất khẩu chủ lực như: Công nghiệp vật liệu, công nghiệp hỗ trợ, cơ khí, ô tô, dệt may, da - giày, điện - điện tử, chế biến thực phẩm...

Liên quan đến tiến độ xây dựng Luật Công nghiệp trọng điểm, lãnh đạo Cục Công nghiệp thông tin, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Công Thương hiện đang khẩn trương hoàn thiện các nội dung Luật công nghiệp trọng điểm (bao gồm công nghiệp hỗ trợ) bảo đảm phù hợp với chủ trương, định hướng mới của Đảng về công nghiệp hóa đất nước trong thời kỳ mới tại Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII.

Dự kiến, Bộ Công Thương sẽ kiến nghị Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung Dự án Luật Công nghiệp trọng điểm vào Chương trình xây dựng Luật giai đoạn 2024 - 2025 của Quốc hội.

Cùng chuyên mục
Sản xuất công nghiệp phục hồi mạnh: Tín hiệu lạc quan cho năm 2024