Gian nan đầu ra của doanh nghiệp vật liệu xây dựng

(BKTO) - Dù có “hạ lãi suất, mở rộng điều kiện cho vay” thì doanh nghiệp (DN) ngành vật liệu xây dựng vẫn rất khó khăn - các chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng nhận định. Hơn nữa, khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là đầu ra cho sản phẩm, nếu DN cứ sản xuất để sản phẩm tồn kho thì sẽ đi đến phá sản…

cau-can.jpg
Các dự án đầu tư công được kỳ vọng thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vật liệu xây dựng. Ảnh: ST

Khó tiếp cận vốn, tiêu thụ sản phẩm khó khăn

Đó là triển vọng không mấy sáng sủa của các DN ngành xây dựng qua góc nhìn của các chuyên gia trong ngành. Dù rằng, để tháo gỡ khó khăn cho các DN nói chung, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách về tài chính, ngân hàng (trái phiếu DN, lãi suất điều hành, điều kiện cho vay…), các giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển.

Tuy nhiên, trên thực tế, hiệu quả mang lại vẫn chưa được như kỳ vọng, chính sách chưa thật sự đi vào cuộc sống, bởi nhiều DN cần vay vốn vẫn không thể tiếp cận được vì không được thế chấp bằng sản phẩm được hình thành từ nguồn vốn vay là sản phẩm vật liệu xây dựng.

Kết quả khảo sát DN vật liệu xây dựng của Vietnam Report cho thấy, trong năm vừa qua, những động lực lớn nhất đóng góp vào kết quả kinh doanh của DN là: Uy tín, thương hiệu của công ty trên thị trường (92,3% DN lựa chọn); Ứng dụng thành công chuyển đổi số trong quản lý và vận hành (61,5% DN lựa chọn); Phát triển các dòng sản phẩm mới, đa dạng hóa hoạt động kinh doanh (53,8% lựa chọn).

Tiếp đến là nhờ yếu tố: Rà soát, cắt giảm và sử dụng chi phí hiệu quả (46,2%); Sẵn đội ngũ nhân sự giỏi về chuyên môn, giàu kinh nghiệm, kỷ luật cao (46,2%). Tuy nhiên, tất cả 5 động lực lớn nhất kể trên đều thuộc yếu tố bên trong của DN.

Chia sẻ về các động lực bên ngoài, các DN cho rằng, yếu tố “Đầu tư công được đẩy mạnh, cơ sở hạ tầng được cải thiện” chính là động lực lớn nhất đóng góp vào kết quả kinh doanh của các DN vật liệu xây dựng trong 12 tháng tới với tỷ lệ 65% DN tham gia khảo sát lựa chọn.

Nhiều chuyên gia cũng chung nhận định, lực đẩy lớn cho thị trường vật liệu xây dựng sẽ đến từ đầu tư công. Bởi từ những tháng cuối năm 2023, Chính phủ đã và đang quyết liệt chỉ đạo thúc đẩy đầu tư công. Nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm được triển khai, quy hoạch nhiều dự án hạ tầng công nghiệp, đô thị đã được thông qua. Với những dự án đầu tư công lớn đã và đang triển khai như các đường vành đai, cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành sẽ giúp cho ngành xây dựng hạ tầng được hưởng lợi lớn trong năm 2024.

Gần đây, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo các chủ đầu tư tăng tỷ lệ sử dụng cầu cạn bê tông cốt thép đối với các dự án đường bộ cao tốc đang trong giai đoạn thiết kế, đặc biệt là ở những vùng có yêu cầu thoát lũ, vùng đất yếu và những vùng thiếu vật liệu đắp nền đường.

Tuy nhiên, nhu cầu vật liệu xây dựng từ đầu tư công chưa thể bù đắp được lượng dư cung vật liệu xây dựng và có thể dư hơn nữa nếu các DN hoạt động tối đa công suất thiết kế.

Vì vậy, các chuyên gia trong ngành cho rằng, chính bản thân các DN cũng cần mở rộng thị trường nội địa, tìm kiếm những thị trường xuất khẩu mới để tăng tiêu thụ sản phẩm, vượt qua được giai đoạn khó khăn hiện nay.

Bên cạnh đó, những tín hiệu tích cực về ổn định chính trị, môi trường đầu tư tốt, nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) được kỳ vọng sẽ tiếp tục được đổ vào Việt Nam, tạo đà bứt phá cho thị trường vật liệu xây dựng nội địa.

Tuy nhiên, ông Vũ Đăng Vinh - Tổng Giám đốc Vietnam Report nhận định, kể cả khi dòng vốn này thành hiện thực thì hoạt động triển khai các dự án chỉ có thể sôi động từ giữa năm 2025 trở đi. Điều này cũng có nghĩa là trong ngắn hạn, nguồn vốn đầu tư từ khu vực FDI có rất ít tác động đến thị trường vật liệu xây dựng.

Khi nào doanh nghiệp có cơ hội khởi sắc?

Niềm tin vào triển vọng thị trường đang được đặt nhiều vào việc Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, cùng với những nghị quyết, nghị định, thông tư để hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ sẽ giúp tháo gỡ khó khăn, từ đó tác động tích cực đến khả năng phục hồi và tăng trưởng của thị trường bất động sản, mở ra cơ hội đưa thị trường vật liệu xây dựng bật tăng trở lại.

Nhưng hiện nay, trong bối cảnh thị trường vật liệu xây dựng tiếp tục trải qua giai đoạn khó khăn, nhiều chuyên gia cho rằng, DN nên tận dụng quãng thời gian này để xanh hóa ngành vật liệu xây dựng.

Thực tế cho thấy, các ngành tiêu biểu của lĩnh vực vật liệu xây dựng như xi măng, thép, sứ vệ sinh, kính xây dựng, gạch ốp lát đều tiêu thụ lượng lớn tài nguyên thiên nhiên và năng lượng trong quá trình sản xuất. Xanh hóa ngành vật liệu xây dựng sẽ giúp DN hạn chế sự phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên ngày càng khan hiếm, đắt đỏ, hơn nữa còn giúp bảo vệ môi trường và đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững trên thị trường.

Thời gian qua, khi giá năng lượng như than đá, điện, khí đốt đều tăng cao đã thúc đẩy các DN nhận thực tốt hơn về phát triển bền vững, thực thi và đáp ứng tiêu chí đánh giá tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị (ESG).

Theo khảo sát của Vietnam Report, 17,5% số DN đang ở giai đoạn lập kế hoạch; 59,3% số DN đã lập kế hoạch và triển khai một phần cam kết ESG; 23,2% số DN còn lại đã lập kế hoạch và triển khai toàn diện cam kết ESG.

Theo đó, trong 3 yếu số E-S-G, yếu tố G (Governance - Quản trị DN) đang được các DN ưu tiên thực hiện với tỷ lệ 41,1% số DN lựa chọn; theo sau là yếu tố E (Environmental - Môi trường) và S (Social - Xã hội) với tỷ lệ lần lượt 36,8% và 22,1%.

Đáng chú ý, việc thực hành ESG hay những cam kết về phát triển bền vững không còn là lựa chọn của DN mà đã trở thành bắt buộc khi EU đã áp dụng thuế phát thải carbon theo Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM).

Cơ chế này ban đầu sẽ áp dụng cho các ngành phát thải cao nhất có nguy cơ rò rỉ cao nhất như sắt thép, xi măng, nhôm, phân bón, hydro, điện và sẽ được mở rộng sang các ngành khác theo lộ trình.

Là đối tác đứng thứ 11 về hàng hóa nhập khẩu vào EU, Việt Nam hiện có 4 nhóm hàng hóa xuất khẩu chủ lực sang thị trường EU là nhôm, thép, xi măng và phân bón.

Đặc biệt, riêng các sản phẩm từ sắt thép chiếm 96% giá trị của 4 mặt hàng xuất khẩu này. Vì thế, việc thực hiện cơ chế CBAM sẽ tác động mạnh đến các DN Việt có nhu cầu xuất khẩu sản phẩm sang thị trường EU.

Các chuyên gia khuyến nghị, để nâng cao khả năng cạnh tranh toàn diện theo chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng, ngay từ bây giờ các DN cần phải có sự điều chỉnh trong chiến lược kinh doanh.

Bởi cơ chế CBAM của EU cho thấy những quy định, tiêu chí ngày càng chặt chẽ hơn trên phạm vi toàn cầu nhằm gắn chặt hoạt động kinh tế, thương mại quốc tế với vấn đề bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, quỹ thời gian để doanh nghiệp chuẩn bị không còn nhiều, bởi có những quy định sẽ áp dụng ngay từ năm 2024 hoặc năm 2025. Vì thế, ngay từ bây giờ các DN nên chủ động chuyển đổi sang sản xuất xanh; đưa ra lộ trình cụ thể, huy động và tìm kiếm nguồn lực hỗ trợ nhằm đáp ứng các yêu cầu của CBAM./.

Cùng chuyên mục
Gian nan đầu ra của doanh nghiệp vật liệu xây dựng