Sản xuất kinh doanh của Petrovietnam tiếp đà tăng trưởng

(BKTO) - Tháng 4/2024, tổng doanh thu toàn Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đạt 77,2 nghìn tỷ đồng, tiếp tục tăng trưởng so với cùng kỳ và những tháng đầu năm. Đặc biệt, Petrovietnam đón nhiều tin vui về cơ chế chính sách và các phát hiện dầu khí mới, lập kỷ lục về sản lượng điện…

anh-6-1-.jpg
Petrovietnam vừa lập kỷ lục về sản lượng điện/ngày trong tháng 4/2024. Ảnh: PVN

Nhiều chỉ tiêu sản xuất kinh doanh hoàn thành vượt mức

Ngày 15/5, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn đã chủ trì cuộc họp giao ban CEO thường kỳ tháng 5 với lãnh đạo các đơn vị thành viên Tập đoàn về kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) tháng 4 và 4 tháng đầu năm; triển khai kế hoạch tháng 5 và các tháng tiếp theo. Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng tham dự và phát biểu chỉ đạo.

Trong tháng 4, Petrovietnam tiếp tục tập trung quản trị biến động, quyết liệt điều hành, bám sát vĩ mô, thị trường, kế hoạch quản trị đặt ra; đảm bảo hoạt động SXKD an toàn, thông suốt, tận dụng hiệu quả các cơ hội thị trường, đạt kết quả khả quan.

Theo đó, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất của Petrovietnam đều hoàn thành vượt mức kế hoạch tháng từ 1%-35,2%, như: Khai thác dầu thô đạt 0,84 triệu tấn, vượt 25% (trong đó, khai thác dầu thô trong nước đạt 0,69 triệu tấn, vượt 26,5%; khai thác dầu thô ở nước ngoài đạt 0,15 triệu tấn, vượt 19%); Khai thác khí đạt 615 triệu m3, vượt 46%; Sản xuất đạm đạt 157 nghìn tấn, vượt 5,8%…

Đặc biệt, các nhà máy, đơn vị điện lực của Petrovietnam nỗ lực triển khai các giải pháp đảm bảo hoạt động an toàn, ổn định ở công suất cao, cung ứng tối đa nguồn điện cho hệ thống trong giai đoạn nguy cơ thiếu điện cao.

Tháng 4, sản xuất điện của Tập đoàn đạt 3,19 tỷ kWh, vượt 12,3% kế hoạch tháng, tăng 22,3% so với tháng 3. Sản lượng điện huy động trung bình ngày trong toàn Tập đoàn đạt 106 triệu kWh/ngày, cao nhất từ đầu năm, tăng 26,4% so với mức huy động trung bình ngày trong tháng 3.

Ngày 27/4/2024 toàn hệ thống Petrovietnam đạt mức sản lượng cao nhất 111,3 triệu kWh. Tuy nhiên, đó vẫn chưa phải là mức tối đa công suất các nhà máy có thể đáp ứng để tăng cường cung cấp cho hệ thống điện quốc gia khi cần.

anh-1-1-.jpg
Quang cảnh cuộc họp giao ban CEO thường kỳ tháng 5 của Petrovietnam

Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất của Tập đoàn đều hoàn thành vượt mức kế hoạch. Trong đó, khai thác dầu thô đạt 3,38 triệu tấn, vượt 20,7% (dầu thô trong nước đạt 2,78 triệu tấn, vượt 21,4%; khai thác dầu thô ở nước ngoài đạt 0,595 triệu tấn, vượt 17,3%).

Khai thác khác khí đạt 2,3 tỷ m3, vượt 36%; Sản xuất đạm đạt 634 nghìn tấn, vượt 7%; Sản xuất điện đạt 9,82 tỷ kWh vượt 2,3%; Sản xuất xăng dầu (không bao gồm NSRP) đạt 1,78 triệu tấn, vượt 30,3% (nếu tính gồm sản lượng từ NSRP đạt 4,60 triệu tấn, vượt 26%...

Tăng trưởng cao về doanh thu và lợi nhuận

Nhờ thực hiện tốt công tác quản trị biến động nên mặc dù giá các sản phẩm chủ lực của Petrovietnam, đặc biệt biên lợi nhuận hóa dầu giảm 24,5% so với cùng kỳ năm 2023 nhưng các chỉ tiêu tài chính chủ yếu của Tập đoàn đều hoàn thành vượt mức từ 27-89% kế hoạch 4 tháng và tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2023.

anh-8.jpg
Nhiều đơn vị thành viên Petrovietnam ghi nhận sự tăng trưởng cao trong tháng 4/2024

Tổng doanh thu toàn Tập đoàn 4 tháng ước đạt 308,2 nghìn tỷ đồng, vượt 34% kế hoạch, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2023; Nộp ngân sách toàn Tập đoàn ước đạt 42,3 nghìn tỷ đồng, vượt 44% kế hoạch, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2023; Lợi nhuận trước thuế hợp nhất Tập đoàn ước đạt 14,9 nghìn tỷ đồng, vượt 74% kế hoạch.

Nhiều đơn vị thành viên Petrovietnam ghi nhận sự tăng trưởng cao, tính chung 4 tháng đầu năm 2024, có 14 đơn vị tăng trưởng cao về doanh thu từ 4 - 76% và lợi nhuận trước thuế từ 7% đến hơn 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2023.

Trong tháng 4, Petrovietnam liên tiếp đón nhận nhiều tin vui. Ngày 24/4/2024, Ban chấp hành Trung ương đã ban hành Kết luận 76-KL/TW về tình hình thực hiện NQ-41-NQ/TW ngày 23/7/2015 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến 2035 và một số định hướng cho giai đoạn phát triển mới. Đây là tiền đề rất quan trọng để Petrovietnam thực hiện định hướng chiến lược phát triển trở thành Tập đoàn công nghiệp năng lượng hàng đầu quốc gia.

Cũng trong tháng 4, Petrovietnam có 2 phát hiện dầu khí mới tại Lô 09-1, mỏ Rồng, giếng khoan R-79 và Lô PM3-CAA, mỏ Bunga Aster, giếng khoan BA-1x, đánh dấu 2 năm liên tiếp đạt 2 phát hiện dầu khí/năm. Bên cạnh đó, vào 18h18 phút ngày 15/5, Liên doanh Vietsovpetro đạt mốc quan trọng khai thác tấn dầu thứ 250 triệu.

anh-7-1-.jpg
Petrovietnam công bố 2 phát hiện dầu khí mới tại mỏ Rồng và mỏ Bunga Aster

Vừa qua, Petrovietnam đã đưa vào vận hành chính thức hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp (ERP) cho Công ty mẹ Tập đoàn giai đoạn 1; tổ chức Hội thảo về công tác an ninh mạng, tăng cường đảm bảo an toàn thông tin, dữ liệu thông suốt cho hoạt động SXKD; công tác an sinh xã hội được triển khai tích cực với tổng giá trị thực hiện 4 tháng đầu năm ước đạt 89,6 tỷ đồng…

Chỉ đạo tại cuộc họp, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng lưu ý cần tập trung dự báo, đánh giá các rủi ro về hoàn thành kế hoạch và kiểm soát chặt chẽ các mục tiêu; tăng cường kiểm soát chi phí; tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy SXKD tại các đơn vị khó khăn, thua lỗ; tập trung công tác tái cấu trúc theo kế hoạch; thúc đẩy công tác đầu tư, đặc biệt là các dự án trọng điểm; xây dựng kế hoạch, chương trình thực hiện Kết luận 76-KL/TW.

Đồng thời, toàn Tập đoàn tập trung quản trị, điều hành quyết liệt, bám sát mục tiêu, chắt chiu từng cơ hội để hoàn thành kế hoạch quản trị đặt ra; kiểm soát quá trình thực hiện, tuân thủ đúng các quy định của Nhà nước.

Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng

Còn Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn yêu cầu, cần xây dựng kế hoạch thực hiện tốt Kết luận 76-KL/TW; tiếp tục bám sát kế hoạch quản trị triển khai các hoạt động SXKD, đặc biệt là các chỉ tiêu sản xuất về dầu khí, điện; chuẩn bị tốt nguồn nhiên liệu cho các nhà máy điện; quản trị tốt danh mục đầu tư, tiếp tục tập trung rà soát, tháo gỡ những vướng mắc, điểm nghẽn, thúc đẩy, làm tốt hơn công tác đầu tư - tài chính trong thời gian tới; phân giao nhiệm vụ trong Ban Điều hành, các Ban của Tập đoàn và các đơn vị thành viên để bám sát thực hiện; đồng thời chỉ đạo giải quyết kịp thời các kiến nghị của các đơn vị với Tập đoàn; tập trung thực hiện công tác tái cấu trúc theo Quyết định số 1243/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án cơ cấu lại Tập đoàn giai đoạn đến hết năm 2025./.

Cùng chuyên mục
  • TP.Hồ Chí Minh lập 5 đoàn kiểm tra công tác cải cách hành chính
    6 tháng trước Địa phương
    (BKTO) - Từ nay đến cuối tháng 6/2024, TP.Hồ Chí Minh sẽ có 5 đoàn kiểm tra thực hiện cải cách hành chính tại các cơ quan, đơn vị, địa phương…
  • Quản lý thuế theo phương pháp quản lý rủi ro trong nền kinh tế số
    6 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Quản lý việc tuân thủ thuế trong nền kinh tế số gặp nhiều khó khăn hơn so với nền kinh tế truyền thống do tính phức tạp, tính đa dạng và tính toàn cầu của các hoạt động kinh tế. Các giao dịch diễn ra trên môi trường mạng, thông qua các nền tảng số khiến cho việc theo dõi, kiểm soát và quản lý thuế trở nên khó khăn hơn. Do vậy, thực hiện phân tích rủi ro để quản lý việc tuân thủ pháp luật của người nộp thuế (NNT) có ý nghĩa quan trọng.
  • Thu ngân sách có dấu hiệu chậm lại
    6 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - 4 tháng đầu năm 2024, thu ngân sách nhà nước (NSNN) đảm bảo dự toán nhưng có dấu hiệu chậm lại. Nguyên nhân chủ yếu là do nguồn thu ngân sách dựa vào sức tăng trưởng của nền kinh tế; trong khi đó, tốc độ tăng trưởng GDP quý I dù đã cải thiện nhưng chưa đột phá, chưa quay lại quỹ đạo cần thiết...
  • Kịch bản nào cho thị trường bất động sản nghỉ dưỡng?
    6 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Thời điểm hiện tại, trong khi nhiều phân khúc bất động sản (BĐS) dần có tín hiệu phục hồi, phân khúc BĐS nghỉ dưỡng vẫn khá trầm lắng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng kỳ vọng trong thời gian tới, phân khúc này sẽ dần “tan băng” nhờ có nhiều động lực thúc đẩy.
  • Nhận diện đầy đủ hạn chế của nền kinh tế
    6 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Tốc độ tăng trưởng GDP quý I/2024 dù cải thiện nhưng chưa đủ để tạo ra những bước đột phá; áp lực lạm phát có dấu hiệu tăng; ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính, ngân hàng còn tiềm ẩn rủi ro... là những vấn đề cần quan tâm, đánh giá kỹ và theo dõi sát trong điều hành kinh tế - xã hội những tháng còn lại của năm 2024.
Sản xuất kinh doanh của Petrovietnam tiếp đà tăng trưởng