Tuân thủ thuế là nghĩa vụ, trách nhiệm của doanh nghiệp, cá nhân
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh, tuân thủ thuế là nghĩa vụ và cũng là trách nhiệm của mỗi cá nhân, tổ chức. Quản lý tuân thủ thuế là phương thức quản lý thuế hiện đại, giúp cơ quan thuế phân bổ, sử dụng hiệu quả nguồn lực có hạn trước bối cảnh số lượng NNT ngày càng tăng, quy mô hoạt động ngày càng lớn, tính chất hoạt động ngày càng phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro về thuế; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để NNT tuân thủ tốt quy định.
Đến nay, cả nước có gần 1 triệu doanh nghiệp (DN), hơn 3 triệu hộ kinh doanh (trong đó có khoảng 1,9 triệu hộ kinh doanh thuộc diện phải nộp thuế) và 27 triệu cá nhân có thu nhập thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân (trong đó có khoảng 7 triệu cá nhân có thu nhập thuộc diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân). Với tốc độ tăng trưởng kinh tế hiện nay, cùng với chủ trương đẩy mạnh hội nhập, tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài, thời gian tới sẽ có nhiều DN, tổ chức cá nhân kinh doanh tại Việt Nam, hoạt động ngày càng phức tạp. Theo đó, việc phân tích rủi ro để quản lý tuân thủ NNT càng quan trọng, cần được thực hiện quyết liệt.
Để bắt kịp xu hướng đó, ngành thuế đã chú trọng triển khai công tác quản lý rủi ro tuân thủ pháp luật thuế, thực hiện thu thập, xử lý dữ liệu từ nội bộ và từ các cơ quan, tổ chức bên ngoài ngành thuế. Đồng thời, xây dựng các bộ chỉ số tiêu chí, quy trình và ứng dụng về phân tích, nhận diện rủi ro NNT qua đó hỗ trợ việc lựa chọn NNT để kiểm tra, thanh tra thuế; phân loại hồ sơ hoàn thuế và xây dựng kế hoạch kiểm tra sau hoàn; quản lý, giám sát chặt chẽ việc sử dụng hoá đơn của NNT phòng ngừa gian lận hóa đơn, chống thất thu ngân sách nhà nước (NSNN). Đồng thời, ngành thuế đã nghiên cứu áp dụng các công nghệ mới dựa trên phân tích dữ liệu lớn, áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào phân tích rủi ro, quản lý tuân thủ pháp luật thuế.
Việc quản lý tuân thủ thuế trong nền kinh tế số gặp nhiều khó khăn hơn, đòi hỏi những giải pháp quản lý phù hợp, hiệu quả để đảm bảo nguồn thu NSNN. Trước yêu cầu chuyển đổi số mạnh mẽ của ngành thuế nói riêng và chiến lược chuyển đổi số quốc gia nói chung, ngành thuế đã nghiên cứu, áp dụng các công nghệ mới dựa trên phân tích dữ liệu lớn, áp dụng trí tuệ nhân tạo vào phân tích rủi ro, quản lý tuân thủ thuế.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh
Công tác thu thập, phân tích dữ liệu hóa đơn điện tử (HĐĐT) nói riêng, dữ liệu quản lý thuế nói chung được triển khai hiệu quả; việc xây dựng cơ sở dữ liệu đối soát dữ liệu lớn với HĐĐT, xây dựng chức năng cảnh báo xuất hoá đơn vượt ngưỡng an toàn đã được triển khai. Bước đầu nghiên cứu, áp dụng AI vào phân tích dữ liệu HĐĐT để phát hiện rủi ro giá bất thường, chuỗi mua bán hóa đơn, gian lận hoàn thuế giá trị gia tăng, phân tích chuỗi mua bán hóa đơn theo từng mặt hàng rủi ro hoặc theo chuỗi quan hệ mua bán của các DN giúp tìm các chuỗi nghi ngờ (mua bán lòng vòng, chỉ mua không bán, chỉ bán không mua, xuất khống hóa đơn...).
Giảm thiểu rủi ro về thuế cho doanh nghiệp
Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam - cho rằng, quản lý tuân thủ thuế đang là yêu cầu bức thiết trong bối cảnh chuyển đổi số. Trước bối cảnh DN, NNT ngày càng tăng về số lượng cũng như đa dạng hóa phương thức kinh doanh còn số lượng biên chế công chức thuế có hạn; việc quản lý thuế theo phương pháp phân tích rủi ro, đánh giá tuân thủ NNT là phương pháp quản lý thuế hiện đại, được nhiều quốc gia áp dụng, mang lại hiệu quả cao, giảm chi phí quản lý cho cơ quan thuế và giảm chi phí tuân thủ của NNT. Trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin, việc phân tích, phân loại rủi ro, đánh giá tuân thủ được thực hiện tự động, khách quan. Do đó, cần xây dựng bộ công cụ đánh giá tính tuân thủ tự nguyện của NNT, tác động của tính tuân thủ đến hiệu quả hoạt động quản lý thuế, phù hợp với yêu cầu thực tiễn và yêu cầu hiện đại hóa toàn diện công tác quản lý thuế trong nền kinh tế số. Từ việc phân loại tính tuân thủ của NNT, cơ quan thuế đưa ra các biện pháp quản lý thuế phù hợp với nhóm nộp thuế tuân thủ tốt, tuân thủ trung bình, tuân thủ thấp và không tuân thủ...
Chia sẻ về công tác quản lý tuân thủ thuế tại Nhật Bản, ông Noguchi Daisuke - Chuyên gia JICA tại Việt Nam - cho biết, việc duy trì và nâng cao tính tuân thủ thuế của DN lớn là vô cùng quan trọng để duy trì và nâng cao tuân thủ thuế trên phạm vi cả nước. Nói cách khác, việc nâng cao tính tuân thủ thuế của DN lớn là biện pháp hữu hiệu nhằm nâng cao hiệu quả quản lý thuế. Cơ quan thuế của Nhật Bản đã xây dựng và hoàn thiện hệ thống quản trị thuế trong DN và việc này đem lại lợi ích cho cả DN và cơ quan thuế. Theo đó, DN giảm thiểu rủi ro về thuế; nếu hệ thống quản trị thuế trong DN tốt thì có thể giảm thiểu gánh nặng ứng phó với thanh tra thuế, còn cơ quan thuế có thể tập trung nguồn lực thanh tra các DN có mức độ cần thanh tra cao.
Về cách tiếp cận dựa trên rủi ro, cơ quan thuế của Nhật Bản tập trung phân tích các yếu tố, như: Tình hình quản trị thuế trong DN, nội dung hoạt động kinh doanh, nội dung kê khai/quyết toán, các vấn đề được chỉ ra trong thanh tra thuế và tình hình cải thiện. Từ nhận định về rủi ro trên cơ sở đánh giá đó, cơ quan thuế lựa chọn đối tượng thanh tra và phân bổ nguồn lực phù hợp./.