Thu ngân sách có dấu hiệu chậm lại

(BKTO) - 4 tháng đầu năm 2024, thu ngân sách nhà nước (NSNN) đảm bảo dự toán nhưng có dấu hiệu chậm lại. Nguyên nhân chủ yếu là do nguồn thu ngân sách dựa vào sức tăng trưởng của nền kinh tế; trong khi đó, tốc độ tăng trưởng GDP quý I dù đã cải thiện nhưng chưa đột phá, chưa quay lại quỹ đạo cần thiết...

11-thay.jpeg
Lũy kế 4 tháng đầu năm 2024, thu NSNN ước đạt 733.400 tỷ đồng. Ảnh minh họa

Thu ngân sách tháng 4 giảm so với tháng trước

Bộ Tài chính cho biết, lũy kế 4 tháng đầu năm 2024, thu NSNN ước đạt 733.400 tỷ đồng, bằng 43,1% dự toán, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2023 (thu ngân sách trung ương ước đạt 46,5% dự toán; thu ngân sách địa phương ước đạt 39,7% dự toán). Trong đó, thu nội địa ước đạt 629.900 tỷ đồng, bằng 43,6% dự toán, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2023. Thu từ dầu thô ước đạt 21.200 tỷ đồng, bằng 46,2% dự toán, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm 2023. Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 82.200 tỷ đồng, bằng 40,3% dự toán, giảm 5,7% so với cùng kỳ năm 2023.

Về số thu nội địa, có 10/12 khoản thu đảm bảo tiến độ dự toán (trên 34% dự toán), trong đó thu từ 3 khu vực kinh tế (chiếm 50,9% dự toán thu nội địa) ước đạt 45,7% dự toán; thuế thu nhập cá nhân ước đạt 45,1% dự toán; thu từ hoạt động xổ số kiến thiết ước đạt 51,1% dự toán, thu cổ tức, lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế, chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước ước đạt 81,4% dự toán; thu khác ước đạt 48,7% dự toán...

2 khoản thu có tiến độ thu đạt thấp so với dự toán là thu cấp quyền khai thác khoáng sản ước đạt 21,6% dự toán, bằng 78,8% so với cùng kỳ; các khoản thu về nhà, đất ước đạt 25,7% dự toán, song vẫn có tăng trưởng 74% so với cùng kỳ. Ước tính có 25/63 địa phương thực hiện thu nội địa 4 tháng đạt trên 40% dự toán; 54/63 địa phương có tăng trưởng thu so với cùng kỳ.

Ông Mai Xuân Thành - Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế - đánh giá: Mặc dù thu ngân sách 4 tháng đầu năm 2024 tăng so với cùng kỳ, nhưng đang có những dấu hiệu cho thấy công tác thu phải đối mặt với nhiều khó khăn. Cụ thể, tổng thu NSNN thực hiện tháng 4 ước đạt 175.600 tỷ đồng, bằng 10,3% dự toán, bằng 94,4% mức thu bình quân tháng của quý I (thấp hơn khoảng 10.400 tỷ đồng). Trong đó, thu nội địa ước đạt 149.300 tỷ đồng, bằng 10,3% dự toán, bằng 93,2% mức thu bình quân tháng của quý I. Lũy kế thu NSNN 4 tháng đầu năm, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 82.200 tỷ đồng, bằng 40,3% dự toán, giảm 5,7% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thu NSNN tỷ lệ thuận với tăng trưởng kinh tế. Nói cách khác, nguồn thu ngân sách dựa vào sức tăng trưởng của nền kinh tế nhưng với quy mô nền kinh tế nhỏ như hiện nay, dự trữ ngoại hối thấp, dự trữ tài chính ít, trong khi nhu cầu về nguồn lực tài chính lớn, cũng như phải đảm bảo tỷ giá, giá cả, đặc biệt là giá điện, giá vàng… ổn định là những khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế nói chung và việc thu ngân sách nói riêng.

Báo cáo của Chính phủ cho thấy, những tháng đầu năm 2024, sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn. Cầu tiêu dùng trong nước 4 tháng tăng thấp hơn cùng kỳ năm 2023 và giai đoạn 2015-2019. Trong 4 tháng qua, có hơn 86.300 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 12,2% so với cùng kỳ. Đầu tư khu vực tư nhân phục hồi còn chậm. Tăng trưởng tín dụng chưa cao, tiếp cận vốn tín dụng còn khó khăn...

Còn theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, tốc độ tăng trưởng GDP quý I/2024 dù cải thiện nhưng chưa có sự đột phá, chưa quay lại quỹ đạo cần thiết, chưa đủ để tạo ra những bước đột phá cho phát triển bền vững và chưa thể giúp nước ta thoát khỏi nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Tổng cầu trong nước yếu, chậm hồi phục trong bối cảnh áp lực lạm phát có dấu hiệu tăng. Ngành khai khoáng suy giảm trong khi công nghiệp chế biến, chế tạo chưa lấy lại đà tăng trưởng cao như giai đoạn trước dịch Covid-19; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn... Điều này đã tác động đến việc thu NSNN.

Tiếp tục đổi mới để quản lý thu hiệu quả

Trước thực trạng trên, ông Mai Xuân Thành cho biết, ngành thuế sẽ tiếp tục theo dõi sát sao và đánh giá đúng tình hình kinh tế trong nước và ngoài nước; phân tích, nhận định tác động của những chính sách tài khóa, tiền tệ mà các nước thực hiện đến tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh và “sức khoẻ” của DN Việt. Qua đó, nhận diện sớm rủi ro, kịp thời tham mưu cho Bộ Tài chính, Chính phủ có kịch bản, giải pháp chủ động trong điều hành thu NSNN năm 2024.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định, trong điều kiện nền kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng công tác thu NSNN đã có nhiều sáng tạo, sáng kiến để đạt hiệu quả. Nhận định tình hình kinh tế khó khăn có thể còn tiếp tục kéo dài, thậm chí năm sau còn khó khăn hơn năm nay, Bộ trưởng yêu cầu toàn ngành cần tiếp tục đoàn kết, sáng tạo, dám đổi mới, có bản lĩnh để vượt qua khó khăn, chú trọng quản trị các rủi ro để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, phấn đấu vì sự phát triển chung của ngành.

Đồng thời, các đơn vị trực thuộc nghiêm túc khắc phục những hạn chế, tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thu, chi NSNN; tăng cường kỷ luật hành chính trong thực thi công vụ, đặc biệt quan tâm đến vấn đề quản trị rủi ro của ngành. Quản lý tốt việc thu thuế sàn thương mại điện tử, hoá đơn điện tử, chống hoá đơn giả; rà soát báo cáo Bộ xem xét, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất… để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, tạo nguồn thu ngân sách.

Ngành hải quan lưu ý công tác chống buôn lậu, nhất là buôn lậu vàng, ngoại tệ, ma tuý; đồng thời đẩy mạnh xây dựng hải quan thông minh, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất, nhập khẩu, hướng tới xây dựng mô hình hải quan thông minh./.

Cùng chuyên mục
  • Kịch bản nào cho thị trường bất động sản nghỉ dưỡng?
    5 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Thời điểm hiện tại, trong khi nhiều phân khúc bất động sản (BĐS) dần có tín hiệu phục hồi, phân khúc BĐS nghỉ dưỡng vẫn khá trầm lắng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng kỳ vọng trong thời gian tới, phân khúc này sẽ dần “tan băng” nhờ có nhiều động lực thúc đẩy.
  • Nhận diện đầy đủ hạn chế của nền kinh tế
    5 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Tốc độ tăng trưởng GDP quý I/2024 dù cải thiện nhưng chưa đủ để tạo ra những bước đột phá; áp lực lạm phát có dấu hiệu tăng; ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính, ngân hàng còn tiềm ẩn rủi ro... là những vấn đề cần quan tâm, đánh giá kỹ và theo dõi sát trong điều hành kinh tế - xã hội những tháng còn lại của năm 2024.
  • Hiệu ứng “Sell in May” có đáng lo ngại?
    5 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Cứ mỗi độ tháng 5, hiệu ứng “Sell in May” lại được giới đầu tư nhắc đến khi nói về thị trường chứng khoán (TTCK). Tuy nhiên, trong những năm gần đây và ngay cả năm nay, hiệu ứng này có thực sự đáng lo ngại?
  • Xác định rõ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025
    5 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) 5 năm 2021-2025. Nhưng tình hình quốc tế, khu vực dự báo vẫn có nhiều biến động khó lường; triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu còn đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu cần phải xác định rõ mục tiêu Kế hoạch phát triển KTXH và dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2025.
  • Phối hợp, thống nhất số liệu quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022 trình Quốc hội
    5 tháng trước Tài chính
    (BKTO) - Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đề nghị Ủy ban Tài chính, Ngân sách chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính, Kiểm toán nhà nước (KTNN) rà soát, xác định chính xác số liệu quyết toán NSNN năm 2022, không đưa vào quyết toán trình Quốc hội nếu không có căn cứ pháp lý, không đúng quy định.
Thu ngân sách có dấu hiệu chậm lại