Sáng tạo, linh hoạt trong truyên truyền, vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội

(BKTO) - Truyền thông được xem là “chìa khóa” quan trọng để phát triển bền vững người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT).

screenshot-2024-08-17-140032.png
BHXH tỉnh Hà Nam đã phối hợp với chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể truyền thông tận nhà, theo từng nhóm nhỏ tại cơ sở về chính sách BHXH, BHYT. Ảnh: THHN

Tăng cường tuyên truyền, tư vấn, đối thoại về chính sách bảo hiểm

Thời gian qua, BHXH tỉnh Hà Nam đã không ngừng đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp truyền thông, bám sát hoạt động của ngành, bảo đảm đúng định hướng, trọng tâm, trọng điểm và phù hợp với tình hình thực tế. Truyền thông qua báo chí, qua mạng xã hội và các nền tảng số được đẩy mạnh, hiệu quả lan tỏa cao.

Làm tốt công tác tuyên truyền sẽ giúp người dân và các tổ chức, doanh nghiệp hiểu rõ, đúng, đầy đủ, sâu sắc chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHXH, BHYT, từ đó chủ động đăng ký tham gia.

Từ năm 2023 đến nay, BHXH tỉnh Hà Nam đã phối hợp với chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể tổ chức trên 230 hội nghị tuyên truyền, tư vấn, đối thoại trực tiếp về chính sách BHXH, BHYT, hướng dẫn cài đặt ứng dụng VssID - BHXH số với hơn 11.000 người tham dự. Cùng với tổ chức các hội nghị lớn, lồng ghép các hoạt động ở địa phương, việc tập trung truyền thông tận nhà, theo từng nhóm nhỏ tại cơ sở và truyền thông qua mạng xã hội đang mang lại hiệu quả khá tốt, góp phần đưa chính sách đến với từng người dân.

BHXH tỉnh Hà Nam đã tổ chức 4 buổi ra quân với 428 nhóm tuyên truyền, tổ chức tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình cho hơn 6.800 lượt người nhân các dịp cao điểm, như: Tháng vận động, triển khai BHXH toàn dân, Ngày BHYT Việt Nam… Đẩy mạnh tuyên truyền trực quan qua các băng rôn, phướn, backdrop và đăng tải hàng trăm tin, bài, ảnh, video tuyên truyền trên trang Zalo, Facebook, Youtube của BHXH tỉnh và BHXH huyện, thị xã, thành phố.

Ngoài các nội dung thông tin, truyền thông thường xuyên, cần tập trung truyền thông về sự cần thiết, ý nghĩa, vai trò, lợi ích, tính nhân văn của các chế độ BHXH, trong đó có mục tiêu, ý nghĩa của chế độ tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp; vai trò, lợi ích, tính nhân văn của chính sách BHXH tự nguyện; ý nghĩa, giá trị của việc hưởng lương hưu hằng tháng và được nhận thẻ BHYT miễn phí trong suốt thời gian hưởng lương hưu; những thiệt thòi khi người lao động chọn nhận BHXH một lần.

Đến hết tháng 4/2024, toàn tỉnh có 15.109 người tham gia BHXH tự nguyện; 168.315 người tham gia BHXH bắt buộc; tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 91,6% dân số; có 235.677 người cài đặt và được cấp mật khẩu ứng dụng VssID.

Bên cạnh đó, BHXH tỉnh Hà Nam tuyên truyền về tầm quan trọng, ý nghĩa và nội dung chính của dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) trong việc mở rộng đối tượng được tham gia BHXH bắt buộc và bổ sung quyền lợi của người tham gia; các quy định của pháp luật về quyền và trách nhiệm của đơn vị (người sử dụng lao động), người lao động khi tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp; kết quả chuyển đổi số, triển khai Đề án về “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” của ngành và những tiện ích đem lại cho người dân, đơn vị doanh nghiệp.

Để công tác truyền thông đạt hiệu quả, BHXH tỉnh Hà Nam chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và BHXH các huyện, thị xã, thành phố triển khai đồng bộ các giải pháp: Tăng cường truyền thông về chính sách BHXH trên các trục đường, phố chính, khu đông dân cư trên địa bàn thành phố Phủ Lý, tại trụ sở cơ quan BHXH, các tuyến đường chính của huyện, thị xã, thành phố nhằm lan tỏa các thông điệp “Đồng hành cùng BHXH vì cuộc sống chất lượng hơn”, “Tham gia BHXH - Đóng góp hôm nay, để dành tương lai”, “Tham gia BHXH là bảo vệ cuộc sống của mỗi gia đình”, “BHXH tự nguyện - Của để dành của người lao động”, “Thực hiện BHXH, BHYT toàn dân là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp và của toàn xã hội”…

BHXH tỉnh, BHXH các huyện, thị xã chủ động phối hợp với các đoàn thể, địa phương tổ chức tuyên truyền, tư vấn, đối thoại về chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; hướng dẫn đăng ký, cài đặt và sử dụng ứng dụng VssID - BHXH số; tiếp tục sử dụng có hiệu quả các ấn phẩm tuyên truyền, đăng tải, chia sẻ thông tin trên Cổng Thông tin điện tử và nền tảng mạng xã hội.

Hà Nam dự kiến tổ chức 12 hội nghị tuyên truyền, tư vấn, đối thoại về chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình trong năm 2024 (mỗi huyện, thị xã, thành phố tổ chức 2 hội nghị), mỗi hội nghị có từ 80 - 100 người tham dự. Thời gian thực hiện trong tháng 5 và tháng 9 năm 2024.

Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông của tỉnh, trung tâm văn hóa, thông tin và thể thao các huyện, thị xã, thành phố xây dựng các tin, bài, phóng sự truyền thông về chính sách BHXH, BHYT phản ánh về những kết quả tích cực trong thực hiện chính sách BHXH tại các địa phương, về vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT; đặc biệt là lợi ích và mức hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước, địa phương khi tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; những gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt; nhân vật thực tế, người được thụ hưởng chính sách BHXH, qua đó lan tỏa tính nhân văn và lợi ích khi tham gia.

Thực hiện Quy chế phối hợp giữa BHXH tỉnh và Hội Nông dân giai đoạn 2022 - 2025, BHXH tỉnh Hà Nam đã phối hợp với Hội Nông dân xây dựng kế hoạch tuyên truyền và tổ chức các hoạt động nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên nông dân về chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình năm 2024. Xây dựng mô hình “Nhà nông tiết kiệm tham gia BHXH tự nguyện vì cuộc sống an nhàn lúc tuổi già”, mô hình “Hỗ trợ/tặng thẻ BHYT cho hội viên nông dân, người có thu nhập thấp, hội viên nông dân có hoàn cảnh khó khăn”.

Nâng cao tỷ lệ chi trả an sinh không dùng tiền mặt

Theo BHXH tỉnh Hà Nam, thực hiện Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 và các chỉ đạo của BHXH Việt Nam, BHXH tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp tích cực, hiệu quả để nâng cao tỷ lệ chi trả an sinh không dùng tiền mặt.

Theo đó, BHXH tỉnh thường xuyên phối hợp với Bưu điện trong công tác quản lý người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng qua tài khoản cá nhân và người hưởng ủy quyền lĩnh thay, người hưởng tuất cao tuổi. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp chặt chẽ với BHXH tỉnh, Bưu điện tỉnh trong quản lý, chi trả chế độ trợ cấp thất nghiệp, hạn chế tối đa việc giải quyết sai phải thu hồi, đáp ứng tốt yêu cầu quản lý đặt ra.

Việc chi trả không dùng tiền mặt là phương thức bảo đảm an toàn, tiết kiệm thời gian và chi phí. Với phương thức này, hàng tháng, người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, BHTN không cần phải đến địa điểm tập trung để nhận tiền và ký danh sách chi trả. Điều này hoàn toàn phù hợp với xu thế phát triển của xã hội. Người lao động hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe, BHXH một lần, trợ cấp thất nghiệp thì phương thức chi trả không dùng tiền mặt còn góp phần hạn chế tình trạng đơn vị sử dụng lao động chiếm dụng, chậm chi trả tiền chế độ cho người lao động. Do đó, đảm bảo người tham gia được nhận chế độ đầy đủ, nhanh chóng, chính xác, kịp thời, an toàn, đúng thời gian quy định.

Đối với cơ quan chi trả, việc tổ chức thực hiện phương thức này bảo đảm mục tiêu an toàn tiền mặt trong quá trình vận chuyển, lưu trữ, tránh sai sót, giảm bớt áp lực, thời gian trong tổ chức chi trả và các bước trung gian qua chủ sử dụng lao động.

Theo thống kê của BHXH tỉnh, hiện toàn tỉnh có hơn 44.100 người hưởng chế độ BHXH hàng tháng, trong đó số người nhận tiền mặt là 37.695 người; số người được nhận qua ATM là 6.427 người. Số người được nhận chế độ BHXH một lần là 6.807 người, trong đó có 914 người nhận tiền mặt, 5.893 người nhận qua ATM. Số người được hưởng trợ cấp thất nghiệp là 26.240 người, trong đó có 81 người nhận tiền mặt, 26.159 người nhận qua ATM.

Thời gian tới, để tiếp tục chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội, BHXH tỉnh tiếp tục phối hợp với Bưu điện tỉnh tăng cường tuyên truyền, vận động người thụ hưởng chính sách hưởng ứng chủ trương của Chính phủ về chi trả an sinh xã hội qua hệ thống ngân hàng. Đối với người hưởng các chế độ BHXH một lần, vận động, khuyến khích ngay từ khi lập hồ sơ hưởng. Đối với người hưởng trợ cấp thất nghiệp, phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm đề nghị người hưởng kê khai tài khoản (nếu đã có tài khoản) hoặc mở tài khoản (nếu chưa có tài khoản) để thực hiện chi trả nhằm tiệm cận 100% người hưởng mới trợ cấp thất nghiệp nhận chế độ qua tài khoản cá nhân.

Bên cạnh đó, quản lý chặt chẽ người thụ hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng; thông báo công khai, thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng về lịch chi trả hằng tháng, mạng lưới ATM, cơ chế ưu đãi của các ngân hàng để vận động, khuyến khích người nhận lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng bằng tiền mặt chuyển sang đăng ký nhận qua tài khoản cá nhân; giao chỉ tiêu cụ thể số người nhận các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt cho các đơn vị trực thuộc, đơn vị liên quan để tổ chức thực hiện đảm bảo mục tiêu đề ra.

Chi trả các chế độ bảo hiểm không dùng tiền mặt là chủ trương đúng đắn, phù hợp với xu thế. Tuy nhiên, để triển khai sâu rộng, bên cạnh sự vào cuộc tích cực của cơ quan chức năng, người dân và đối tượng được thực hiện chi trả cần nhận thức đúng về lợi ích mang lại nhằm tạo sự đồng thuận trong quá trình chuyển đổi phương thức chi trả từ tiền mặt sang chi trả không dùng tiền mặt./.

Cùng chuyên mục
Sáng tạo, linh hoạt trong truyên truyền, vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội