Sau cổ phần hóa, quản trị hiện đại sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp

(BKTO) - Số liệu Bộ Tài chính đưa ra tại Diễn đàn “Quản trị sự thay đổi và tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước trong bối cảnh toàn cầu hóa” ngày 30/11, tại Hà Nội cho biết, đến ngày 18/11/2018 mới cổ phần hóa được 12 doanh nghiệp trong khi kế hoạch năm 2018 phải cổ phần hóa ít nhất 85 doanh nghiệp.



Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước vẫn chậm

Về kế hoạch thoái vốn, cũng tính đến tháng 11/2018 mới chỉ có 31 doanh nghiệp thực hiện thoái vốn, trong khi kế hoạch năm 2018 là 181 doanh nghiệp thực hiện thoái vốn.

Còn số liệu của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp cho biết, trong năm 2017, cả nước phê duyệt phương án cổ phần hóa 57 doanh nghiệp nhà nước, gấp 1,03 lần so với 55 doanh nghiệp cổ phần hóa năm 2016. Trong 6 tháng đầu năm 2018, Chính phủ đã tiếp tục phê duyệt phương án cổ phần hóa 19 doanh nghiệp nhà nước, bằng 86% so với cùng kỳ 2017 với tổng giá trị doanh nghiệp là 40.672 tỷ đồng; trong đó, giá trị vốn nhà nước là 23.084 tỷ đồng. Tổng thu từ cổ phần hóa 6 tháng đầu năm 2018 đạt 28.055 tỷ đồng; trong đó, thu từ cổ phần hóa là 22.457 tỷ đồng và thu từ thoái vốn là 5.598 tỷ đồng.
                
   

Quang cảnh Diễn đàn

   
Tuy nhiên, theo kế hoạch, tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước vẫn còn rất chậm - TS. Nguyễn Văn Khách, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định.

Tại Diễn đàn, nhiều chuyên gia, nhà quản lý, đại diện doanh nghiệp Nhà nước cũng trao đổi thẳng thắn về cơ chế chính sách và thực trạng cơ cấu lại, đổi mới doanh nghiệp nhà nước; những rào cản, vướng mắc đối với tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Ông Nguyễn Văn Khách cho rằng, cần có thái độ dứt khoát với cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tức là nhanh chóng đạt mục tiêu thoái vốn nhà nước khỏi doanh nghiệp hậu cổ phần hóa, thu tiền về trả cho các phần đã làm nên tổng giá trị doanh nghiệp Nhà nước cho đến ngày bán, còn phần bán của Nhà nước sẽ nhập vào ngân sách để chi theo Luật Ngân sách Nhà nước.

Theo ông Phan Đức Hiếu- Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), nỗ lực của Chính phủ đã được thể hiện với việc thành lập Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp để tách bạch quyền chủ sở hữu và quản lý nhà nước. Tuy nhiên, ông Phan Đức Hiếu đã chỉ ra 02 thách thức lớn đối với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Một là, Ủy ban tuy “khoác áo” cơ quan Nhà nước nhưng sẽ phải hoạt động như một nhà đầu tư có tính chuyên môn, chuyên nghiệp cao. Hai là, Ủy ban phải có nhân sự tốt, chuyên gia tốt mới đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi đặt ra.
                
   

Nhiều doanh nghiệp nhà nước đã được bàn giao về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp

   
Quản trị hiện đại sẽ nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp

Một trong những nội dung trọng tâm nữa tại Diễn đàn là các đại biểu đã trao đổi về tác động của cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 đối với tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

PGS,TS.Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã nêu rõ thực trạng, sau cổ phần hóa, nhiều doanh nghiệp nhà nước đã có cơ cấu vốn mới nhưng đội ngũ lãnh đạo hầu như vẫn là người cũ. Thách thức đặt ra là làm sao quản trị doanh nghiệp sau cổ phần hóa phải mang lại hiệu quả cao hơn cho doanh nghiệp.

Việc thành lập Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là bước tiến cụ thể để thiết lập khuôn khổ quản trị hiện đại, minh bạch - ông Phan Đức Hiếu nhận định.

Đề cập cụ thể hơn đến phương pháp quản trị hiện đại, ông Nguyễn Văn Khách cho rằng, cần phải xây dựng hệ thống quản trị doanh nghiệp nhà nước tiệm cận thông lệ quốc tế, cụ thể là các nguyên tắc quản trị doanh nghiệp hiện đại của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) thông qua việc từng bước áp dụng cho các doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa và doanh nghiệp nhà nước nói chung.
                
   

Doanh nghiệp nhà nước cần áp dụng các nguyên tắc quản trị hiện đại

   
Bên cạnh đó, cần nâng cao tính minh bạch và năng lực giám sát đối với doanh nghiệp nhà nước. Theo đó, Nhà nước cần xây dựng và công khai các chiến lược, chính sách đầu tư vào các doanh nghiệp nhà nước, cũng như minh bạch thông tin về đầu tư vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, danh sách và số lượng doanh nghiệp có vốn nhà nước; mức độ đầu tư, hiệu quả đầu tư; hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước.

Muốn vậy, cần thể chế hóa công tác giám sát, đánh giá doanh nghiệp nhà nước bằng quy định pháp luật cụ thể. Đồng thời, hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả vốn đầu tư Nhà nước, có các tiêu chí đánh giá, giám sát rủi ro tài chính và quản trị doanh nghiệp Nhà nước theo các cấp độ, quy mô doanh nghiệp.

Trước đó, nhiều chuyên gia nêu quan điểm rằng, cần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, đơn giản hóa và hợp lý hóa thông lệ hoạt động và khuôn khổ pháp lý cho doanh nghiệp nhà nước.

QUỲNH ANH
Cùng chuyên mục
  • Nỗ lực đảm bảo cung ứng điện cho năm 2019
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2017 theo công bố của Bộ Công Thương tại cuộc họp báo ngày 30/11 là 1.667,77 đ/kWh, tăng 0,15% so với năm 2016. Trong bối cảnh tăng trưởng phụ tải cao, huy động sản lượng điện từ các nhà máy thủy điện có khả năng thiếu hụt so với kế hoạch, việc cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện than gặp nhiều khó khăn, Bộ Công Thương đã sẵn sàng các phương án đảm bảo cung ứng điện năm 2019.
  • Hà Nội - điển hình triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Chiều 29/11, tại Hội nghị kiểm tra việc triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (CVĐ) của TP. Hà Nội, các đại biểu đã cập nhật tình hình triển khai CVĐ cũng như đề ra những định hướng để CVĐ đạt kết quả cao trong thời gian tới.
  • Ra mắt Hội bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Ngày 29/11, Hội bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam đã chính thức ra mắt tại Hà Nội.
  • CPI tháng 11 giảm 0,29% so với tháng 10/2018
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Theo Báo cáo của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2018 giảm 0,29% so với tháng trước, trong đó nhóm giao thông giảm nhiều nhất với 1,81% do ảnh hưởng từ đợt điều chỉnh giảm giá xăng, dầu vào thời điểm 6/11/2018 và 21/11/2018 làm giá xăng, dầu giảm 4,1% (tác động CPI chung giảm 0,17%).
  • Doanh nghiệp thành lập mới giảm về số lượng và quy mô vốn
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Báo cáo từ Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/11 cho biết, cả nước có 11.637 doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 11/2018 với số vốn đăng ký là 118,4 nghìn tỷ đồng, giảm 10,5% về số doanh nghiệp và giảm 22% về số vốn đăng ký so với tháng trước.
Sau cổ phần hóa, quản trị hiện đại sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp