Sẽ đề xuất bắt buộc áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền

Được triển khai từ cuối năm 2022, việc áp dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT) khởi tạo từ máy tính tiền giúp doanh nghiệp (DN) tiết kiệm thời gian, chi phí và nhân lực so với các loại HĐĐT khác do cuối ngày DN mới cần gửi dữ liệu 1 lần đến cơ quan thuế. Ngành thuế sẽ đề xuất bắt buộc sử dụng hóa đơn này và cần sự phối hợp hiệu quả của nhiều cơ quan.

162.jpg
Để triển khai nhanh chóng và hiệu quả việc sử dụng HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền, cần sự phối hợp của nhiều cơ quan. Ảnh minh họa

Hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền không làm tăng thêm chi phí

Tổng cục Thuế cho biết, hệ thống HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền đã vận hành từ ngày 15/12/2022. Sau 1 tháng vận hành, đã có 62/63 cục thuế báo cáo kế hoạch triển khai giai đoạn 1 với tổng số người nộp thuế sẽ áp dụng là 3.901 cơ sở kinh doanh, trong đó có 1.831 DN và 2.070 hộ cá nhân kinh doanh (khoảng 20% số cơ sở đăng ký theo kế hoạch), trong khi đó, đến hết tháng 3 năm nay, việc triển khai giai đoạn 1 mới kết thúc.

Trước khi áp dụng HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền, việc lập HĐĐT và tính tiền tách rời nhau nhưng khi áp dụng HĐĐT từ máy tính tiền, 2 quá trình này được ghép làm một nên việc bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ sẽ nhanh chóng, thuận tiện hơn và giảm chi phí nhân lực. Thế nhưng, theo cục thuế các địa phương, các chủ cơ sở kinh doanh cho rằng, việc áp dụng HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền sẽ làm tăng chi phí của họ.

Về vấn đề này, ông Phạm Quang Toàn - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Tổng cục Thuế - khẳng định: Gọi là HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền nhưng các cơ sở không phải mua mới máy tính, chỉ cần tích hợp thêm phần mềm. Do đó, chi phí cho HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền thậm chí còn rẻ hơn so với các loại HĐĐT khác. Nếu cơ sở kinh doanh xuất hóa đơn có mã hay không mã chuyển sang HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền, chi phí sẽ rẻ hơn rất nhiều vì chỉ cần đưa mã vào (mã đã theo chuẩn). Hiện nay, chi phí đối với hóa đơn có mã hoặc không có mã là khoảng 100-200 đồng/hóa đơn, trong khi hóa đơn này chỉ mấy chục đồng/hóa đơn.

Cũng theo ông Phạm Quang Toàn, với việc nhận HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền, người mua hàng có căn cứ pháp lý để ràng buộc trách nhiệm của người bán về nguồn gốc và chất lượng hàng hóa, dịch vụ. Việc mở rộng HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền giúp cơ quan thuế giám sát tốt hơn quá trình cung ứng hàng hóa, dịch vụ của các cơ sở kinh doanh, góp phần đảm bảo quản lý thuế hiệu quả và công bằng hơn giữa các cơ sở kinh doanh.

Cần hoàn thiện cơ sở pháp lý và sự phối hợp của nhiều cơ quan

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết, đến nay, việc áp dụng HĐĐT từ máy tính tiền chưa bắt buộc nhưng đã có quy định bắt buộc người bán phải xuất hóa đơn cho người mua khi cung cấp hàng hóa, dịch vụ, không phân biệt giá trị lớn hay nhỏ và hóa đơn phải gửi đến cơ quan thuế. Vì vậy, sắp tới, cần tăng cường kiểm tra, xử phạt cơ sở bán hàng, cung cấp dịch vụ không xuất hóa đơn. Đồng thời, ngành thuế sẽ đề xuất bắt buộc áp dụng HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền. Tuy nhiên, để triển khai nhanh chóng và hiệu quả việc sử dụng hóa đơn này, cần sự phối hợp của nhiều cơ quan.

Theo ông Nguyễn Duy Ngọc - Thứ trưởng Bộ Công an, việc thực hiện chương trình HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền còn gian nan nhưng đây là xu thế chung của các nước nên cần có giải pháp khả thi nhất. Để triển khai HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền thành công, cần xây dựng cơ sở pháp lý, các văn bản, thông tư, nghị định, luật để bắt buộc thực hiện và đặc biệt lưu ý vấn đề bảo mật dữ liệu. Việc xử lý hành chính phải đảm bảo đúng quy định; nghĩa vụ thuế phải đúng, đủ và động viên người dân tham gia. Ngành tài chính cần tính toán thời điểm kết nối mã số thuế cá nhân với căn cước công dân; sẵn sàng kết nối dữ liệu, trong đó có dữ liệu quản lý của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về DN, hộ kinh doanh, dữ liệu thuế, dữ liệu dân cư. Bộ Công an sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để xây dựng lộ trình tuyên truyền, tập trung đấu tranh, phòng ngừa, xử lý vi phạm về hóa đơn, trước mắt là triển khai HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền đạt kết quả cao nhất theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

Ông Trần Minh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TTTT) - cho biết: Đến nay, 99,73% thôn, bản đã có cáp quang, 6.768 thôn, bản chưa được phủ sóng, Bộ TTTT đã cam kết với Chính phủ sớm hoàn thành nhiệm vụ này. Việc cáp quang được phủ sóng cả nước sẽ đảm bảo chia sẻ, kết nối dữ liệu và tạo thuận lợi cho DN, hộ cá nhân kinh doanh. Bộ TTTT sẽ phối hợp với Bộ Tài chính tăng cường tuyên truyền, khuyến khích DN, hộ cá nhân kinh doanh áp dụng và xuất HĐĐT từ máy tính tiền. Đồng thời, Bộ TTTT sẽ hướng dẫn các DN trong lĩnh vực số, cung cấp giải pháp để cơ quan thuế phối hợp quản lý hoạt động bán hàng của DN, hộ cá nhân kinh doanh, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng./.

Box: Ngày 07/02, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã có văn bản gửi bí thư, chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị chỉ đạo ngành tài chính, ngân hàng, công thương, công an, TTTT... phối hợp với cơ quan thuế để đề xuất các giải pháp nhằm chống thất thu ngân sách nhà nước, tập trung vào khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, trọng tâm là lĩnh vực kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đến người tiêu dùng bán lẻ ít lấy hóa đơn. Đồng thời, Bộ Tài chính đề nghị bí thư, chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo cấp ủy, chính quyền và các ngành tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế trong việc chống thất thu và triển khai HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền.

Copy Link
Cùng chuyên mục
Sẽ đề xuất bắt buộc áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền