Siết chặt quản lý thực phẩm chức năng

(BKTO) - Trong bối cảnh thị trường thực phẩm chức năng (TPCN) phát triển nhanh chóng, nhu cầu sử dụng TPCN của người dân ngày càng tăng, việc tăng cường công tác quản lý từ khâu sản xuất, chất lượng và quảng cáo TPCN đang là bài toán cấp thiết đặt ra cho cơ quan quản lý, nhằm khắc phục những mặt trái của thị trường TPCN thời gian qua, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh đồng thời đảm bảo sức khỏe của người tiêu dùng.



“Nở rộ” thị trường thực phẩm chức năng và những mặt trái

Phát biểu tại Hội nghị khoa học quốc tế về TPCN lần thứ hai diễn ra ngày 22/11 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, sự xuất hiện của ngày càng nhiều các loại sản phẩm TPCN góp phần làm thị trường chăm sóc sức khoẻ nhân dân ngày càng phong phú. TPCN bán ở nhiều nơi, từ cửa hàng, siêu thị, các nhà thuốc, shop online….
                
   

Quang cảnh hội nghị

   
Theo thống kê, hiện có khoảng 2.000 loại sản phẩm TPCN, trong đó 70% là sản phẩm sản xuất trong nước. Số người dùng TPCN cũng ngày càng tăng, nếu năm 2000 chỉ có khoảng 500.000 người sử dụng thì đến năm 2005 là 1 triệu người, năm 2010 là 5 triệu người, năm 2015 là 15,5 triệu người, chiếm 17,2% dân số ở 63 tỉnh thành cả ở nông thôn và thành thị, năm 2017 số người dùng TPCN đã tăng lên 21,48% dân số.

Tuy nhiên cùng với sự “nở rộ” của thị trường này là những vấn đề liên quan đến các vi phạm, lạm dụng trong việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng TPCN, với các sai phạm điển hình như: quảng cáo sai sự thật, quảng cáo khi chưa được cơ quan quản lý thẩm định; sản xuất TPCN không đúng với chất lượng như giấy phép đăng ký, ghi nhãn quá sự thật, sản xuất khi chưa đăng ký, sản xuất trong điều kiện không đảm bảo an toàn thực phẩm…

Theo Thứ trưởng Trương Quốc Cường, thuật ngữ TPCN được quy định trong Luật An toàn thực phẩm là khá rộng khiến nhiều nhà sản xuất lợi dụng để công bố công dụng, gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng. Mặc dù đã có nhiều văn bản pháp luật quy định thu hẹp phạm vi quảng cáo TPCN như dán nhãn “Thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”, cấm “kê đơn, hướng dẫn điều trị, chữa bệnh với các loại sản phẩm không phải là thuốc”… nhưng do có quá nhiều loại sản phẩm, có sản phẩm lại có sự giao thoa trong quản lý và ý thức chấp hành của DN chưa cao nên việc thực thi trở nên khó khăn.

PGS.TS Trần Đáng- Chủ tịch Hiệp hội TPCN Việt Nam nêu thực tế, hiện nhu cầu sử dụng TPCN ở nước ta vẫn tăng nhanh. Tuy nhiên, nhiều DN biến mặt hàng này thành đa cấp, bất chính, khiến ngành TPCN bị biến tướng. Bên cạnh đó, lợi dụng kẽ hở, nhiều DN sản xuất, kinh doanh TPCN đã đưa ra thị trường những sản phẩm kém chất lượng, công dụng không đúng với quảng cáo, mất niềm tin với người tiêu dùng.

Về phía người tiêu dùng, ông Nguyễn Thanh Phong- Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho rằng, nhiều người đã tin vào quảng cáo TPCN, từ chối sử dụng thuốc chữa bệnh khiến cho bệnh ngày một nặng lên, khi đó mới tới các cơ sở y tế thì việc điều trị trở nên khó khăn vì đã bỏ qua thời gian "vàng" chữa bệnh.

Chuẩn hóa quy trình sản xuất thực phẩm chức năng

Trước tình trạng đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường nhấn mạnh yêu cầu phải sớm chuẩn hóa quy trình sản xuất sản phẩm TPCN an toàn, hướng tới xây dựng ngành TPCN bền vững và phát triển tiến bộ.

Dưới góc độ quản lý nhà nước, ông Nguyễn Thanh Phong cho biết, thời gian tới Chính phủ cũng như các Bộ, ngành sẽ triển khai quyết liệt việc quản lý TPCN như thực hiện nghiêm túc việc đăng ký bản công bố sản phẩm, xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.

Đặc biệt, theo Nghị định số 15/2018/NĐ- CP, từ ngày 1/7/2019, các cơ sở sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khoẻ phải áp dụng thực hành sản xuất tốt (GMP) theo hướng dẫn của Bộ Y tế. “Chúng ta không lo thiếu TPCN, mà chỉ lo thiếu TPCN chất lượng tốt. Nếu không quản lý chặt, để thị trường TPCN như hiện nay, thì DN đầu tư tốt, đảm bảo quy định pháp luật cũng bằng với DN đầu tư nhỏ, chất lượng chưa tốt, tạo sự cạnh tranh không bình đẳng, lành mạnh giữa các DN và ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng. Vì vậy, phải kiên quyết áp dụng lộ trình áp dụng tiêu chuẩn GMP trong sản xuất TPCN”- ông Nguyễn Thanh Phong nhấn mạnh.
                
   

Tiến tới quy trình sản xuất TPCN phải đạt tiêu chuẩn GMP

   
Cùng với đó, Bộ Y tế cũng sẽ tăng cường công tác hậu kiểm lấy mẫu trên thị trường và gửi đơn vị kiểm nghiệm để kiểm tra mẫu, trường hợp có vi phạm các quy định về các chỉ tiêu sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Trường hợp có dấu hiệu vi phạm hình sự, hàng giả hàng nhái sẽ chuyển hồ sơ đề nghị cơ quan công an xử lý theo quy định của pháp luật.

Bộ Y tế cũng phối hợp với Bộ Công thương để quản lý chặt chẽ các DN kinh doanh theo phương pháp bán hàng đa cấp là TPCN sai quy định. Về xử phạt vi phạm các DN ngoài các hình thức xử phạt vi phạm hành chính theo quy định còn áp dụng hình thức phạt bổ sung là công khai tên các sản phẩm cũng như tên các DN vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Bài và ảnh: N. HỒNG
Cùng chuyên mục
  • Giảm tối đa thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực trang thiết bị y tế
    6 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Dự kiến, cuối tháng 11/2018, Bộ Y tế sẽ trình Chính phủ Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 36/2016/NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế (TTBYT), nhằm giảm tối đa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN.
  • Việt Nam đi đầu trong sử dụng nguồn lực Bảo hiểm y tế cho điều trị HIV/AIDS
    6 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Trao đổi với báo chí bên lề Hội thảo "Hướng dẫn tiếp nhận, quản lý, sử dụng và thanh quyết toán thuốc ARV nguồn Bảo hiểm y tế năm 2019 đối với các cơ sở điều trị HIV/AIDS" khu vực phía Bắc, do Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) tổ chức ngày 20/11, Bà Ritu Singh- Giám đốc Chương trình Y tế thuộc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAID) nhấn mạnh: Việt Nam là nước duy nhất và đi đầu trong việc sử dụng nguồn lực trong nước thông qua bảo hiểm y tế (BHYT) để hỗ trợ các dịch vụ điều trị HIV cho người dân, nhờ sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ đối với chăm sóc y tế nói chung và HIV nói riêng.
  • Phát hiện sớm bệnh tăng cholesterol máu để có trái tim khỏe
    6 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Bệnh tăng cholesterol máu là bệnh di truyền chuyển hóa thường gặp, với tỷ lệ lưu hành bệnh trong cộng đồng là 1/200 người. Nếu không được kiểm soát, điều trị kịp thời, bệnh sẽ gây ra nhiều biến chứng tim mạch, nhồi máu não, suy thận…
  • 89% bệnh nhân HIV/AIDS điều trị ARV có thẻ Bảo hiểm y tế
    6 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo Hướng dẫn việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng và thanh quyết toán thuốc ARV nguồn Quỹ Bảo hiểm y tế năm 2019 đối với các cơ sở điều trị HIV/AIDS, do Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) tổ chức ngày 20/11.
  • Ứng phó với bệnh không lây nhiễm liên quan đến thực phẩm
    6 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Diễn ra từ ngày 19 đến 22/11, lần đầu tiên “Hội thảo quốc tế về kiểm soát chế độ ăn uống liên quan đến bệnh không lây nhiễm tại châu Á: Tiếp cận khu vực để năng cao năng lực đáp ứng” được tổ chức tại Hà Nội với sự tham gia của các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách từ hơn 10 quốc gia để xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với bệnh không lây nhiễm (NCD) liên quan đến chế độ ăn uống dựa trên sự hiểu biết về những thách thức tại khu vực.
Siết chặt quản lý thực phẩm chức năng