Các quy định của Thông tư 06 cho thấy NHNN ngày càng quyết liệt và nghiêm khắc hơn với những trường hợp nắm giữ cổ phần vượt giới hạn. Ảnh: T.S
Sở hữu chéo là hiện tượng bình thường trong nền kinh tế thị trường nhưng lợi dụng sở hữu chéo để thao túng, lũng đoạn, chi phối ngân hàng, phục vụ lợi ích riêng thì phải ngăn chặn. Nhiều chuyên gia đều có chung quan điểm này và nhấn mạnh thêm: Để ngăn chặn, kiểm soát sở hữu chéo, việc cần làm là sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý.
Quyết tâm “dẹp” sở hữu chéo để góp phần rút ngắn hành trình cán đích tái cơ cấu các TCTD mà Ngân hàng nhà nước (NHNN) đặt ra đã được thể hiện rõ khi trong vòng hơn nửa năm qua, 2 Thông tư quan trọng liên quan đến vấn đề này được ban hành, bao gồm: Thông tư 36/2014/TT-NHNN (Thông tư 36) và Thông tư 06.
Cả 2 Thông tư trên được kỳ vọng sẽ là những “đơn thuốc” hữu hiệu đối với “căn bệnh” sở hữu chéo. Trong đó đáng lưu ý, Thông tư 06 ban hành mới đây yêu cầu các TCTD phối hợp với cổ đông sở hữu cổ phần vượt giới hạn lập kế hoạch khắc phục, đảm bảo chậm nhất ngày 31/12/2015 tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông, nhóm cổ đông tuân thủ quy định tại Luật Các TCTD, trừ các trường hợp sở hữu cổ phần vượt giới hạn đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép hoặc được xử lý theo phương án cơ cấu lại đã được NHNN phê duyệt. Đặc biệt, kể từ ngày 15/7/2015, khi Thông tư này có hiệu lực thi hành, TCTD không được cấp tín dụng hoặc cấp tín dụng mới (trong trường hợp đã cấp tín dụng) cho cổ đông, cổ đông trong nhóm cổ đông có liên quan đang sở hữu cổ phần vượt giới hạn. Nếu cuối năm nay việc đưa tỉ lệ sở hữu cổ phần vượt giới hạn về đúng quy định vẫn chưa được đảm bảo thì NHNN sẽ áp dụng biện pháp buộc các nhà đầu tư có liên quan rút lui khỏi Hội đồng quản trị (HĐQT) hoặc vị trí điều hành, không được nhận cổ tức bằng tiền đối với cổ phần vượt giới hạn cho phép, thậm chí áp dụng các biện pháp xử lý cần thiết khác theo quy định của pháp luật, bao gồm cả phương án cơ cấu lại đối với TCTD.
Theo ông Phạm Huyền Anh - Vụ trưởng Vụ Chính sách an toàn hoạt động ngân hàng (NHNN), những quy định trên là cơ sở quan trọng để kiểm soát một ngân hàng cùng với thành viên HĐQT có sân sau của mình trong hoạt động cấp tín dụng, góp vốn, mua cổ phần.
Rõ ràng, Thông tư 06 cho thấy những nỗ lực của NHNN trong việc siết lại tình trạng sở hữu chéo, qua đó bảo đảm sự an toàn của hệ thống và quyền thỏa thuận trong hệ thống ngân hàng được dân chủ hơn.
Đảm bảo việc thực thi các quy định về tỉ lệ sở hữu
Quyết tâm “xóa sổ” sở hữu chéo để đẩy nhanh hành trình “nước rút” tái cơ cấu ngân hàng trong năm 2015 đã rõ song điều quan trọng là ý chí luật pháp phải đi đôi với kết quả thực thi. Luật Các TCTD quy định giới hạn sở hữu cổ phần tại một ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) dao động từ 5% đến 20% tùy vào đối tượng sở hữu. Theo thống kê của NHNN, hiện có 5/33 NHTMCP có cá nhân sở hữu cổ phần vượt tỉ lệ 5% vốn điều lệ, 5/33 NHTMCP có tổ chức sở hữu cổ phần vượt tỉ lệ 15% vốn điều lệ, 8/33 NHTMCP có nhóm cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt tỉ lệ 20% vốn điều lệ.
Nhiều chuyên gia nhận định, thực trạng các cá nhân, tổ chức cố tình vượt giới hạn sở hữu cổ phần không chỉ diễn ra sau khi có Luật Các TCTD mà tồn tại từ lâu, cách thức lách luật tinh vi. Vì vậy, việc đưa tỉ lệ sở hữu cổ phần về đúng quy định trong vòng 6 tháng nữa theo yêu cầu của NHNN sẽ không hề đơn giản nếu thiếu sự quyết liệt trong thừa hành các quy định mới. Để đảm bảo việc thực thi những quy định về tỉ lệ sở hữu, theo chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Thị Mùi, các ngân hàng cần phải minh bạch thông tin trong hoạt động và nhanh chóng niêm yết cổ phiểu trên sàn giao dịch. “Việt Nam khó có thể giải quyết triệt để tình trạng sở hữu chéo khi mà thông tin hoạt động ngân hàng không được minh bạch và không xử lý triệt để các cá nhân, tổ chức có tỉ lệ sở hữu cổ phần vượt giới hạn cho phép”- bà Nguyễn Thị Mùi cảnh báo.
Các quy định của Thông tư 06 chứng tỏ NHNN ngày càng quyết liệt và nghiêm khắc hơn với những trường hợp nắm giữ cổ phần vượt giới hạn. Việc giảm ngay tình trạng vượt trần sở hữu không chỉ đặt ra những yêu cầu đối với các TCTD mà còn đòi hỏi phía các cơ quan chức năng phải nắm được đầy đủ thông tin, mức độ phức tạp của từng trường hợp để đưa ra được những biện pháp cụ thể.
Trong quá khứ đã từng có những vụ án mà tội phạm “qua mặt” hệ thống thanh tra, giám sát bằng thủ đoạn tinh vi để tạo ra vốn ảo nhằm nắm giữ cổ phần mang tính thâu tóm và chi phối ở một số TCTD. Do đó, dù đã nhiều lần đề xuất nhưng ở thời điểm này, không ít chuyên gia vẫn tiếp tục nhấn mạnh tới vai trò của việc tăng cường thanh tra, kiểm soát quá trình thực thi các quy định về tỉ lệ sở hữu bởi chỉ khi quản lý chặt thì mới triệt tiêu được động cơ vượt giới hạn sở hữu của các cổ đông tại các TCTD.
NGỌC MAI