Ảnh minh họa - Nguồn:Internet |
Tại Hội nghị sơ kết hoạt động 9 tháng năm 2021 của các tổ chức hội viên là ngân hàng do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức vừa qua, đại diện nhiều ngân hàng lo ngại nguy cơ nợ xấu gia tăng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Đặc biệt, Nghị quyết 42 sẽ hết hiệu lực vào ngày 15/8/2022. Điều này sẽ gây khó khăn cho công tác xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng do thiếu hành lang pháp lý.
Chính vì vậy, đại diện các ngân hàng đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cần rà soát các cơ chế chính sách liên quan tới việc cơ cấu nợ, miễn giảm lãi, phí; đồng thời rà soát, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 42 và “luật hóa” Nghị quyết này để xây dựng khuôn khổ pháp lý mới xử lý nợ xấu, tạo điều kiện cho các ngân hàng hoạt động thuận lợi, an toàn.
Các ngân hàng cũng kiến nghị thúc đẩy quá trình vận hành sàn giao dịch nợ VAMC (Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam) cũng như hình thành thị trường mua bán nợ và xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý cho thị trường mua bán nợ, tạo điều kiện thuận lợi để TCTD thu hồi nợ xấu nhanh chóng, hiệu quả.
Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam - ông Nguyễn Quốc Hùng - đồng tình quan điểm trên và mong muốn NHNN sớm đề xuất Chính phủ tổng kết Nghị quyết 42, trên cơ sở đó xem xét, kiến nghị Quốc hội luật hóa việc xử lý nợ xấu nhằm tháo gỡ khó khăn trong công tác xử lý nợ xấu.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Quốc Hùng cũng đề nghị xem xét sửa đổi, bổ sung Luật các TCTD nhằm tạo môi trường pháp lý phù hợp hơn với thực tiễn hoạt động của các TCTD.
Theo đại diện Vụ Pháp chế, NHNN, NHNN sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến của các TCTD để hoàn thiện chính sách, nhằm đảm bảo tính khả thi, đồng bộ.
Theo NHNN, 10 năm qua, việc xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng khá vất vả. Áp lực xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng chỉ giảm bớt từ khi có Nghị quyết 42 (có hiệu lực từ ngày 15/8/2017). Nếu không xảy ra dịch Covid-19, mục tiêu kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 3% tổng dư nợ của cả hệ thống ngân hàng có thể đạt được.
Tuy nhiên, Covid-19 có thể khiến mục tiêu xử lý nợ xấu không hoàn thành. Theo tính toán của NHNN, nếu tính cả nợ nội bảng, nợ ngoại bảng và nợ cơ cấu lại thì tỷ lệ nợ xấu và nợ xấu tiềm ẩn lên tới 7,21% (cuối năm 2020 là 5,08%)./.
THÀNH ĐỨC