Sớm trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm y tế

(BKTO) - Đây là một trong những yêu cầu đặt ra tại Nghị quyết về tiếp tục thực hiện một số Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6.

hoi-thao-bhyt.png
Bộ Y tế tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về Dự án Luật BHYT (sửa đổi). Ảnh: BHXH Việt Nam

Theo đó, Quốc hội yêu cầu Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) và tình trạng nợ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp; sớm nghiên cứu ứng dụng các giải pháp công nghệ để cập nhật thường xuyên các công ty nợ, chậm đóng BHXH; có giải pháp phù hợp giảm tình trạng rút BHXH một lần.

Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ và Bộ Y tế khẩn trương ban hành đầy đủ văn bản quy định chi tiết triển khai, thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh; sớm trình Quốc hội việc sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) để đồng bộ, thống nhất với Luật Khám bệnh, chữa bệnh, cũng như phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Đồng thời, rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực y tế để khắc phục các bất cập, vướng mắc, nhất là trong thanh toán, quyết toán chi phí phòng chống dịch Covid-19; tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch bệnh, đầu tư các cơ sở khám, chữa bệnh.

Nghị quyết nêu rõ yêu cầu: Thực hiện nghiêm việc bảo đảm dành ít nhất 30% ngân sách y tế cho công tác y tế dự phòng; từng bước khắc phục tình trạng chất lượng khám, chữa bệnh chưa đồng đều giữa các tuyến, vùng miền trong cả nước. Thực hiện liên thông, công nhận kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh giữa các cơ sở khám, chữa bệnh; hoàn thiện chính sách, pháp luật về xã hội hóa tại các bệnh viện công lập; nâng cao chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ nhân viên y tế, trong đó có nhân viên y tế thôn, bản, khu công nghiệp, cụm công nghiệp; đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực trong ngành y tế. Đặc biệt, trong năm 2024, có giải pháp giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại các bệnh viện công lập.

Ngoài ra, tiếp tục triển khai các giải pháp mở rộng bao phủ BHYT toàn dân, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh BHYT và quản lý, sử dụng hiệu quả Quỹ BHYT. Đáng chú ý, Quốc hội yêu cầu, trong năm 2024, nghiên cứu ban hành cơ chế hoàn trả tiền cho người dân khám, chữa bệnh BHYT phải tự mua thuốc điều trị và vật tư y tế; chấn chỉnh, xử lý nghiêm các vi phạm trong mua sắm thuốc, thiết bị y tế, vật tư y tế, chỉ định sử dụng dịch vụ y tế quá mức cần thiết trong khám, chữa bệnh và trục lợi Quỹ BHYT.

Liên quan đến việc sửa đổi Luật BHYT, trước đó, Bộ Y tế cho biết, thời gian qua, việc thực hiện chính sách BHYT đã đạt được nhiều kết quả tích cực, cả về độ bao phủ, quyền lợi người tham gia BHYT và chất lượng khám, chữa bệnh.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cho thấy, Luật BHYT hiện hành vẫn còn một số hạn chế, bất cập do nội tại các quy định của văn bản luật và những yếu tố mới phát sinh chưa có cơ sở pháp lý đầy đủ để giải quyết. Thậm chí, một số văn bản hướng dẫn còn thiếu cụ thể, chưa đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật khác.

Bên cạnh đó, năng lực, điều kiện cơ sở vật chất và công tác quản lý cũng chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân; cơ chế tài chính chưa tạo động lực cho sự phát triển của y tế cơ sở; chưa cụ thể, rõ ràng trong quy trình thanh quyết toán, giám định chi phí khám, chữa bệnh BHYT…

Do đó, từ cuối năm 2018, Bộ Y tế cùng với Bộ Tài chính, BHXH Việt Nam và các Bộ, ngành liên quan đã nghiên cứu, xây dựng Luật BHYT (sửa đổi). Theo đó, lần sửa đổi này dự kiến sẽ điều chỉnh 5 nhóm chính sách lớn, đó là: Mở rộng đối tượng tham gia; mở rộng phạm vi quyền lợi của người tham gia BHYT; đa dạng các loại hình cơ sở cung ứng dịch vụ y tế, tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu tại tuyến cơ sở; bảo đảm tính minh bạch, công khai, hiệu quả và trách nhiệm giải trình của cơ sở cung ứng dịch vụ và cơ quan BHXH trong hoạt động giám định; nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng Quỹ BHYT.

Hiện Dự thảo Luật BHYT (sửa đổi) đang được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi./.

Cùng chuyên mục
  • Sức ép gia tăng lên COP28
    5 tháng trước Xã hội
    (BKTO) - Một báo cáo mới cho biết lượng khí thải CO2 toàn cầu dự kiến đạt mức cao kỷ lục trong năm 2023.
  • Đồng hành đưa chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đến người dân
    5 tháng trước Xã hội
    (BKTO) - Từ năm 2012, Bưu điện tỉnh Quảng Nam đã trở thành người đồng hành cùng cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh trong triển khai thực hiện các chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trên địa bàn tỉnh; mang lại những hiệu quả tích cực, đáp ứng nhu cầu và đem lại sự hài lòng cho người thụ hưởng chính sách.
  • Cải thiện hiệu suất sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế
    5 tháng trước Xã hội
    (BKTO) - Để đảm bảo cân đối thu - chi, cùng với việc duy trì và phát triển bền vững tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế (BHYT), các chuyên gia nhấn mạnh việc cần cải thiện hiệu suất sử dụng Quỹ BHYT, đảm bảo tính bền vững của Quỹ.
  • Phát triển đô thị thông minh cần tầm nhìn dài hạn
    5 tháng trước Xã hội
    (BKTO) - Việc xây dựng, phát triển đô thị thông minh (ĐTTM) là hướng đi quan trọng để cải thiện hiệu lực, hiệu quả quản trị đô thị và nâng cao chất lượng của các đô thị. Do đó, cần tầm nhìn dài hạn, toàn diện trong xây dựng ĐTTM để đạt được sự phát triển bền vững.
  • Công khai, minh bạch trong xây dựng, phân bổ dự toán chi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế
    5 tháng trước Xã hội
    Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến lấy ý kiến góp ý của các Sở Y tế và cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) về việc lập, giao dự toán và thông báo số dự kiến chi KCB BHYT theo Nghị định số 75/2023/NĐ-CP (Nghị định 75).
Sớm trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm y tế