Sớm xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về giảm nghèo

(BKTO) - Qua kiểm toán Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giảm nghèo bền vững, Kiểm toán nhà nước (KTNN) kiến nghị cần sớm xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về giảm nghèo, hệ thống quản lý CTMTQG giảm nghèo bền vững kết nối với hệ thống giám sát CTMTQG, nhằm theo dõi, chỉ đạo, đánh giá thực hiện Chương trình hiệu quả hơn.

my-dung.jpg
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung thông tin một số kết quả kiểm toán về CTMTQG giảm nghèo bền vững tại cuộc làm việc. Ảnh: NGHĨA ĐỨC

Đạt mục tiêu giảm nghèo đa chiều

Tại buổi làm việc của Đoàn giám sát của Quốc hội với Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) về việc triển khai thực hiện các CTMTQG mới đây, các thành viên Đoàn giám sát đánh giá cao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ LĐTBXH và các Bộ, ngành hữu quan, các địa phương đã nỗ lực triển khai các nhiệm vụ được Quốc hội giao trong thực hiện CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Qua đó đã đạt được những kết quả bước đầu, nhất là việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, hệ thống cơ chế, chính sách khung để thực hiện Chương trình, góp phần thực hiện đạt mục tiêu giảm nghèo đa chiều hằng năm, cải thiện cuộc sống người dân, nhất là hộ nghèo, cận nghèo tại các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo.

Từ kết quả kiểm toán đối với CTMTQG giảm nghèo bền vững, phát biểu tại buổi làm việc, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung chỉ rõ, qua kiểm toán tại Bộ LĐTBXH (đơn vị chủ trì thực hiện Chương trình) cũng như 12 địa phương mà KTNN lựa chọn kiểm toán cho thấy, Bộ LĐTBXH đã nỗ lực trong việc tham mưu Chính phủ phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai thực hiện chương trình.

Đặc biệt, Bộ đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị tham mưu Chính phủ và các cấp quản lý có liên quan để ban hành các văn bản quy phạm pháp luật; chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan chủ trì dự án về thực hiện Chương trình và các tiểu dự án địa phương để xây dựng phương án phân bổ vốn ngân sách trung ương thực hiện CTMTQG giảm nghèo bền vững.

“Những nỗ lực đó đã góp phần vào việc thực hiện các mục tiêu của Chương trình, với kết quả cụ thể là tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều, đặc biệt là tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số năm 2022 đã giảm so với năm 2021” - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước thông tin.

Tháo gỡ bất cập trong huy động, sử dụng vốn

Bên cạnh những kết quả đạt được, từ thực tế giám sát, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Lâm Văn Đoan cũng chỉ rõ những vấn đề cần quan tâm. Trong đó, nguồn vốn ngân sách trung ương vẫn giữ vai trò chủ đạo trong thực hiện CTMTQG giảm nghèo bền vững.

Đến năm 2023, nguồn vốn sự nghiệp trung ương, nguồn vốn đối ứng từ ngân sách địa phương và nguồn vốn huy động hợp pháp khác tuy đã bố trí song tỷ lệ còn thấp so với kế hoạch vốn đã quy định tại Nghị quyết số 24/2021/QH5. Do đó, cần sớm có giải pháp thúc đẩy việc bố trí, huy động các nguồn vốn này để đạt kế hoạch đề ra…

Các thành viên của Đoàn giám sát cũng đề nghị Bộ LĐTBXH làm rõ thêm khó khăn, hạn chế của CTMTQG giảm nghèo bền vững có liên quan đến 2 CTMTQG: xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng, nhiều văn bản của 03 CTMTQG, trong đó có CTMTQG giảm nghèo bền vững ban hành chậm, nội dung ban hành còn có vướng mắc, bất cập cả ở cấp trung ương và địa phương. Điều này dẫn đến việc triển khai thực hiện còn hạn chế, nhất là các quy định tại Nghị định số 27/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý tổ chức thực hiện các CTMTQG.

Làm rõ thêm bất cập này từ thực tiễn kiểm toán, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung cho biết, công tác ban hành văn bản triển khai các Chương trình còn chậm so với yêu cầu tiến độ đã được quy định. Đặc biệt, việc triển khai Nghị định số 27 trên thực tế còn nhiều nội dung bất cập, khó triển khai.

Các bất cập này tập trung vào một số nội dung như: việc giao kế hoạch vốn sự nghiệp trung hạn, lập kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch đầu tư vốn hàng năm, huy động sử dụng vốn ngân sách nhà nước và cơ chế thanh toán, quyết toán; cơ chế đặc thù trong thực hiện dự án quy mô nhỏ hoặc các dự án kỹ thuật không phức tạp.

Ngoài ra, việc phối hợp giữa các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong quá trình xây dựng cơ chế, chính sách, tổ chức thực hiện vẫn còn có những nội dung chưa chặt chẽ, dẫn đến một số cơ chế, chính sách chưa đồng bộ và chưa thống nhất giữa các Chương trình.

Cụ thể như, việc hướng dẫn lồng ghép các CTMTQG, thẩm quyền quy định định mức kinh tế kỹ thuật tại địa phương và một số hướng dẫn còn thiếu hoặc chưa rõ ràng, chưa phù hợp với thực tiễn; chưa có hướng dẫn cụ thể để xác định đối tượng người lao động có thu nhập thấp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn...

Qua kết quả kiểm toán, KTNN kiến nghị cần sớm sửa đổi, bổ sung Nghị định số 27 nhằm tháo gỡ các vướng mắc trong triển khai thực hiện; đồng thời, sớm hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung các văn bản; hướng dẫn cụ thể tiêu chí xác định người lao động có thu nhập thấp...

Đặc biệt, KTNN đề nghị sớm xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về giảm nghèo, hệ thống quản lý CTMTQG giảm nghèo bền vững kết nối với hệ thống giám sát các CTMTQG nhằm phục vụ công tác theo dõi, rà soát, đánh giá việc thực hiện Chương trình; đồng thời, giải quyết dứt điểm một số vướng mắc của các địa phương trong triển khai thực hiện Chương trình./.

Cùng chuyên mục
Sớm xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về giảm nghèo