Sớm xem xét, quyết định việc tăng lương tối thiểu vùng

(BKTO) - Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 11, chiều 11/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung thảo luận.



                
   

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến báo cáo tại phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

   

Báo cáo tại phiên họp, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, cử tri và Nhân dân trăn trở và lo lắng về những khó khăn, thách thức nhiều mặt do dịch Covid-19 gây ra. Cử tri cũng lo lắng về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội còn chậm; đời sống của một bộ phận người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn khó khăn...

Sự phối hợp của một số cơ quan trong giải quyết công việc chưa nhịp nhàng, chặt chẽ. Vẫn còn một số cán bộ, công chức, viên chức tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, cử tri và Nhân dân bày tỏ sự bất bình, lên án mạnh mẽ, phẫn nộ đối với những hành vi trục lợi trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, mua sắm trang thiết bị, vật tư tiêu hao, có sự tiếp tay, bao che của một số cán bộ, đảng viên, làm giảm lòng tin của Nhân dân. Đồng thời, mong muốn các cơ quan chức năng tiếp tục mở rộng điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật, tránh bỏ lọt tội phạm, bị can bỏ trốn; công khai, minh bạch kết quả điều tra, xét xử để nhân dân giám sát .

Cử tri và Nhân dân còn băn khoăn, lo lắng về tiến độ triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm. Hoạt động của thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu, thị trường bất động sản… còn tiềm ẩn nhiều rủi ro; tình trạng dự án đã được giao nhưng không triển khai hoặc chậm triển khai đã tồn tại nhiều năm, lãng phí tài nguyên đất đai, khoáng sản...; tình trạng người dân đã nộp tiền mua đất ở, nhà ở của một số dự án đã nhiều năm nhưng chưa được giao đất, giao nhà ở gây bức xúc trong Nhân dân.

Tình trạng một bộ phận người lao động do khó khăn, chưa tìm được việc làm đã rút bảo hiểm xã hội một lần, về lâu dài sẽ không bảo đảm được đời sống; vẫn còn xảy ra tình trạng mất an toàn cho người dân như: nhiều vụ cháy, nổ, tai nạn giao thông, bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em, trẻ em bị đuối nước... đáng lo ngại, cũng là những vấn đề cử tri lo lắng.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng phản ánh, dư luận xã hội còn băn khoăn, có ý kiến trái chiều về việc đưa môn Lịch sử là môn học tự chọn ở bậc trung học phổ thông, có thể sẽ gây ra hậu quả, hệ lụy khó lường. Thực tế, có một số nước phát triển, nền văn hóa tương đồng với Việt Nam (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) đã đưa trở lại hoặc vẫn duy trì môn học này trong chương trình giáo dục phổ thông.

Trên cơ sở tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam kiến nghị Đảng, Nhà nước tổng kết, đánh giá rút ra những bài học từ công tác phòng, chống Covid-19. Trên cơ sở đó rà soát quy hoạch, ưu tiên nguồn lực, đầu tư thỏa đáng cho hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở và công tác y tế dự phòng; quan tâm hơn nữa công tác đào tạo nguồn nhân lực cả về công tác chuyên môn và kỹ năng quản trị cơ sở y tế…

Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo, quyết liệt công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để phòng, chống vi phạm, tội phạm trong công tác đầu tư, mua sắm, thu chi ngân sách… rà soát, thống kê, tổng hợp các dự án đầu tư có sử dụng đất đã quá hạn chưa thực hiện đầu tư hoặc đầu tư kéo dài, có giải pháp xử lý phù hợp, theo quy định của pháp luật, kiên quyết không để kéo dài tình trạng này, gây bất bình, bức xúc trong Nhân dân. Quan tâm giải quyết hiệu quả hơn nữa đơn, thư khiếu nại, tố cáo, nhất là những vụ việc liên quan đến đất đai.

Cùng với đó, tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các chương trình phục hồi, phát triển kinh tế, xã hội; khẩn trương triển khai thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia…
                
   

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến tại phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

   

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, báo cáo cần bổ sung vấn đề liên quan đến y tế và vấn đề giáo dục như: vấn đề thực hiện 5k, việc tiêm vắc xin cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, việc đưa học sinh trở lại trường, việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp, tuyển sinh..

Một nội dung nữa cử tri quan tâm là vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần tăng cao, chỉ số giá CPI vẫn nằm trong tầm kiểm soát nhưng đang có những áp lực; vấn đề giá xăng dầu, cung cầu về xăng dầu, đảm bảo nhu cầu điện năng trong mùa hè…

Nhấn mạnh ngoài yếu tố giá cả tăng do tác động của Covid-19 cho nên đời sống của công chức, nhất là người lao động gặp nhiều khó khăn, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, Hội đồng tiền lương quốc gia đã trình với Chính phủ việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng từ ngày 01/7/2022. Cử tri và Nhân dân mong muốn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, sớm quyết định nội dung này.

“Bây giờ chuẩn bị hết tháng 5 rồi nên cử tri, nhất là người lao động cũng đang băn khoăn việc này. Chính phủ phải có chỉ đạo quyết liệt, thống nhất và có động thái về mặt thông điệp, vì đời sống của người lao động rất khó khăn, công nhân, viên chức cũng khó khăn, nhất là người có hệ số lương thấp, vì mấy năm nay chúng ta không điều chỉnh tiền lương” - Chủ tịch Quốc hội đề nghị.

* Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã cho ý kiến về Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV và xem xét Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 4/2022./.
Đ. KHOA
Cùng chuyên mục
Sớm xem xét, quyết định việc tăng lương tối thiểu vùng