Sự bứt phá trong phát triển của địa phương có đóng góp của Kiểm toán nhà nước

(BKTO) - Không chỉ tích cực phối hợp với Kiểm toán nhà nước (KTNN) thực hiện triệt để các kết luận, kiến nghị kiểm toán, tỉnh Quảng Ninh còn chủ động đề nghị KTNN đưa vào kế hoạch kiểm toán một số dự án, công trình quan trọng trên địa bàn tỉnh - ông Trần Văn Lâm - Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Quảng Ninh chia sẻ với Báo Kiểm toán.

quang-ninh.jpg
Sau 60 năm thành lập và phát triển, tỉnh Quảng Ninh ngày càng đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Ảnh sưu tầm

Trong 9 tháng đầu năm, thu ngân sách tiếp tục là điểm sáng nổi bật của Quảng Ninh. Ông có thể chia sẻ một số kết quả đáng chú ý, cũng như động lực để tỉnh đạt được những kết quả trên?

Trong những năm qua, công tác quản lý thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh ngày càng được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều biện pháp quản lý nguồn thu, chống thất thu, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã được tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả.

Tính chung 9 tháng đầu năm, tổng thu NSNN trên địa bàn tỉnh ước thực hiện đạt 40.678 tỷ đồng, bằng 75% dự toán tỉnh giao, tăng 4% cùng kỳ; trong đó, thu nội địa đạt 28.678 tỷ đồng, tăng 3% cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 12.000 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ.

Những kết quả này đạt được là nhờ trong thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã bám sát thực hiện tốt các giải pháp như chỉ đạo của Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN hàng năm. Tỉnh đã tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp nâng cao hiệu quả quản lý thu NSNN nhất là các biện pháp chống thất thu, quyết tâm hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ thu NSNN hằng năm trên địa bàn.

3-2-.jpg
Giám đốc Sở Tài chính Trần Văn Lâm trao đổi với đại biểu bên lề Phiên giải trình việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán. Ảnh: N. LỘC

Tỉnh cũng đã thành lập các Tổ công tác đôn đốc, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy mạnh NSNN, Tổ công tác đặc biệt giải quyết vướng mắc và hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng tăng cường thanh, kiểm tra doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế, đặc biệt chú trọng công tác hậu kiểm việc tự kê khai, tự nộp của người nộp thuế; tăng cường kỷ cương, kỷ luật thu NSNN, xác định trách nhiệm của các cấp, ngành, cụ thể hoá trách nhiệm cá nhân người đứng đầu trong việc triển khai thực hiện; theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách, đánh giá, phân tích cụ thể từng địa bàn thu, từng khu vực, từng sắc thuế và có phương án chỉ đạo, điều hành thu kịp thời.

Bên cạnh những điểm sáng tích cực, qua kiểm toán, KTNN cũng chỉ ra một số bất cập trong công tác quản lý, điều hành thu - chi ngân sách trên địa bàn tỉnh. Ông nhìn nhận ra sao về vấn đề này?

Kết quả kiểm toán ngân sách địa phương hàng năm cho thấy bên cạnh kết quả về công tác quản lý, điều hành thu - chi ngân sách trên địa bàn tỉnh cơ bản là tích cực, ổn định và có nhiều điểm sáng như Báo cáo kiểm toán hàng năm đã nêu thì việc quản lý ngân sách ở một số địa phương, đơn vị còn một số hạn chế như: chi thường xuyên chưa đảm bảo theo dự toán được giao, chưa tuân thu quy định về trích lập, xác định nhu cầu và quản lý sử dụng nguồn cải cách tiền lương; sử dụng tài sản công để cho thuê, mượn tài sản không đúng quy định...

2.jpg
Thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đóng góp tích cực vào sự phát triển của địa phương

Đối với chi đầu tư, các dự án, công trình được kiểm toán giá trị khối lượng nghiệm thu, thanh toán cho nhà thầu đều phải giảm trừ, thanh toán trùng khối lượng...

Ngoài ra, KTNN cũng chỉ ra tình trạng doanh nghiệp hạch toán và kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí hợp lý, hợp lệ, từ đó tính thiếu thuế Giá trị gia tăng, thuế Thu nhập doanh nghiệp và lợi nhuận; một số doanh nghiệp xác định chưa đúng mức thuế suất thuế Thu nhập doanh nghiệp được ưu đãi; lập dự toán chưa bao quát hết nguồn thu, chưa phân bổ, phân khai chi tiết kế hoạch vốn ngay từ đầu năm...

Nguyên nhân của tình trạng này là do hệ thống văn bản chính sách còn phức tạp, nhiều quy định không rõ ràng, còn có những lỗ hổng. Nhiều doanh nghiệp, đơn vị chưa tuân thủ nghiêm quy định của Nhà nước; nhận thức, hiểu biết và áp dụng pháp luật (cả về chủ quan và khách quan) của một số doanh nghiệp trong việc chấp hành nghĩa vụ thuế và kỷ luật, kỷ cương về thuế còn hạn chế...

Bên cạnh đó, công tác quản lý, quản trị đối với việc ngăn ngừa những sai sót khi kê khai, thực hiện nghĩa vụ thuế còn có hạn chế.

Tất cả những vấn đề trên đã được tỉnh nhận diện, đề ra giải pháp chấn chỉnh và đến nay, tình hình đã có nhiều chuyển biến tích cực. Kết quả thu ngân sách vừa qua chính là minh chứng ghi nhận sự chuyển biến trong công tác này.

Với vai trò là đầu mối tổng hợp, theo dõi, thời gian qua, Sở Tài chính đã có những động thái nào để đôn đốc, thúc đẩy các đơn vị thực hiện kịp thời, nghiêm túc các kết luận, kiến nghị kiểm toán, thưa ông?

Sở Tài chính là cơ quan chuyên môn được UBND tỉnh Quảng Ninh giao làm đầu mối, chịu trách nhiệm theo dõi, tổng hợp, đôn đốc và báo cáo kết quả thực hiện các kết luận và kiến nghị của KTNN.

 Kết quả thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán của tỉnh Quảng Ninh những năm gần đây luôn đạt tỷ lệ cao. Cụ thể: năm 2019 đạt 100%, năm 2020 đạt 100%, năm 2021 đạt 100%, năm 2022 đạt 97,25%).

Để tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong việc chấp hành thực hiện các kết luận, kiến nghị của KTNN, ngay trong quá trình thực hiện kiểm toán, Sở Tài chính luôn chủ động bám sát và đôn đốc các đơn vị được kiểm toán tiếp thu, giải trình kịp thời để đoàn kiểm toán nghiên cứu, xem xét trong việc đưa ra các đánh giá, kết luận, kiến nghị nhằm đảm bảo tính hợp pháp, hợp lý giữa các quy định của pháp luật với quá trình quản lý, điều hành ngân sách phát sinh từ thực tiễn, góp phần đảm bảo các kết luận, kiến nghị trong báo cáo kiểm toán được chặt chẽ, chính xác và có tính khả thi cao.

box.jpg

Tính chủ động trong phối hợp với KTNN của địa phương còn thể hiện rõ trên khía cạnh, ngoài cuộc kiểm toán ngân sách địa phương thực hiện thường kỳ theo quy định, tỉnh Quảng Ninh cũng đề nghị KTNN khu vực VI quan tâm, xem xét đưa vào Kế hoạch kiểm toán danh mục các dự án, công trình đang triển khai trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh theo đề xuất của tỉnh.Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Quảng Ninh Trần Văn Lâm

Hàng năm, sau khi nhận được Thông báo kết quả kiểm toán, Sở Tài chính đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các kế hoạch triển khai thực hiện các kết luận, kiến nghị của KTNN, giao nhiệm vụ cụ thể đến từng đơn vị được kiểm toán. Trong đó, lãnh đạo tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị chỉ đạo thực hiện dứt điểm các khoản chênh lệch thu, chi NSNN, các khoản phải nộp, các khoản xuất toán. Đồng thời chỉ đạo chấn chỉnh, rút kinh nghiệm trong công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và xem xét xử lý trách nhiệm có liên quan đến sai phạm được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán và báo cáo kết quả thực hiện về Sở Tài chính.

Sở Tài chính thường xuyên theo dõi, đôn đốc, tổng hợp và báo cáo kết quả thực hiện các kết luận và kiến nghị của KTNN đúng yêu cầu, thời gian quy định. Hàng năm Sở luôn phối hợp với KTNN khu vực VI để giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán; nghiên cứu, đề xuất cơ chế xử lý đối với các kết luận, kiến nghị của KTNN khó có khả năng thực hiện (một số doanh nghiệp phá sản không thực hiện được việc nộp các khoản tăng thu, thu hồi nộp trả được theo kiến nghị...).

Cùng chuyên mục
Sự bứt phá trong phát triển của địa phương có đóng góp của Kiểm toán nhà nước