Đây là thông tin được Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận cho biết tại Hội thảo “Đầu tư công: Những nút thắt và giải pháp từ góc nhìn của Kiểm toán nhà nước” do Kiểm toán nhà nước (KTNN) tổ chức ngày 18/10, tại Hà Nội.
Báo cáo của UBND tỉnh Thái Bình gửi đến Hội thảo cũng nêu rõ: Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành, sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh cơ bản ổn định; tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công của tỉnh đạt khá, cao hơn bình quân của cả nước.
Kết quả giải ngân 9 tháng năm 2023 của tỉnh Thái Bình đạt 74% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và đạt tỷ lệ 64% so với kế hoạch địa phương giao, cao hơn bình quân chung của cả nước.
Tổng kế hoạch vốn đầu tư công của tỉnh năm 2023 là trên 5.397 tỷ đồng, bao gồm trên 4.909 tỷ đồng kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và trên 487 tỷ đồng địa phương giao thêm
Xác định giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của tỉnh, ngay từ đầu năm, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh giải ngân kế hoạch đầu tư công; giao nhiệm vụ cụ thể và gắn trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương với nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công.
Theo đó, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc kịp thời đẩy mạnh tiến độ triển khai thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; thường xuyên kiểm tra tình hình thực tế để nắm bắt tiến độ, khó khăn, vướng mắc và kịp thời đề ra các giải pháp chỉ đạo, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án, nhất là các dự án trọng điểm của tỉnh... HĐND tỉnh đã tổ chức các kỳ họp đột xuất để xem xét, giải quyết kịp thời các báo cáo đề xuất của UBND tỉnh, góp phần thúc đẩy việc triển khai thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công của các dự án.
Các địa phương trong tỉnh đã tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện tốt chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác giải phóng mặt bằng, tạo sự đồng thuận, chuyển biến tích cực trong nhân dân; nhiều cách làm sáng tạo được các cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai thực hiện đạt hiệu quả, được nhân dân đồng tình ủng hộ.
Bên cạnh những nỗ lực và kết quả đạt được, công tác giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh vẫn gặp phải những thách thức, trở ngại, như: Một số dự án khởi công mới chậm hoàn thiện các thủ tục để khởi công; một số dự án tiến độ giải phóng mặt bằng còn chậm; một số dự án hoàn thành, chuyển tiếp chậm thực hiện thanh toán, giải ngân; một số dự án phải thực hiện điều chỉnh, gia hạn thời gian thi công, ảnh hưởng đến tiến độ dự án và giải ngân vốn...
Quy trình thực hiện và giải ngân vốn của các dự án ODA có nhiều thủ tục, mất nhiều thời gian: thủ tục đàm phán, ký kết, gia hạn hiệp định, ký kết hợp đồng vay lại; thủ tục kiểm soát giải ngân vốn thực hiện qua nhiều khâu... do vậy, tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn ODA đạt thấp.
Thông tin thêm về một số vấn đề liên quan đến công tác đầu tư công tại Hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận cho biết, vấn đề đầu tư công đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm, có nhiều văn bản chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tăng cường thực hiện, cũng như kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, bất cập để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, nâng cao chất lượng giải ngân.
Đối với địa phương, những kết quả tích cực trong thực hiện đầu tư công là nhờ vào việc bám sát quy định, bởi “muốn đi nhanh, đi xa thì phải thực hiện đúng quy định”, tránh tình trạng thực hiện không đúng quy định phải quay lại sửa chữa sai, làm lại mới, càng khiến cho quá trình trở nên chậm hơn.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận
Đặc biệt, một trong những nút thắt lớn đối với giải ngân vốn đầu tư công nói chung hiện nay là vướng mắc về mặt bằng “sạch”. Đối với vấn đề này, tỉnh đã và đang nỗ lực để làm tốt, trên cơ sở bám sát quy định của Nhà nước. Tỉnh đã huy động sự vào cuộc của các cấp ngành trong tỉnh, đặc biệt là các tổ chức hội, đoàn thể để tuyên truyền, giải thích và vận động người dân trong vùng phải di dời để bàn giao mặt bằng hiểu, đồng thuận thực hiện.
Thực tế, khi người dân hiểu, đồng cảm thì sẽ chia sẻ và các vấn đề được coi là “nút thắt” như giá đất, tái định cư… sẽ được nhìn nhận phù hợp, theo hướng tích cực. Ngược lại, địa phương cũng linh hoạt vận dụng, trên cơ sở quy định chung của Nhà nước để đảm bảo quyền lợi của người dân trong vùng bị ảnh hưởng, phải di dời.
Đây cũng chính là bài học kinh nghiệm được tỉnh rút ra qua công tác triển khai thực tiễn vừa qua để tháo gỡ các “nút thắt” đầu tư công, đặc biệt là trong giải phóng mặt bằng.
Do đó, theo ông Nguyễn Khắc Thận, để hoàn thành tốt nhiệm vụ giải ngân vốn theo kế hoạch, trong thời gian tới, lãnh đạo tỉnh đã giao nhiệm vụ, trong đó yêu cầu các địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng theo tinh thần Chỉ thị số 08-CT/TU ngày 05/7/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Kế hoạch số 116/KH-UBND ngày 18/8/2021 của UBND tỉnh: Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc trong việc tuyên truyền, vận động người dân về cơ chế chính sách đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án đầu tư; ưu tiên bố trí vốn khởi công trước đối với các dự án mà người dân tự nguyện hiến đất, chi phí giải phóng mặt bằng thấp, có sẵn mặt bằng thi công./.