Sử dụng vật liệu xanh để giảm thiểu tác hại tới môi trường

(BKTO) - Sử dụng các loại vật liệu không thân thiện môi trường là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng biến đổi khí hậu, suy giảm chất lượng môi trường sống. Chính vì vậy, việc phát triển công trình xanh đang trở thành xu thế tất yếu và mục tiêu phát triển của ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) tại Việt Nam.



Xu thế tất yếu

VLXD xanh được hiểu là những vật liệu giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường trong suốt quá trình khai thác, chế tạo, vận chuyển, thi công, sử dụng và cả khi phá dỡ công trình. VLXD xanh phải đảm bảo các điều kiện: không độc hại, tiết kiệm tài nguyên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm năng lượng, nhiên liệu, hạn chế các ảnh hưởng tiêu cực, độc hại của môi trường bên ngoài tới không gian trong phòng như: cách âm, cách nhiệt, vòng đời sử dụng lâu dài và có thể tái chế sau khi sử dụng.

Trên thế giới, nhiều tổ chức và quốc gia đã đưa ra hệ thống tiêu chuẩn xanh để làm tiêu chí đánh giá. Cụ thể, hệ thống đánh giá Green Seal (của Mỹ) hay Green Label (của Singapore)... là các hệ thống đánh giá có uy tín và khách quan trong việc cấp “chứng nhận xanh” cho các công trình cũng như các loại nguyên liệu đáp ứng việc xây dựng công trình xanh.

Theo KTS Đỗ Thanh Tùng - Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia - lợi ích từ những công trình xanh được xây dựng từ vật liệu xanh giúp mang lại khả năng gia tăng 3 - 5% năng suất lao động; giảm nguy cơ bệnh tật và nâng cao sức khỏe; giảm tiêu hao 30 - 50% tài nguyên nước và năng lượng nhân tạo, qua đó giảm phát thải khí nhà kính; giảm 10 - 15% chi phí vận hành và bảo dưỡng; nâng cao tuổi thọ công trình... Hơn thế nữa, các công trình xanh khi vận hành cũng góp phần không nhỏ vào quá trình phát triển đô thị như: giảm thiểu tác động xã hội, tạo lập môi trường sống bền vững, thay đổi và chỉnh trang hạ tầng kiến trúc, quảng bá hình ảnh đô thị, thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển kinh tế du lịch.

Đầu tư lớn, hưởng lợi sâu

Thực tế khái niệm công trình xanh, vật liệu xanh đã có tại Việt Nam kể từ năm 2007 nhưng cho đến nay, đã hơn 10 năm trôi qua, khái niệm này vẫn chưa được phổ biến rộng rãi. Cụ thể, Việt Nam mới chỉ có hơn 60 công trình đạt chứng nhận công trình xanh. Con số này rất khiêm tốn so với 125 công trình xanh tại Malaysia, 500 công trình tại Đài Loan và 1,5 nghìn công trình tại Singapore.

Nhận định về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho rằng: Hiện nay, Nhà nước rất quan tâm tới phát triển xã hội theo hướng tăng trưởng xanh, bao gồm cả ngành xây dựng. Tuy nhiên, thực tế việc sử dụng các loại vật liệu xanh tạo ra các công trình xanh chưa chiếm ưu thế tại Việt Nam bởi một số rào cản như: lo ngại về chi phí gia tăng, tiêu chuẩn vật liệu xanh vẫn trong quá trình nghiên cứu.

Đồng quan điểm, KTS Đỗ Thanh Tùng cho rằng, hiện nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phát triển công trình xanh đang trong lộ trình xây dựng. Do văn bản quy định cụ thể chưa có nên việc phát triển công trình xanh tại Việt Nam cũng còn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, tại Việt Nam, nhiều người chưa hiểu hết về công trình xanh và lợi ích của nó. Khi nói đến công trình xanh, chúng ta thường liên tưởng đến các công trình có quy mô lớn, công trình cao tầng, chưa quan tâm nhiều đến các công trình thấp tầng, nhà ở của người dân. Chi phí đầu tư xây dựng ban đầu công trình xanh thường cao hơn so với bình thường cũng đang khiến các DN e dè hơn. Ngoài ra, việc cung cấp các sản phẩm vật liệu xanh còn hạn chế.

Theo thống kê riêng về tiêu thụ năng lượng tại Việt Nam, năng lượng tiêu thụ cho các tòa nhà như công trình ở và công cộng cao tầng chiếm từ 35 - 40% tổng năng lượng tiêu dùng. Các công trình cao ốc văn phòng, khách sạn, đặc biệt là trung tâm thương mại có diện tích sàn sử dụng trên 10.000 m2 có mức tiêu thụ điện năng từ 1 - 2 triệu KWh/năm. Những bất hợp lý trong giải pháp thiết kế công trình, đặc biệt là phần vỏ công trình hiệu quả cách nhiệt kém làm thất thoát nguồn năng lượng sử dụng trong công trình từ 20 - 30%. Chính vì vậy, Vụ trưởng Vụ VLXD (Bộ Xây dựng) Phạm Văn Bắc cho rằng: Nhận thức được những kiến thức cơ bản về công trình xanh, các chủ đầu tư sẽ vượt qua các rào cản về tài chính để hiện thực hóa các công trình này, đem lại lợi ích to lớn cho DN và cộng đồng, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường sống, đóng góp cho sự phát triển bền vững của quốc gia. Xây dựng công trình xanh tốn kém hơn nhưng bù lại giúp nhà đầu tư tiết kiệm được một khoản lớn trong quá trình vận hành như: hệ thống gió tự nhiên giảm công suất tiêu thụ của điều hòa, vách ngăn kính lớn giúp tận dụng ánh sáng tự nhiên vào chiếu sáng trong tòa nhà, giảm thiểu tối đa việc tiêu thụ đèn điện.

Lãnh đạo Vụ Vật liệu xây dựng cũng cho biết, đơn vị này sẽ tham mưu với Bộ Xây dựng tiến hành nghiên cứu và sửa Nghị định số 24a/2016/NĐ-CP của Chính phủ về Quản lý VLXD, trong đó, toàn bộ Chương V sẽ dành để đề cập tới Chính sách phát triển VLXD, tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường phù hợp với Luật Quy hoạch mới được ban hành và có hiệu lực từ tháng 01/2019.

LONG HOÀNG
Theo Báo Kiểm toán 36 ra ngày 06-09-2018
Cùng chuyên mục
Sử dụng vật liệu xanh để giảm thiểu tác hại tới môi trường