Sửa đổi Luật Đất đai: Bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân

(BKTO) - Sáng 03/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), trong đó tập trung làm rõ một số vấn đề lớn như quy định về giá đất, cơ chế thu hồi đất, tài chính về đất đai…

40e3c4cc06c4c09a99d5.jpg
Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh: Đ. KHOA

Băn khoăn quy định về thu hồi đất

Phát biểu thảo luận, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) nhận định, trước đây, khung giá đất do Nhà nước áp đặt theo ý chí chủ quan. Dự thảo đã bỏ khung giá đất, xây dựng bảng giá theo giá trị thị trường, tạo ra sự bình đẳng, tiến bộ. Điều này nếu thực hiện được thì sẽ xóa bỏ phần lớn bất cập trong công tác quản lý đất đai hiện nay. Nếu có bảng giá đất sát giá trị thị trường, đồng thời, đền bù thỏa đáng cho người dân bị thu hồi đất, sẽ giảm khiếu kiện.

Liên quan đến việc thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, thu hồi đất là một chế định rất quan trọng trong Luật Đất đai, là hình thức chuyển dịch quyền sử dụng đất qua cơ chế hành chính, do đó, việc thu hồi đất cần phải quy định rất chặt chẽ.

Theo đại biểu Phan Thái Bình (Đoàn Quảng Nam), một vấn đề rất lớn trong Luật Đất đai hiện hành là khi Nhà nước thu hồi đất để làm các công trình công cộng thì Nhà nước thu hồi và đền bù theo khung giá của Nhà nước; còn khi thu hồi để giao cho DN, nhà đầu tư thì nhà đầu tư tự thỏa thuận. Điều này dẫn đến bất cập là cùng một vị trí có thể sinh lợi, giáp ranh như nhau, mọi yếu tố về giá đất là như nhau nhưng đối với DN có tiềm lực hoặc có khả năng đầu tư tốt, người ta sẵn sàng thỏa thuận với giá cao hơn; từ đó làm phát sinh khiếu kiện, khiếu nại.

Vì vậy, đại biểu đề nghị cần thống nhất nguyên tắc là dù thu hồi đất giao cho nhà đầu tư hay sử dụng vào các lợi ích quốc gia, công cộng thì đều đền bù với mức giá như nhau trên cơ sở sát giá thị trường nhất và đảm bảo công bằng.

Trong khi đó, một số đại biểu Quốc hội cho rằng, quy định về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia công cộng (Điều 86) Dự thảo Luật là chưa cụ thể, rõ ràng các điều kiện, tiêu chí để phân biệt giữa dự án nào mục đích phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia công cộng và dự án nào vì mục đích kinh tế đơn thuần. Do vậy, để minh bạch trong thu hồi đất, tránh lạm dụng thu hồi đất tràn lan và khiếu nại, khiếu kiện, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người có đất thu hồi, cần rà soát, quy định cụ thể rõ ràng hơn.

Đại biểu Nguyễn Thành Trung (Đoàn Yên Bái) đề nghị cân nhắc quy định Nhà nước thu hồi đất đối với dự án khu đô thị, khu nhà ở thương mại. Theo đại biểu, trường hợp này cần phải áp dụng cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp theo đúng yêu cầu tại Nghị quyết 18-NQ/TW, đó là tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Quốc Luận (Đoàn Yên Bái) cũng cho rằng, các nhà đầu tư các dự án này mang tính chất kinh doanh là chủ yếu, lợi ích trực tiếp sẽ mang lại cho các nhà đầu tư. Do đó, nếu quy định Nhà nước thu hồi đất đối với các dự án này sẽ dẫn đến thắc mắc, khiếu kiện và không công bằng với các dự án khác.

Điều tiết nguồn thu từ đất để giảm gánh nặng cho ngân sách trung ương

Quan tâm đến vấn đề tài chính về đất đai, đại biểu Nguyễn Thành Trung (Đoàn Yên Bái) nêu rõ, khoản 1 Điều 158 Dự thảo Luật quy định Nhà nước điều tiết nguồn thu từ đất của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về ngân sách trung ương theo quy định của pháp luật.

6aabdabc9ab65ce805a7.jpg
Đại biểu Nguyễn Quốc Luận phát biểu góp ý vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh: Đ. KHOA

Thống nhất cao với chủ trương này, đại biểu cho biết, quy định này phù hợp với tinh thần của Nghị quyết 18-NQ/TW đã quy định chính sách về tài chính đất đai là: có cơ chế điều tiết hợp lý, hiệu quả nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất giữa trung ương và địa phương.

Mặt khác, thực tế trong những năm qua, các khoản thu từ đất của các địa phương vượt thu rất lớn, song chưa có quy định điều tiết về ngân sách trung ương, trong khi vai trò chủ đạo của ngân sách ngày càng giảm do nguồn thu giảm dần, làm ảnh hưởng đến các nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương.

Vì vậy, quy định như Dự thảo Luật sẽ điều tiết nguồn thu từ đất về ngân sách trung ương, giúp giảm gánh nặng cho ngân sách trung ương trong việc hỗ trợ các địa phương còn khó khăn, đảm bảo phát triển đồng đều giữa các địa phương trong cả nước.

Tuy nhiên, khoản 2 Điều 157 quy định, các khoản thu tài chính từ đất đai là nguồn thu của ngân sách trung ương và ngân sách địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước (NSNN). Đại biểu đề nghị không nên quy định nội dung này trong Luật Đất đai mà quy định trong Luật NSNN (sửa đổi) hoặc sửa đổi một điều về Luật NSNN trong Luật Đất đai.

Cụ thể, Điều 37 Luật NSNN quy định thu từ đất là khoản thu 100% thu ngân sách trung ương, không dùng để tính tỷ lệ điều tiết và số bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương và chỉ dùng cho đầu tư phát triển

“Tôi đề nghị khi chưa kịp sửa Luật NSNN thì phải có quy định một điều để sửa Luật NSNN trong điều khoản chuyển tiếp của Dự thảo Luật Đất đai. Dự thảo Luật cũng cần quy định rõ nguồn thu từ đất này điều tiết về ngân sách trung ương ở mức độ hợp lý và nguồn thu này sẽ chỉ dành chi cho đầu tư phát triển và hỗ trợ địa phương chi đầu tư phát triển xây dựng cơ sở hạ tầng” - đại biểu Nguyễn Thành Trung phát biểu.

Cũng liên quan đến vấn đề tài chính về đất đai, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Đoàn Hà Tĩnh) cho rằng, nói đến tài chính là nói đến mối quan hệ thu - chi. Tuy nhiên, trong Dự thảo Luật chủ yếu quy định các khoản thu, các khoản hình thành từ quỹ đất, nguồn đất còn các khoản chi phân bổ thì chưa quy định rõ.

Đại biểu cho rằng, điều tiết nguồn thu từ đất đai cũng phải dựa trên nguyên tắc các khoản chi nào, điều tiết nào được phân bổ, không thể giao khoán toàn bộ khoản điều tiết này theo văn bản khác mà trong Luật không nói rõ. Do đó cần phải quy định về nguyên tắc và các khoản thu - chi này để đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng trong Luật.

Tôi thống nhất cao với sự cần thiết phải thực hiện kiểm toán đối với cơ quan, tổ chức được giao quản lý, sử dụng đất. Tuy nhiên, tôi đề nghị cần có những quy định chặt chẽ, rõ ràng hơn về việc phối hợp giữa cơ quan thanh tra với cơ quan kiểm toán trong quá trình xây dựng kế hoạch đến tổ chức thực hiện; việc xử lý đối với những vấn đề còn chưa thống nhất giữa kết luận của thanh tra và kết luận của kiểm toán, để giảm bớt khó khăn, phiền hà cho các đối tượng được kiểm toán cũng như việc thực hiện kết luận thanh tra, kiểm toán.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Luận



Cùng chuyên mục
  • Hoạt động kiểm toán nhà nước góp phần nâng cao chất lượng giám sát chuyên đề của Quốc hội
    một năm trước Chính trị
    (BKTO) - Trao đổi với Báo Kiểm toán về vai trò và đóng góp của Kiểm toán nhà nước (KTNN) trong công tác giám sát của Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Thị Phú Hà đánh giá, KTNN ngày càng tích cực tham gia vào hoạt động giám sát của Quốc hội. Nhiều kết quả kiểm toán của KTNN đã được nghiên cứu, sử dụng, đưa vào nhận định, đánh giá trong báo cáo giám sát.
  • Thông cáo báo chí Kỳ họp thứ 22 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương
    một năm trước Chính trị
    (BKTO) - Trong các ngày 01 và 02/11/2022, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp Kỳ thứ 22. Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì Kỳ họp.
  • Làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác chiến lược Việt Nam - Trung Quốc
    một năm trước Đối ngoại
    (BKTO) - Chuyến thăm chính thức Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thành công tốt đẹp, góp phần tích cực trong việc phát huy tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống Việt Nam - Trung Quốc, đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước trong thời đại mới, thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng của khu vực và thế giới.
  • Giảm hơn 7.000 đơn vị sự nghiệp công lập sau sắp xếp
    một năm trước Chính trị
    (BKTO) - Việc thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, nhất là đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) thời gian qua đã đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện. Qua đó đã giảm 7.469 đơn vị, vượt 10% so với chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết số 19-NQ/TW của Trung ương – Báo cáo của Bộ Nội vụ cho biết.
  • Tăng tính pháp quyền, chuyên nghiệp trong hoạt động của Quốc hội
    một năm trước Chính trị
    (BKTO) - Chiều 02/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự thảo Nghị quyết Nội quy Kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).
Sửa đổi Luật Đất đai: Bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân