Sửa Luật Thuế giá trị gia tăng để bao quát nguồn thu

(BKTO) - Bộ Tài chính cho biết, sau 15 năm thực hiện, Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) đã đạt được kết quả quan trọng nhưng cũng bộc lộ một số hạn chế. Việc sửa đổi Luật Thuế GTGT nhằm bao quát các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu; bảo đảm tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện, đảm bảo ổn định nguồn thu ngân sách nhà nước (NSNN)...

14.jpg
Dự kiến sẽ đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế GTGT với thuế suất 5%. Ảnh: ST

Thuế GTGT đóng góp ổn định vào ngân sách

Sau 15 năm thực hiện, Luật Thuế GTGT đã đạt được các kết quả quan trọng. Đáng lưu ý, từ năm 2013 đến năm 2022, số thu về thuế GTGT luôn chiếm tỷ lệ cao trong tổng số thu NSNN cũng như chiếm tỷ lệ cao trong tổng số thu về thuế. Cụ thể: Năm 2014 khoảng 26,9%, năm 2019 khoảng 23,3%, năm 2020 khoảng 22,7%, năm 2021 khoảng 23,6% (năm 2020, 2021 chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19), năm 2022 khoảng 24,5%…

Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách thuế GTGT cũng đã bộc lộ một số hạn chế, cần phải sửa Luật. Chẳng hạn, số lượng nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế còn nhiều (26 nhóm) và không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào làm tăng chi phí sản xuất của doanh nghiệp (DN), làm tăng giá bán, ảnh hưởng đến các DN trong chuỗi cung ứng. Ngoài ra, việc áp dụng 3 mức thuế suất: 0%, 5% và 10% đối với các nhóm mặt hàng còn chưa phù hợp. Đối tượng chịu thuế GTGT thuế suất 5% còn nhiều (14 nhóm hàng hóa, dịch vụ) chưa phù hợp với định hướng cải cách hệ thống thuế, tiến tới áp dụng 1 mức thuế suất phổ thông. Bên cạnh đó, quy định đối với doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT có mức từ 100 triệu đồng trở xuống/năm cần được nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp với mức biến động của giá và một số yếu tố khác. Quy định về khấu trừ thuế GTGT đầu vào cần phải chặt chẽ hơn nữa để góp phần ngăn chặn gian lận trong khấu trừ, hoàn thuế GTGT, chống thất thu ngân sách.

Cùng với đó, cần bổ sung quy định hoàn thuế GTGT đối với DN sản xuất cung ứng hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT 5% mà đầu vào chủ yếu áp dụng thuế suất 10%; sửa đổi quy định về hoàn thuế đối với dự án đầu tư để xử lý bất cập phát sinh trong thực tế và tạo điều kiện cho DN đầu tư, đổi mới công nghệ, qua đó tăng năng suất lao động, tăng khả năng cạnh tranh của DN...

Theo Luật Thuế GTGT hiện hành, một số DN sản xuất, kinh doanh hàng hóa phục vụ sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp như: Phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng cho nông nghiệp, tàu đánh bắt xa bờ... không chịu thuế GTGT. Do đó, DN không được kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ mà phải tính vào chi phí sản phẩm. Điều này khiến giá thành tăng và lợi nhuận giảm; hàng hóa, dịch vụ trong nước bị bất lợi trong cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu cùng loại; không khuyến khích DN đầu tư, mua sắm, sửa chữa, nâng cấp tài sản cố định để tạo ra sản phẩm chất lượng cao. Cùng với đó, Nhà nước mất nguồn thu ngân sách do không thu được thuế GTGT ở khâu nhập khẩu với nhiều mặt hàng vật tư nông nghiệp, trong khi thuế nhập khẩu thì vốn rất thấp hoặc đã được đưa về mức 0%. Vì vậy, nên đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế GTGT với thuế suất 5%.

PGS,TS. Nguyễn Thị Thùy Dương - Viện Ngân hàng Tài chính (Đại học Kinh tế Quốc dân)

Bỏ 7 hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế

Theo Tờ trình dự án Luật Thuế GTGT (sửa đổi) do Bộ Tài chính soạn thảo, vẫn giữ nguyên 26 nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT, nhưng đã thu hẹp các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT. Bộ Tài chính đề xuất bỏ 7 hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT gồm: Phân bón; máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; tàu đánh bắt xa bờ; lưu ký chứng khoán; dịch vụ tổ chức thị trường của sở giao dịch chứng khoán hoặc trung tâm giao dịch chứng khoán; dịch vụ bưu chính, viễn thông công ích và internet phổ cập theo chương trình của Chính phủ; dịch vụ duy trì vườn thú, vườn hoa, công viên, cây xanh đường phố, chiếu sáng công cộng.

Đối với mặt hàng phân bón, theo quy định hiện hành không chịu thuế GTGT. Tuy nhiên, các DN sản xuất phân bón đã kiến nghị sửa đổi quy định này do DN không được kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ (gồm hoạt động đầu tư, mua sắm tài sản cố định phục vụ hoạt động sản xuất phân bón mà phải tính vào chi phí sản phẩm, khiến giá thành tăng và lợi nhuận giảm; bất lợi trong cạnh tranh với phân bón nhập khẩu).

Cùng với kiến nghị của DN sản xuất phân bón, Bộ Công Thương, Hiệp hội Phân bón cũng phản ánh khó khăn của DN sản xuất phân bón và đề nghị chuyển phân bón sang đối tượng chịu thuế GTGT thuế suất 5%. Nhiều đoàn đại biểu Quốc hội cũng gửi kiến nghị đến Bộ Tài chính đề nghị sửa đổi chính sách thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón theo hướng chuyển mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế GTGT sang đối tượng chịu thuế GTGT với thuế suất 5%. Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy, phân bón là mặt hàng phục vụ sản xuất nông nghiệp nên chính sách thuế GTGT (hoặc thuế hàng hóa dịch vụ, thuế bán hàng) của nhiều nước được thiết kế theo hướng ưu đãi hơn so với các mặt hàng thông thường khác... Nhằm thúc đẩy ngành sản xuất phân bón trong nước cạnh tranh được với phân bón nhập khẩu vừa thực hiện mục tiêu thu hẹp đối tượng không chịu thuế GTGT, Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 5% đối với phân bón tại điểm b khoản 2 Điều 9 Dự thảo Luật.

Để vừa thúc đẩy DN sản xuất, lắp ráp các mặt hàng máy móc, thiết bị nông nghiệp cạnh tranh bình đẳng với hàng nhập khẩu cùng loại, đồng bộ với pháp luật thủy sản, minh bạch và thuận lợi trong thực hiện, vừa thực hiện mục tiêu thu hẹp đối tượng không chịu thuế GTGT, Bộ Tài chính trình Chính phủ áp dụng thuế suất 5% đối với tàu khai thác thủy sản tại vùng khơi, vùng biển; máy cày; máy bừa; máy phay; máy rạch hàng; máy bạt gốc; thiết bị san phẳng đồng ruộng; máy gieo hạt; máy cấy; máy trồng mía; hệ thống máy sản xuất mạ thảm; máy xới, máy vun luống, máy vãi, rắc phân, bón phân; máy, bình phun thuốc bảo vệ thực vật…

Cũng theo Bộ Tài chính, việc sửa Luật Thuế GTGT cũng nhằm khắc phục các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện; tháo gỡ bất cập, chồng chéo trong hệ thống pháp luật thuế GTGT và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các pháp luật liên quan; bảo đảm tính khả thi, minh bạch và thuận lợi cho tổ chức thực hiện, khơi thông, phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội./.

Cùng chuyên mục
  • Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và những điều còn băn khoăn
    3 tháng trước Pháp luật
    (BKTO) - Theo chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 5, ngày mai (18/1), Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Đất đai (sửa đổi). Tuy nhiên, qua thảo luận, vẫn còn những điều khoản khiến đại biểu Quốc hội băn khoăn và hy vọng sẽ được tiếp thu, giải trình thấu đáo trước khi bấm nút thông qua.
  • Tăng cường kiểm tra, giám sát để phòng ngừa mất cán bộ trong lực lượng chức năng
    3 tháng trước Pháp luật
    (BKTO) - Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh yêu cầu này khi chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ (Ban Chỉ đạo 138/CP) và Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) để tổng kết công tác năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024, sáng 17/01, tại Hà Nội.
  • Dành vị trí thuận lợi nhất cho khu tái định cư
    3 tháng trước Pháp luật
    (BKTO) - Đại biểu Quốc hội đề nghị, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần bổ sung quy định ưu tiên lựa chọn khu đất được quy hoạch là đất ở, có vị trí thuận lợi nhất trên địa bàn để hình thành khu tái định cư; tránh tình trạng có địa phương dành quỹ đất được quy hoạch ở có vị trí thuận lợi nhất cho đấu giá để thu tiền, còn khu xa, khó khăn không ai muốn mua thì bố trí khu tái định cư.
  • Chỉ thu hồi đất để thực hiện dự án với “dự án đầu tư xây dựng khu đô thị”
    3 tháng trước Pháp luật
    (BKTO) - Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 quy định theo hướng chỉ thu hồi đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ khi là “dự án đầu tư xây dựng khu đô thị”.
  • Thống nhất chỉnh lý, hoàn thiện 18 nội dung của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
    3 tháng trước Pháp luật
    (BKTO) - Sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ năm gồm 16 chương, 260 điều, bỏ 5 điều, sửa đổi, bổ sung tại 250 điều so với Dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6.
Sửa Luật Thuế giá trị gia tăng để bao quát nguồn thu