Tăng khả năng kết nốicác DN
Các DN cho rằng, thành quả của cách mạng công nghiệp 4.0 trên thế giới sẽ giúp cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN trở nên cạnh tranh hơn. Các công nghệ mới đột phá sẽ cho phép các chuỗi cung ứng được kết nối, phân phối hiệu quả hơn, cũng như giảm thiểu được chi phí hậu cần và giao dịch. Việc ứng dụng công nghệ số thông qua trao đổi trực tuyến sẽ tạo cơ hội cho các DN mở rộng thị trường, giảm chi phí kinh doanh, quảng bá, thực hiện tốt các dịch vụ sau bán hàng.
Nền tảng hỗ trợ tốt cho các DN tận dụng cơ hội trên chính là Việt Nam đang nằm trong nhóm các quốc gia đi đầu trong phát triển hạ tầng công nghệ thông tin của ASEAN. Theo số liệu thống kê từ Tổ chức Internet World Stats, Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng Internet cao thứ 12 trên thế giới và đứng thứ 6 trong tổng số 35 quốc gia/vùng lãnh thổ khu vực châu Á. Hiện Việt Nam đã có 64 triệu người dùng internet, tương ứng với 67% dân số cả nước; tốc độ kết nối internet trung bình đạt 9,5 Mbps, xếp hạng 58 trên thế giới…
Giai đoạn vừa qua, cộng đồng DN Việt Nam đã thể hiện rõ sự nỗ lực trong đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số vào sản xuất kinh doanh, từng bước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Số DN đổi mới sáng tạo tăng gần gấp đôi, từ 1.800 DN năm 2016 lên trên 3.000 DN năm 2017. Cùng với khoảng 40 Quỹ đầu tư mạo hiểm quốc tế đã hoạt động tại Việt Nam, các tập đoàn, ngân hàng lớn và các nhà đầu tư tích cực tham gia huy động, sử dụng nguồn lực tài chính lớn cho khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.
Một số DN Việt Nam đã rất thành công trong các ngành công nghệ thông tin, phần mềm ứng dụng công nghệ số như: FPT, Viettel. Đặc biệt, trong năm 2017, Viettel được xếp thứ 2 trong ASEAN và lọt vào Top 50 thương hiệu viễn thông lớn nhất thế giới với giá trị thương hiệu đạt 2,68 tỷ USD.
Còn đối với các DN nhỏ và vừa của Việt Nam, phát triển công nghệ số sẽ giúp họ tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu thuận tiện với chi phí thấp. Với nguồn lực tài chính còn hạn hẹp, các DN nhỏ và vừa - vốn chiếm phần lớn trong cộng đồng DN Việt Nam - đang rất quan tâm đến việc tận dụng tiềm năng phát triển của công nghệ số.
Bởi họ kỳ vọng sự phát triển của công nghệ số sẽ mở ra cơ hội quảng bá sản phẩm, kết nối giúp họ mở rộng thị trường tiêu thụ. Một lợi thế hiện nay là phần lớn các nhà quản lý DN đang ở trong độ tuổi 40 - 50, có tư duy trẻ và am hiểu công nghệ. Do đó, các DN này có khả năng tận dụng công nghệ nhanh để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Phát triển giao dịchthương mại điện tử
Môi trường kinh doanh năng động và nền tảng hạ tầng tốt đã giúp doanh số thương mại điện tử bán lẻ của Việt Nam năm 2016 ước đạt 5 tỷ USD, tăng gấp đôi so với 2,2 tỷ USD năm 2013. Mức tăng này được đánh giá là kỷ lục khi so với mức doanh thu năm 2012 mới chỉ đạt chưa đầy 1 tỷ USD. Kết quả này giúp Việt Nam được đánh giá là một trong những điểm nóng tăng trưởng của thương mại điện tử trên thế giới.
Nếu như doanh số thương mại điện tử bán lẻ năm 2016 mới chỉ chiếm khoảng 3% tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước thì các kết quả khảo sát của Công ty Nielsen đã đưa ra dự báo tốc độ tăng trưởng thị trường của thương mại điện tử Việt Nam sẽ tăng lên tới 22% hằng năm và tăng trưởng thương mại điện tử có thể lên đến 30 - 50%/năm vào những năm tới.
Trong 5 năm tới, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam có thể đạt 10 tỷ USD. Đồng thời, nếu như tổng giá trị thanh toán trực tuyến năm 2016 mới đạt 680 triệu USD thì ước tính đến năm 2020, tổng giá trị thanh toán trực tuyến sẽ đạt tới 4 tỷ USD.
Bên cạnh đó, quy mô thị trường quảng cáo trực tuyến của Việt Nam cũng có xu hướng tăng nhanh, năm 2016 đạt giá trị 390 triệu USD, trong đó thị phần của hai công ty lớn nhất là Google và Facebook đạt đến 75%. Ước tính đến năm 2020, quy mô thị trường quảng cáo trực tuyến của Việt Nam sẽ tăng gấp 3 lần, đạt 950 triệu USD.
Thị trường công nghệ tài chính của Việt Nam trong những năm qua cũng có sự phát triển tích cực về số lượng DN tham gia, phong phú về mô hình kinh doanh, từ các cổng thanh toán, dịch vụ tài chính cá nhân bao gồm ví điện tử, ứng dụng ngân hàng số, cho tới các nền tảng gọi vốn cộng đồng, các ứng dụng cho vay ngang hàng không qua các ngân hàng trung gian.
Theo các chuyên gia, để thích ứng nhanh với xu hướng phát triển và tác động của cách mạng công nghiệp 4.0, các DN cần chủ động đổi mới, nâng cao hiệu quả hội nhập, tích cực ứng dụng công nghệ, quyết tâm tăng năng suất lao động. Trong đó, DN cần chú ý đến các nhân tố thúc đẩy năng suất lao động như: yếu tố con người, ứng dụng công nghệ thông tin, cải tiến quy trình, hiệu quả phối hợp và sắp xếp, bố trí lại bộ máy…, bởi các khâu này vẫn đang là điểm yếu của nhiều DN Việt Nam.
HỒNG THOAN
Theo Báo Kiểm toán số 06 ra ngày 08-02-2018