Thị trường bất động sản giữ đà tăng trưởng

(BKTO) - Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, trong năm 2017, thị trường bất động sản (BĐS) cơ bản được kiểm soát, tiếp tục tăng trưởng, nhưng vẫn tồn tại một số hạn chế cần khắc phục trong giai đoạn tới.



Dư thừa nguồn cung Condotel

Trong năm 2017, ngành xây dựng duy trì tăng trưởng khá và đứng thứ ba trong số các ngành đóng góp điểm phần trăm vào mức tăng GDP cả nước. Cụ thể, theo thống kê của Bộ Xây dựng, tổng số dự án BĐS đang được triển khai hiện nay là 3.077 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 3,3 triệu tỷ đồng, sử dụng 79.943 ha đất. Cả nước có khoảng 300 dự án có quy mô lớn, tổng mức đầu tư trên 3.000 tỷ đồng; quy mô trên 1.500 căn hộ. Dư nợ tín dụng BĐS đến quý III/2017 khoảng 447 tỷ đồng, chiếm khoảng 6-8% tổng dư nợ tín dụng và ở trong ngưỡng an toàn. Cơ cấu tín dụng và tiêu chuẩn vay kinh doanh BĐS được kiểm soát chặt chẽ hơn.

Bên cạnh đó, tính đến hết năm 2017, diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt khoảng 23,4 m2 sàn/người, tăng 0,6 m2 sàn so với năm 2016; trong năm 2017, đã hoàn thành thêm khoảng 0,19 triệu m2 nhà ở xã hội tại khu vực đô thị, đưa tổng diện tích nhà ở xã hội khu vực đô thị đạt khoảng 3,49 triệu m2. Các chương trình nhà ở xã hội đã được nhiều địa phương tích cực triển khai.

Đặc biệt, theo số liệu báo cáo của 16 tỉnh, thành phố ven biển có dự án du lịch nghỉ dưỡng quy mô lớn, tính đến tháng 7/2017, đã có 77 dự án với 16.437 phòng khách sạn, 11.174 căn biệt thự, 12.056 căn hộ khách sạn (condotel) đã và đang được đầu tư xây dựng. Trong đó, có 4.792/16.537 phòng khách sạn được đưa vào kinh doanh; 1.484/11.174 căn biệt thự đã bán; còn 883 biệt thự và 847 căn hộ khách sạn đã xây dựng xong chưa bán.

Nhận định về các loại hình BĐS mới như condotel, officetel, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết: Bộ Xây dựng đã tiến hành điều tra, nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề xuất hướng giải quyết, đồng thời chủ động phối hợp với các Bộ liên quan nghiên cứu sửa đổi, bổ sung tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến các loại hình BĐS này. Riêng với condotel, lãnh đạo Bộ Xây dựng cũng cảnh báo nguồn cung loại hình BĐS này còn rất nhiều, cần có biện pháp kiểm soát nguồn cung các loại BĐS này trong thời gian tới.

Đánh giá về những kết quả trên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận: Thị trường BĐS phát triển lành mạnh, bước đầu thực hiện tốt chính sách nhà ở xã hội. Lĩnh vực BĐS đã thu hút 3,3 triệu tỷ đồng vốn, trong khi đầu tư công 5 năm chỉ có 2,2 triệu tỷ đồng, tạo nên khối lượng giá trị lớn trong xây dựng. Nhiều đơn vị xây dựng đã đổi mới về khoa học công nghệ, có khát vọng lớn để phát triển. Công tác quy hoạch, tư vấn, giám sát có tiến bộ...

Không để xảy ra tình trạng bong bóng BĐS

Bên cạnh kết quả đạt được, Bộ Xây dựng cũng nêu ra các tồn tại, hạn chế của thị trường BĐS hiện nay như: cơ cấu hàng hóa BĐS tuy đã được điều chỉnh từng bước nhưng chưa phù hợp với nhu cầu thị trường. Thị trường dư thừa sản phẩm nhà ở cao cấp, diện tích lớn, giá bán cao nhưng lại thiếu sản phẩm nhà ở bình dân phù hợp với nhu cầu của đại bộ phận dân cư đô thị. Một số loại hình sản phẩm mới như condotel, officetel, shop-house… chưa được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật, có biểu hiện lợi dụng, thao túng của chủ đầu tư với khách hàng.

Việc triển khai một số chương trình phát triển nhà ở xã hội còn chậm và gặp nhiều khó khăn sau khi chấm dứt gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ còn gặp nhiều khó khăn. Một số đề án quy hoạch xây dựng, đô thị còn hạn chế về tầm nhìn, chưa bảo đảm một số điều kiện thực hiện. Việc điều chỉnh quy hoạch, nhất là quy hoạch chi tiết ở một số địa phương còn tuỳ tiện, không đúng quy trình, thủ tục, thường có xu hướng tăng tầng cao, mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất, giảm diện tích công cộng, hạ tầng cây xanh...

Nhận định về một trong những vấn đề được xã hội quan tâm nhất hiện nay là liệu có xảy ra bong bóng BĐS, Thứ trưởng Lê Quang Hùng khẳng định: Bộ Xây dựng cương quyết không để tình trạng đầu cơ BĐS xảy ra. Bộ sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường và chủ động, kịp thời đề xuất các phương án, giải pháp nhằm kiểm soát cũng như thúc đẩy thị trường phát triển lành mạnh, ổn định; không để xảy ra tình trạng đầu cơ, tăng giá bất hợp lý, bảo đảm tính công khai, minh bạch của thị trường.

Đồng quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyễn Trần Nam cũng nhận định: Thị trường BĐS đang phát triển đúng hướng, ổn định, lành mạnh. Điều này thể hiện ở ba yếu tố là lượng giao dịch tăng mạnh, giá cả ổn định, tính thanh khoản tốt.

Tuy nhiên, để kiểm soát tốt thị trường tránh hiện tượng bong bóng, phát triển quá nóng gây ngòi nổ cho khủng hoảng kinh tế, đề cập đến những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2018 của ngành xây dựng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Cần thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp đề ra, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP ngành xây dựng là 9,2%.

Đến năm 2020, phấn đấu xây dựng được hầu hết các công trình thiết yếu đạt chất lượng, thẩm mỹ, có giá cả cạnh tranh, hạn chế tối đa việc điều chỉnh tổng mức đầu tư xây dựng. Bên cạnh đó, Bộ cần đẩy mạnh công tác thanh tra, xử lý nghiêm tình trạng vi phạm; quan tâm kiểm soát thị trường BĐS, không để xảy ra tình trạng bong bóng BĐS; tiếp tục phát triển nhà ở xã hội; phấn đấu xuất khẩu xây dựng ra nước ngoài...

HOÀNG LONG
Theo Báo Kiểm toán số 04 ra ngày 25-01-2018
Cùng chuyên mục
Thị trường bất động sản giữ đà tăng trưởng