Tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử

(BKTO) - Chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 05/6, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ quan ngại trước thực trạng quyền lợi của người tiêu dùng chưa được đảm bảo đầy đủ, nhất là trên môi trường thương mại điện tử.

nhd-120240605093202.jpg
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn. Ảnh: quochoi.vn

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Đoàn Quảng Bình) nêu vấn đề, hiện nay hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến quyền lợi người tiêu dùng ngày càng hoàn thiện, tuy nhiên quyền lợi người tiêu dùng vẫn nhiều lúc chưa được đảm bảo, thậm chí có lúc bị xâm hại hay lợi dụng. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết hiệu quả của hoạt động của hệ thống tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng cũng như công tác phối hợp giữa Bộ Công Thương với các địa phương trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng?

Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, trong thời gian qua bên cạnh việc tăng cường thực thi các quy định của pháp luật, Bộ đã tăng cường tập trung thực hiện một số giải pháp hỗ trợ thực thi pháp luật như triển khai Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Đề án phát triển hệ thống Tổng đài tư vấn hỗ trợ người tiêu dùng trên cả nước.

Theo Bộ trưởng, việc triển khai hệ thống Tổng đài tư vấn hỗ trợ người tiêu dùng này đã mang lại hiệu quả rất rõ nét trên 3 khía cạnh là: nâng cao hiệu quả công tác tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng; tăng sự kết nối, tương tác giữa địa phương và các tổ chức xã hội; góp phần hỗ trợ, tạo cơ sở dữ liệu phục vụ cho công tác quản lý nhà nước, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng từ Trung ương đến địa phương.

Về sự phối hợp giữa các Bộ và địa phương trong bảo vệ người tiêu dùng trong thời gian qua cũng đã mang lại một số kết quả, cụ thể là đã hình thành được mạng lưới phối hợp giữa Bộ với 63 tỉnh, thành phố và 54 Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của các địa phương trong cả nước; đã triển khai được nhiều hoạt động phối hợp, hỗ trợ địa phương, nâng cao năng lực, trình độ và nghiệp vụ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Bộ cũng đã tăng cường phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cụ thể như trong việc thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm, kiểm soát các hợp đồng mẫu và điều kiện giao dịch chung.

Về những tồn tại của hệ thống Tổng đài tư vấn hỗ trợ người tiêu dùng, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, nguồn lực dành cho hệ thống tư vấn còn hạn chế; một số địa phương chưa bố trí được nguồn lực bảo đảm để duy trì một cách thường xuyên tổng đài của địa phương; kỹ năng, quy trình tư vấn và hỗ trợ người tiêu dùng của tổng đài viên chưa thật tốt.

Đối với công tác phối hợp giữa Bộ và các địa phương vẫn có một số nội dung chưa thống nhất cao và đồng bộ trong triển khai, như việc thực hiện thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp hay việc kiểm soát lao động, việc hỗ trợ hoạt động của Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…

ct.jpg
Quang cảnh Phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 05/6. Ảnh: quochoi.vn

Nêu giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, trong thời gian tới, Bộ sẽ tập trung triển khai Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 01/7 tới. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong việc quản lý lĩnh vực này. Đồng thời, hoàn thiện và ưu tiên nguồn lực để khai thác hiệu quả tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng và hệ thống cơ sở dữ liệu trên phạm vi cả nước; tiếp tục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giúp cho các tỉnh, các địa phương và các ngành thực hiện nội dung này, cũng như tăng cường tuyên truyền, phổ biến thông tin, tổng đài tư vấn hỗ trợ người tiêu dùng để người tiêu dùng biết và sử dụng.

Cũng bày tỏ quan tâm đến vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Đoàn Ninh Bình) nêu vấn đề, thương mại điện tử xuyên biên giới đang mở ra nhiều cơ hội cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam. Tuy nhiên, đối với người tiêu dùng Việt Nam hình thức thương mại điện tử xuyên biên giới vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lừa đảo, nhận hàng kém chất lượng, rủi ro trong vấn đề thanh toán. Bên cạnh đó, người tiêu dùng Việt Nam ngoài việc phải đối mặt với rào cản logistics quốc tế thì vẫn còn khó khăn về ngôn ngữ, khác biệt văn hóa cũng như thanh toán quốc tế. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết Bộ Công Thương có giải pháp gì trong quản lý để quản trị tốt rủi ro, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng Việt Nam trong thương mại điện tử xuyên biên giới, từ đó thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới phát triển bền vững?

Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Bộ Công Thương đã và đang thực hiện các giải pháp như hoàn thiện quy định chính sách về người tiêu dùng để người tiêu dùng có thể thực hiện đầy đủ các quyền của mình như Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã quy định rất rõ là: “Người tiêu dùng có quyền lựa chọn sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quyền kinh doanh theo nhu cầu, điều kiện thực tế của mình, quyết định tham gia hoặc không tham gia giao dịch, có nghĩa vụ kiểm tra sản phẩm, hàng hóa trước khi giao, nhận theo quy định pháp luật; lựa chọn tiêu dùng sản phẩm, hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng…”. Với những quy định cụ thể như vậy, nếu người tiêu dùng thực hiện tốt những quy định này thì cũng là một cách để tự mình bảo vệ quyền lợi của mình.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ tăng cường hoạt động tuyên truyền, phổ biến thông tin cho người tiêu dùng, như là tổ chức các cuộc thi để thông qua đó phổ biến chính sách, quy định pháp luật. Trong đó, chú trọng tập trung chủ yếu vào đối tượng là học sinh, sinh viên, người lao động và những người thuộc nhóm yếu thế… để các đối tượng này được tập huấn nhằm nâng cao nhận thức, trở thành những người tiêu dùng thông thái trên môi trường thương mại điện tử.

Ngoài ra, Bộ cũng sẽ xây dựng các chương trình, đề án hỗ trợ người tiêu dùng, như là xây dựng cơ sở dữ liệu tiếp nhận thông tin và xử lý vấn đề người tiêu dùng phản ánh; phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan xem xét, xử lý khi phát hiện những vi phạm liên quan đến quyền lợi của người tiêu dùng...

"Tựu chung lại, bằng các biện pháp trên, cơ quan quản lý nhà nước sẽ nỗ lực hỗ trợ người tiêu dùng nhận diện nguy cơ, phòng tránh từ xa, giảm thiểu rủi ro và ngày càng trở nên thông thái hơn trên môi trường thương mại điện tử" - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh./.

Cùng chuyên mục
Tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử