Là năm thứ ba liên tiếp được Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) cùng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) phối hợp triển khai, với sự hỗ trợ của Tổ chức Oxfam và Viện Konrad Adenauer tại Việt Nam, trong khuôn khổ Dự án “Thúc đẩy công khai, minh bạch và sự tham gia của người dân vào quản lý ngân sách nhà nước”, POBI bao gồm hai trụ cột: Minh bạch công khai ngân sách và Sự tham gia. Có 75 câu hỏi chấm điểm về minh bạch với 10 loại tài liệu, trong đó có 7 tài liệu được quy định trong bắt buộc phải công khai theo Luật NSNN 2015. POBI 2019 lần đầu tiên chấm điểm về độ tin cậy của lập dự toán ngân sách khi so sánh với báo cáo quyết toán tương ứng.
Kết quả khảo sát POBI 2019 cho thấy, chỉ số trung bình về công khai ngân sách tỉnh đạt 65,55/100 điểm quy đổi xếp hạng, cao hơn so với chỉ số trung bình đối với POBI 2018 là 51 điểm và POBI 2017 là 30,5 điểm; có 24 tỉnh (tăng 4 lần so với năm 2018) công khai đầy đủ thông tin về NSNN (tương ứng với nhóm A - điểm xếp hạng từ 75 - 100).
POBI 2019 tiếp tục cho thấy sự khác biệt giữa mức độ công khai ngân sách tỉnh của 7 vùng kinh tế, cụ thể: vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và vùng Đông Nam Bộ là 2 vùng có điểm xếp hạng POBI trung bình cao nhất, lần lượt là 77,16 và 73,81 điểm; vùng Bắc Trung Bộ có số điểm trung bình thấp nhất, chỉ đạt 52,62 điểm.
Mức độ công khai dự thảo dự toán ngân sách năm 2020 trình HĐND tỉnh là 54 tỉnh, so với 47 tỉnh trong POBI 2018. Số tỉnh công bố đúng hạn tăng từ 29 tỉnh (46%) lên 36 tỉnh (57,14%).
Bên cạnh đó, chỉ có 42/63 tỉnh, thành phố (tương đương 66,67%) có công bố công khai Báo cáo tình hình thực hiện ngân sách tỉnh năm 2019; dù số tỉnh công bố đúng hạn tăng lên 28 tỉnh (44,44% so với 23,8% trong POBI 2018).
Mức độ đầy đủ của các tài liệu ngân sách đã được cải thiện đáng kể trong POBI 2018 và tiếp tục cải thiện trong POBI 2019.
Báo cáo dự thảo dự toán ngân sách năm 2020 trình HĐND tỉnh là báo cáo ít được công khai kèm đầy đủ bảng biểu nhất (chỉ có 18 tỉnh công khai đủ 13 biểu mẫu, tương đương với 28,57%). Còn Báo cáo dự toán ngân sách năm 2020 đã được HĐND quyết định chỉ được 27/63 tỉnh công khai đủ 13 biểu mẫu.
Danh mục dự án đầu tư công là tài liệu được các tỉnh công khai tương đối đầy đủ với 50 tỉnh công khai (tương đương với 79,37%). Có 31 tỉnh (49,21%) công bố công khai Báo cáo tình hình nợ công của tỉnh trong năm 2019.
Tổng điểm cho các tài liệu khuyến khích công khai trong POBI 2019 là 200 điểm, tương đương 100 điểm quy đổi. Vĩnh Long, Thanh Hóa, Lào Cai và Quảng Bình đạt điểm số tối đa. 61/63 tỉnh, thành phố đã có thư mục công khai ngân sách trên cổng thông tin điện tử của Sở Tài chính tỉnh.
Về tính dễ tiếp cận, có 58 tỉnh phân chia cụ thể thư mục riêng về công khai ngân sách theo tài liệu hoặc theo năm và có nội dung cập nhật. Tính thuận tiện của các tài liệu được công khai trong khảo sát POBI 2019 cũng được cải thiện tích cực so với POBI 2018. Tỷ lệ tài liệu công bố với định dạng file scan hoặc PDF không thể chuyển đổi sang định dạng excel và word giảm từ 73,9% năm 2018 xuống còn 28,67% trong năm 2019.
Đối với trụ cột về sự tham gia của người dân, nhìn chung các tỉnh ít tạo điều kiện để người dân tham gia vào quy trình ngân sách. Số điểm quy đổi trung bình của 63 tỉnh, thành phố là 38,01 điểm. Tỉnh Vĩnh Long đạt điểm số cao nhất với 90 điểm. Phú Yên và Thái Bình là 2 tỉnh có số điểm bằng nhau và là các tỉnh có số điểm thấp nhất cả nước (10 điểm).
Việt Nam đang thực hiện các tiến bộ để cải cách tài chính công, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách của Chính phủ. Tăng cường tính minh bạch và công khai về ngân sách là một trong những nội dung quan trọng của lần cải cách này. Sự cải thiện đáng kể của chỉ số POBI 2019 so với những năm trước đó về loại tài liệu, nội dung, thời hạn và phương tiện để công khai tài liệu ngân sách… cho thấy các địa phương nâng cao ý thức trong công khai ngân sách. Tuy nhiên, các tỉnh, thành phố hoàn toàn có khả năng tiếp tục cải thiện được mức độ công khai ngân sách với tinh thần chủ động, trách nhiệm hơn, nhằm bảo đảm hiệu quả ngân sách, đồng thời có cơ chế cho người dân tham gia trong quá trình ngân sách thông qua việc hiểu và tiếp cận tài liệu về ngân sách kịp thời, đầy đủ.
TS. NGUYỄN MINH PHONG
Chuyên gia Kinh tế