Nhận diện kinh tế Việt Nam nửa đầu năm 2020

(BKTO) - Số liệu kinh tế nửa đầu năm 2020 do Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố cho thấy thực tế đáng lo ngại và triển vọng cả năm 2020 sẽ rất khó khăn. Nhận diện chính xác nền kinh tế, cả hiện tại và tương lai gần không dễ dàng song không thể không nhìn thẳng vào sự thật để vượt qua thách thức chưa có tiền lệ này.



Mặc dù được quốc tế công nhận là một trong số rất ít quốc gia sớm kiểm soát thành công đại dịch Covid-19 song dấu hiệu tăng trưởng khựng lại ngày càng bộc lộ rõ rệt.
Thứ nhất, tốc độ tăng trưởng kinh tế sụt giảm mạnh với GDP quý II/2020 chỉ tăng 0,36% so với cùng kỳ năm trước - mức tăng thấp nhất kể từ khi công bố GDP theo quý. GDP theo quý bắt đầu rơi từ quý I/2020 xuống chỉ còn hơn mức đáy 3,14% thiết lập hồi quý I/2009 do tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu. GDP quý II/2020 không những không phục hồi mạnh như năm 2009 mà còn rơi thẳng đứng về sát ngưỡng suy thoái. Giả định đáy tăng trưởng đã tạo lập vào quý II/2020 thì khả năng phục hồi hình chữ V không dễ xảy ra do diễn biến dịch bệnh toàn cầu có thể còn kéo dài và hầu hết đối tác kinh tế thương mại lớn của Việt Nam hoặc chưa bỏ phong tỏa hoặc quay lại phong tỏa. Nếu tăng trưởng GDP quý II/2020 chưa phải là đáy thì khả năng tăng trưởng kinh tế dương cả năm 2020 cũng rất khó khăn.
Thứ hai, tăng trưởng khựng lại thể hiện rõ rệt cả từ phía cung lẫn phía cầu khi quý II/2020, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,72% còn khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 1,38%, song khu vực dịch vụ giảm 1,76% (khu vực này chiếm 42% GDP) bên cạnh tiêu dùng cuối cùng tăng 0,04% và tích lũy tài sản tăng 2,3%, nhưng xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ lại giảm 8,45% cùng nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 9,67%.
Thứ ba, suy giảm tăng trưởng kinh tế lại song hành với lo ngại thiếu căn cứ về nguy cơ lạm phát có xu hướng cao trở lại trong khi cả chính sách tiền tệ lẫn chính sách tài khóa đều có xu hướng thu hẹp rõ rệt. Tính đến ngày 19/6/2020, tổng phương tiện thanh toán tăng 4,59% so với cuối năm 2019 (cùng thời điểm năm 2019 tăng 6,05%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 4,35% (cùng thời điểm năm 2019 tăng 6,09%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 2,45% (cùng thời điểm năm 2019 tăng 6,22%). Đến ngày 15/6/2020, tổng thu NSNN ước đạt 607.100 tỷ đồng, bằng 40,1% dự toán năm, tổng chi NSNN đạt 676.200 tỷ đồng, bằng 38,7% dự toán năm, trong đó, chi đầu tư phát triển 140.300 tỷ đồng.
Lạm phát thực tế đang có xu hướng giảm dần với CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2020 tăng 4,19% so với bình quân cùng kỳ năm 2019, song CPI tháng 6/2020 đã giảm 0,59% so với tháng 12/2019 và chỉ tăng 3,17% so với cùng kỳ năm trước. Hơn nữa, lạm phát cơ bản tháng 6/2020 tăng 0,07% so với tháng trước và tăng 2,45% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm 2020 tăng 2,81% so với bình quân cùng kỳ năm 2019. Rõ ràng, lạm phát không phải là vấn đề của 6 tháng đầu năm 2020 cũng như cả năm 2020 nên cảnh báo bất ổn vĩ mô và lạm phát tăng cao không chỉ chưa phản ánh đúng thực tế mà còn cản trở các biện pháp kích thích phục hồi tăng trưởng kinh tế trong điều kiện dịch bệnh có thể còn kéo dài sang đến năm 2021.
Thứ tư, mặc dù đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công được chọn như một giải pháp kích thích tăng trưởng năm 2020 song tiến độ vẫn rất chậm. Vốn đầu tư từ NSNN thực hiện 6 tháng mới đạt 154.400 tỷ đồng, tuy tăng 19,2% so với cùng kỳ năm trước song cũng chỉ bằng 33,1% kế hoạch năm, trong đó, vốn T.Ư quản lý đạt 31,1% kế hoạch năm (tăng 48,8%) còn vốn địa phương quản lý bằng 33,5% (tăng 15%). Một trong những giải pháp quyết định đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chính là thực hiện quy trình thủ tục rút gọn, tinh giản đồng thời gắn chặt quyền và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan. Theo đó, KTNN cần phát huy hơn nữa vai trò là công cụ quan trọng hạn chế đến mức thấp nhất thất thoát, tham nhũng, lãng phí, đảm bảo hiệu quả của mỗi dự án đầu tư công thông qua điều chỉnh hoạt động kiểm toán nhà nước phù hợp với quy trình rút gọn, đồng thời vừa góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vừa không hy sinh hiệu quả của đầu tư công.
Tóm lại, nhận diện đúng thực trạng kinh tế nửa đầu năm 2020 có ý nghĩa rất quan trọng để vượt qua thách thức chưa từng có tiền lệ do dịch bệnh gây ra. Muốn đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo tăng trưởng trong bối cảnh dịch bệnh có thể còn tiếp tục hoành hành trên thế giới, thì cần tránh cả tô hồng thực tại lẫn cảnh báo thiếu căn cứ, đồng thời cần chủ động và đồng bộ trong các quyết sách.

TS. VŨ ĐÌNH ÁNH
Chuyên gia Kinh tế
Cùng chuyên mục
  • Rút ngắn thời gian là tăng hiệu quả
    4 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Báo cáo đầu tiên trong chuỗi báo cáo thường niên về “Đánh giá mức độ hài lòng của doanh nghiệp và thời gian thực hiện thủ tục hành chính qua Cơ chế một cửa quốc gia” vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp Tổng cục Hải quan - Bộ Tài chính và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam công bố ngày 22/6.
  • Thực hiện 3 “công”  trong thu hút vốn FDI
    4 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Doanh nghiệp FDI chiếm vị trí áp đảo về đóng góp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) với tỷ trọng lên tới 60 - 70% từ năm 2003 đến 2015. Giai đoạn 2003-2013, phần lớn thuế TNDN do DN FDI đóng góp từ dầu thô với tỷ trọng lên tới trên 90% vào năm 2003 và trên 70% trong những năm còn lại, ngoại trừ năm 2010 và 2013 giảm xuống còn hơn 60%.
  • Thu hút FDI dưới góc nhìn kiểm toán
    4 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Thực tiễn kiểm toán của KTNN khu vực XIII trên địa bàn 4 tỉnh: Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Phước, Bình Thuậ̣n những năm qua cho thấy, FDI đã tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh này. Tuy nhiên, hoạt động thu hút FDI của các địa phương nói chung vẫn còn những hạn chế, bất cập, chưa theo kịp yêu cầu phát triển.
  • Động lực tài chính mới cho Thủ đô
    4 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với TP. Hà Nội đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 45 vào sáng 01/6 và được thảo luận tại Quốc hội ngày 09/6… Khi được thông qua, Dự thảo được kỳ vọng tạo động lực tài chính mới cho phát triển Thủ đô.
  • Phát triển kinh tế ban đêm
    4 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Kinh tế ban đêm (Night Time Economy - NTE) được hiểu là các hoạt động kinh doanh dịch vụ từ 18h hôm trước đến 6h sáng hôm sau, bao gồm: ẩm thực, nghệ thuật, âm nhạc, các chương trình giải trí, lễ hội, sự kiện, các điểm du lịch chỉ mở cửa vào ban đêm.
Nhận diện kinh tế Việt Nam nửa đầu năm 2020