Tăng cường công tác bảo vệ bí mật nhà nước trong các hoạt động của Kiểm toán Nhà nước

(BKTO)- Ngày 01/11, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đã có Công điện gửi tới Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc về việc tăng cường công tác bảo vệ bí mật nhà nước trong các hoạt động của KTNN.



Công điện nêu rõ, KTNN đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện các quy định của Nhà nước và của Ngành về công tác bảo vệ bí mật nhà nước, góp phần hoàn thành tốt các nhiệm vụ công tác được giao.

Để nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân trong toàn Ngành về bí mật nhà nước, hoạt động bảo vệ bí mật nhà nước trong các hoạt động của KTNN, Tổng Kiểm toán Nhà nước yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc nghiêm túc thực hiện các nội dung của Công điện.

Theo đó, Thủ trưởng các đơn vị tiếp tục quán triệt đến từng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong đơn vị chấp hành, thực hiện đúng Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, các văn bản hướng dẫn và các chỉ đạo của Tổng Kiểm toán Nhà nước như: Quy chế bảo vệ bí mật nhà nước của KTNN ban hành kèm theo Quyết định số 876/2006/QĐ-KTNN ngày 22/11/2006; Công văn số 851/KTNN-VP ngày 04/6/2012 về việc hướng dẫn công tác bảo vệ bí mật nhà nước; Quy chế quản lý, sử dụng hệ thống mạng KTNN kèm theo Quyết định số 1173/QĐ-KTNN ngày 27/7/2015 nhằm đảm bảo an ninh, an toàn thông tin trong môi trường công nghệ thông tin; Công điện số 629/KTNN-CĐ ngày 02/6/2016 của Tổng KTNN về việc tăng cường kiểm soát thông tin, kết quả kiểm toán; Quyết định số 1562/QĐ-KTNN ngày 08/9/2016 của Tổng KTNN quy định về công khai kết quả kiểm toán, kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN...
                
   

Cần chấp hành, thực hiện đúng Luật Bảo vệ bí mật nhà nước (Ảnh minh họa)- Nguồn: NXBST

   
Thủ trưởng các đơn vị cũng phải tăng cường công tác rà soát, kiểm tra, phát hiện, chấn chỉnh công tác bảo vệ bí mật nhà nước. Trong đó, cần tập trung vào một số nội dung trọng tâm như: Dự thảo Báo cáo kiểm toán, Biên bản kiểm toán và các tài liệu, hồ sơ kiểm toán khi chưa được ký phát hành là tài liệu “Mật” không được tiết lộ; việc thông tin hoặc cung cấp các tài liệu này phải được thực hiện theo đúng trình tự và thẩm quyền theo quy định của pháp luật; các tài liệu, dự thảo Báo cáo kiểm toán trước khi phát hành chính thức đều phải đóng dấu “MẬT” (hoặc ghi chèn chữ “MẬT”) trên từng trang để tránh việc sao chép, lọt lộ thông tin. Thực hiện công tác bảo vệ bí mật nhà nước trong soạn thảo, thống kê, in, sao, chụp, phổ biến, vận chuyển, giao nhận, truyền đưa tài liệu có nội dung bí mật nhà nước; lưu giữ, bảo quản, khai thác, sử dụng tài liệu, vật mang bí mật nhà nước. Đồng thời, thực hiện quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của KTNN, kiểm duyệt đăng tải tin, bài trên Cổng thông tin điện tử, tạp chí, báo và các phương tiện truyền thông khác. Quản lý và sử dụng con dấu độ “Mật” theo quy định.

Tổng Kiểm toán Nhà nước nghiêm cấm các cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của KTNN có các hành vi: Làm lộ, sai lệch, hư hỏng, mất tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước; mang tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước ra khỏi nơi lưu giữ trái pháp luật; Thu thập, trao đổi, cung cấp, chuyển giao bí mật nhà nước không đúng quy định; sao, chụp, lưu giữ, vận chuyển, giao, nhận, thu hồi, tiêu hủy tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước không đúng thẩm quyền, trái pháp luật; Lợi dụng, lạm dụng việc bảo vệ bí mật nhà nước, sử dụng bí mật nhà nước để thực hiện, che giấu hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp hoặc cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân; Soạn thảo, lưu giữ tài liệu có chứa nội dung bí mật nhà nước trên máy tính hoặc thiết bị khác đã kết nối hoặc đang kết nối với mạng Internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, trừ trường hợp lưu giữ bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật về cơ yếu, truyền đưa bí mật nhà nước trên phương tiện thông tin, viễn thông trái với quy định của pháp luật, đăng tải, phát tán bí mật nhà nước trên phương tiện thông tin đại chúng, mạng Internet, mạng máy tính và mạng viễn thông; Chuyển mục đích sử dụng máy tính, thiết bị khác đã dùng để soạn thảo, lưu giữ, trao đổi bí mật nhà nước khi chưa loại bỏ bí mật nhà nước; Sử dụng thiết bị có tính năng thu, phát tín hiệu, ghi âm, ghi hình trong hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước dưới mọi hình thức khi chưa được người có thẩm quyền cho phép.
                
   

Không được làm lộ bí mật nhà nước trên môi trường mạng (Ảnh minh họa)- Nguồn: AP

   
Trong Công điện, Tổng Kiểm toán Nhà nước giao Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành; tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về bảo vệ bí mật nhà nước để sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản của KTNN đảm bảo phù hợp với Luật Bảo vệ bí mật nhà nước.

Đồng thời, Tổng Kiểm toán Nhà nước giao Trung tâm Tin học chủ trì, chủ động phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện tốt các phương án bảo mật cơ sở dữ liệu KTNN, bảo vệ bí mật nhà nước đối với việc vận hành hệ thống công nghệ thông tin, các trang tin điện tử, các phần mềm ứng dụng trong toàn Ngành, đặc biệt là việc gửi và nhận e-mail, Nhật ký công tác, Nhật ký kiểm toán của kiểm toán viên và các tài liệu liên quan đến hoạt động kiểm toán.

H.THOAN
Cùng chuyên mục
  • Tăng cường phối hợp giữa cơ quan KTNN với các bên liên quan
    5 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Ngày 31/10, tại Hà Nội, KTNN phối hợp với Dự án EU-PFMO của Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam và Dự án Expertise France tổ chức Hội thảo Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế tăng cường phối hợp với các bên liên quan. Đây là Hội thảo cuối cùng trong chuỗi 3 hội thảo của Kế hoạch hành động năm 2019 của Dự án EU-PFMO - Hợp phần 1.
  • Kiểm toán dữ liệu lớn - đặc điểm và xu hướng
    5 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Năm 2016, Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI) đã thành lập Nhóm công tác về Dữ liệu lớn với mục tiêu giúp các cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) xác định cơ hội, thách thức cũng như nâng cao năng lực kiểm toán dữ liệu lớn. Kiểm toán dữ liệu lớn không chỉ mang lại thay đổi về kỹ thuật, mà còn là lựa chọn chiến lược cho sự phát triển của các SAI trong tương lai và trong kỷ nguyên số.
  • Liberia: GAC khuyến nghị Cơ quan Xổ số quốc gia thắt chặt quản lý, giám sát
    5 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Vừa qua, Ủy ban Kiểm toán nhà nước Liberia (GAC) đã tiến hành kiểm tra hoạt động của Cơ quan Xổ số quốc gia (NLA) và một số công ty, DN do cơ quan này chịu trách nhiệm quản lý, qua đó chỉ ra một loạt thiếu sót, cũng như đưa ra các khuyến nghị khắc phục.
  • EU và KTNN chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về cải thiện chất lượng báo cáo kiểm toán
    5 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Ngày 29/10/2019, tại Hà Nội, KTNN phối hợp với Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về cải thiện chất lượng báo cáo kiểm toán. Hội thảo diễn ra trong khuôn khổ Dự án hỗ trợ tăng cường năng lực cho KTNN Việt Nam thuộc Chương trình Hiện đại hóa tài chính công tại Việt Nam của Liên minh châu Âu (EU-PFMO).
  • Kiểm toán Nhà nước Việt Nam tham dự Đại hội ASEANSAI lần thứ 5
    5 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Nhận lời mời của Tổng Kiểm toán Nhà nước Malaysia, Đoàn đại biểu của KTNN Việt Nam do Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Họa dẫn đầu sẽ tham dự Đại hội Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao Đông Nam Á (ASEANSAI) lần thứ 5 được tổ chức tại Kuala Lumpur, Malaysia, từ ngày 04 - 07/11.
Tăng cường công tác bảo vệ bí mật nhà nước trong các hoạt động của Kiểm toán Nhà nước