Kiểm toán dữ liệu lớn - đặc điểm và xu hướng

(BKTO) - Năm 2016, Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI) đã thành lập Nhóm công tác về Dữ liệu lớn với mục tiêu giúp các cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) xác định cơ hội, thách thức cũng như nâng cao năng lực kiểm toán dữ liệu lớn. Kiểm toán dữ liệu lớn không chỉ mang lại thay đổi về kỹ thuật, mà còn là lựa chọn chiến lược cho sự phát triển của các SAI trong tương lai và trong kỷ nguyên số.




Cần nắm bắt cơ hội, xây dựng chiến lược để rút ngắn khoảng cách chênh lệch về công nghệ trong lĩnh vực kiểm toán. Ảnh: Lê Hòa

Sự bùng nổ của công nghệ thông tin (CNTT) với những đột phá về công nghệ số như: trí tuệ nhân tạo (AI), Internet kết nối vạn vật (IoT), phân tích dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây (cloud computing) và Block chain... đã được thế giới coi là cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0. Điều này đã và đang có tác động lớn đến các quốc gia trên phạm vi toàn cầu. Những thay đổi mang tính cách mạng về khoa học và sự đột phá của công nghệ số đã đòi hỏi mỗi nước cũng như hệ thống quản lý của các ngành, lĩnh vực trong đó có KTNN phải thay đổi mạnh mẽ cơ cấu, mô hình kinh tế - xã hội, đó là: Yêu cầu đổi mới công nghệ; đẩy mạnh khoa học phân tích và quản lý, xử lý dữ liệu lớn để tạo ra tri thức mới, hỗ trợ việc đưa ra các quyết định hay yêu cầu cao hơn về bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng…

Nắm bắt và nhận thức được ảnh hưởng của cuộc CMCN 4.0, đặc biệt là IoT, AI và Big Data, các SAI trên thế giới, như: Anh, Mỹ, Canada, Mexico, Scotland, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc và Thái Lan... đã tích cực triển khai ứng dụng CNTT vào hoạt động của đơn vị, tổ chức và coi CNTT như một công cụ hỗ trợ đắc lực cho sự phát triển. Bên cạnh đó, các tổ chức này cũng đang xây dựng kế hoạch, chiến lược hoặc các chương trình/dự án cụ thể theo hướng ưu tiên đầu tư về kỹ thuật như áp dụng công nghệ số tiên tiến vào hoạt động kiểm toán nhằm giúp hoạt động này có chất lượng cao hơn, sâu sắc hơn và toàn diện hơn.

Năm 2016, INTOSAI đã thành lập Nhóm công tác về Dữ liệu lớn với mục tiêu giúp các SAI xác định cơ hội, thách thức cũng như nâng cao năng lực kiểm toán dữ liệu lớn. Theo báo cáo của Nhóm công tác này, đặc điểm của việc kiểm toán dữ liệu lớn được miêu tả bằng 5 chữ Đ - Đa nguồn, Đa khía cạnh, Đa quan hệ, Đa kỹ thuật và Đa chế độ.

Cụ thể, đa nguồn trong kiểm toán dữ liệu lớn nghĩa là việc thu thập các dữ liệu về tài chính, về hoạt động và quản lý... được thực hiện từ nhiều đơn vị được kiểm toán và từ nguồn dữ liệu mở trên mạng internet.

Đa khía cạnh khi kiểm toán dữ liệu lớn sẽ đưa ra nhiều quan điểm. Theo đó, việc này không chỉ phân tích cơ chế thể chế, rủi ro tiềm ẩn, hiệu quả chính sách… mà còn có thể mô tả toàn bộ quy trình thực hiện chính sách, vấn đề sử dụng quỹ và việc thực hiện quyền hạn của đơn vị được kiểm toán một cách sinh động.

Đa quan hệ ở đây được hiểu là kiểm toán dữ liệu lớn liên quan tới các phòng ban khác nhau, các lĩnh vực khác nhau, các hệ thống khác nhau, các cấp độ khác nhau và các khu vực khác nhau. Những nguồn dữ liệu này có mối quan hệ tương quan, qua đó giúp nhìn nhận tình huống thực tế tốt hơn và giải quyết vấn đề bất đối xứng thông tin.

Đa kỹ thuật khi kiểm toán dữ liệu lớn đòi hỏi quá trình thu thập, lưu trữ, quản lý dữ liệu cũng như khi tìm kiếm và phân tích dữ liệu phải sử dụng hàng loạt kỹ thuật và phương pháp mới.

Đa chế độ trong kiểm toán dữ liệu lớn được hiểu là vừa kiểm toán tại hiện trường, ngoài hiện trường hoặc kết hợp cả hai. Đặc biệt, kiểm toán viên có thể sử dụng linh hoạt các phương pháp tiếp cận như: thu thập dữ liệu, kiểm toán từ xa, kiểm toán mạng lưới...

Như vậy có thể thấy rằng, kiểm toán dữ liệu lớn không chỉ là sự thay đổi về kỹ thuật, mà còn là lựa chọn chiến lược cho sự phát triển của các SAI trong tương lai và trong kỷ nguyên số. Ngoài ra, các tổ chức kiểm toán quốc tế, đứng đầu là Big Four cũng đang tích cực đầu tư vào công nghệ 4.0, thậm chí coi việc đưa Big Data và AI vào hỗ trợ các hoạt động kiểm toán như giải pháp chính trong thời kỳ chuyển đổi số. Đến nay, các công ty này đã cung cấp nhiều dịch vụ tài chính và tư vấn về đầu tư liên quan đến việc tìm kiếm các mẫu trong các tập dữ liệu rất lớn do dữ liệu này thường vượt quá sự hiểu biết của một người hoặc nhóm người, thậm chí rất phức tạp và thường không có định dạng...

Từ kinh nghiệm quốc tế nêu trên cho thấy, KTNN Việt Nam cần nắm bắt cơ hội, xây dựng chiến lược, giải pháp thiết thực để rút ngắn khoảng cách chênh lệch về công nghệ và phát triển theo hướng kiểm toán dữ liệu lớn và kiểm toán số.

ThS. NGUYỄN HUY HOÀNG
Phó Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán
Theo Báo Kiểm toán số 44 ra ngày 31-10-2019
Cùng chuyên mục
  • Liberia: GAC khuyến nghị Cơ quan Xổ số quốc gia thắt chặt quản lý, giám sát
    5 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Vừa qua, Ủy ban Kiểm toán nhà nước Liberia (GAC) đã tiến hành kiểm tra hoạt động của Cơ quan Xổ số quốc gia (NLA) và một số công ty, DN do cơ quan này chịu trách nhiệm quản lý, qua đó chỉ ra một loạt thiếu sót, cũng như đưa ra các khuyến nghị khắc phục.
  • EU và KTNN chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về cải thiện chất lượng báo cáo kiểm toán
    5 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Ngày 29/10/2019, tại Hà Nội, KTNN phối hợp với Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về cải thiện chất lượng báo cáo kiểm toán. Hội thảo diễn ra trong khuôn khổ Dự án hỗ trợ tăng cường năng lực cho KTNN Việt Nam thuộc Chương trình Hiện đại hóa tài chính công tại Việt Nam của Liên minh châu Âu (EU-PFMO).
  • Kiểm toán Nhà nước Việt Nam tham dự Đại hội ASEANSAI lần thứ 5
    5 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Nhận lời mời của Tổng Kiểm toán Nhà nước Malaysia, Đoàn đại biểu của KTNN Việt Nam do Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Họa dẫn đầu sẽ tham dự Đại hội Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao Đông Nam Á (ASEANSAI) lần thứ 5 được tổ chức tại Kuala Lumpur, Malaysia, từ ngày 04 - 07/11.
  • Chưa phát huy hết hiệu quả chính sách ưu đãi đầu tư tại các khu kinh tế ven biển
    5 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Qua kiểm toán Chuyên đề Đánh giá hiệu quả của các chính sách ưu đãi đầu tư tại các khu kinh tế (KKT) ven biển năm 2018, KTNN cho rằng, các KKT ven biển được kiểm toán (Đình Vũ - Cát Hải, Chu Lai, Nhơn Hội, Vân Đồn, Định An, Chân Mây - Lăng Cô, Vũng Áng, Đông Nam Nghệ An, Dung Quất, Nam Phú Yên, Nghi Sơn, Năm Căn, Vân Phong) đã góp phần thúc đẩy, mang lại hiệu quả cao cho phát triển kinh tế - xã hội trong và ngoài KKT. Tuy nhiên, quá trình thực hiện đầu tư tại các KKT còn nhiều bất cập, hạn chế dẫn tới chưa phát huy hết hiệu quả của các chính sách ưu đãi đầu tư.
  • Đổi mới mạnh mẽ, toàn diện hoạt động kiểm toán bằng giải pháp đột phá, sáng tạo
    5 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Báo cáo công tác năm 2019 của KTNN vừa được gửi đến các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 nêu rõ: Với nhiều giải pháp đột phá, sáng tạo, cùng sự nỗ lực, quyết tâm cao của toàn Ngành, KTNN đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ, mục tiêu thực hiện kế hoạch kiểm toán năm 2019; chất lượng kiểm toán tiếp tục được nâng lên với nhiều phát hiện kiểm toán quan trọng, góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.
Kiểm toán dữ liệu lớn - đặc điểm và xu hướng