Tăng cường hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo

(BKTO)- Đây là nhấn mạnh của Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng tại Hội nghị sơ kết giữa kỳ Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 do UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức.

5.jpg
UBND tỉnh Thanh Hóa tặng bằng khen cho các tập thể xuất sắc thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Ảnh: thanhhoa.gov.vn

Theo Báo cáo sơ kết kết quả thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, tổng kinh phí sự nghiệp nguồn ngân sách Trung ương đã phân bổ cho tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2023 là hơn 685 tỷ đồng. Dự kiến năm 2024 và 2025 được Trung ương phân bổ hơn 1.302 tỷ đồng cho tỉnh.

Trong đó, năm 2021 gần 37,5 tỷ đồng; năm 2022 gần 133 tỷ đồng; năm 2023 là 514,7 tỷ đồng. HĐND, UBND tỉnh đã giao 100% kinh phí sự nghiệp Trung ương phân bổ cho các đơn vị, địa phương để tổ chức thực hiện.

Tính đến ngày 30/9/2023, kết quả giải ngân vốn đầu tư phát triển được Trung ương phân bổ năm 2022 và năm 2023 lũy kế đạt 43,4% so với kế hoạch vốn (khoảng 410 tỷ đồng/945 tỷ đồng). Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững của tỉnh cao hơn tỷ lệ giải ngân Chương trình của cả nước (cả nước đạt 36,46%).

Kết quả giải ngân vốn sự nghiệp được Trung ương phân bổ năm 2021 đến năm 2023 lũy kế đến ngày 25/9/2023 đạt 20,17% (khoảng 138 tỷ đồng/685 tỷ đồng). Trong đó, năm 2021 giải ngân gần 37,5 tỷ đồng; năm 2022 đạt 52,1 tỷ đồng; năm 2023 giải ngân hơn 48,6 tỷ đồng...

Các dự án sử dụng vốn đầu tư công đã được phê duyệt và giải ngân đảm bảo tiến độ. Một số dự án, tiểu dự án sử dụng vốn sự nghiệp đã được triển khai thực hiện hỗ trợ đến người nghèo, cận nghèo, người mới thoát nghèo. Cấp ủy, chính quyền các địa phương đã lồng ghép các hoạt động của Chương trình vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương,  qua đó góp phần đạt mục tiêu giảm 1,79% tỷ lệ hộ nghèo năm 2022 (kế hoạch đề ra 1,5%/năm).

Theo Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng, giảm nghèo là chủ trương lớn và nhất quán của Đảng và Nhà nước ta nhằm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người nghèo, thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển giữa các vùng, địa bàn và giữa các dân tộc, nhóm dân cư. 

Trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình MTQG tỉnh cần quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh việc tổ chức thực hiện các nội dung, hoạt động của Chương trình, nhất là những nội dung có tính chất hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo, người cận nghèo, người mới thoát nghèo. 

Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chỉ đạo, điều hành của chính quyền, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác giảm nghèo; đẩy mạnh thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp giảm nghèo nhanh và bền vững theo chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy và các kế hoạch, chỉ tiêu giảm nghèo, chỉ tiêu tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản để thực hiện thành công Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, người nghèo và toàn xã hội đối với công tác giảm nghèo; thông tin kịp thời, đầy đủ các chủ trương, chính sách của Trung ương, các cơ chế, chính sách của Tỉnh, nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và Nhân dân về thực hiện Chương trình; động viên, khích lệ, khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo, xóa bỏ tâm lý tự ti, cam chịu, tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước và cộng đồng xã hội; đấu tranh với những biểu hiện không muốn thoát nghèo để được hưởng trợ cấp của Nhà nước.

Phát huy vai trò các già làng, trưởng bản, trưởng họ và những người có uy tín trong cộng đồng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nâng cao trách nhiệm và phát huy vai trò của các lực lượng tại cơ sở, trước hết là Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, lực lượng biên phòng, công an, quân sự, giáo viên... trong công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, giúp đỡ người nghèo, hộ nghèo chủ động vươn lên thoát nghèo.

Tập trung giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất, nước sinh hoạt, tăng cường khả năng tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo. Triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người nghèo; phát huy nguồn lực và đóng góp của người dân trong thực hiện các dự án phát triển sản xuất, chú trọng xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết, gắn phát triển sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất nhằm thay đổi tập quán canh tác, nâng cao trình độ thâm canh, tăng vụ, tăng năng suất, chất lượng các sản phẩm nông nghiệp, xem đây là giải pháp trọng tâm để giảm nghèo nhanh và bền vững.

Cùng với đó, đẩy mạnh thực hiện sâu rộng, có hiệu quả phong trào "Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau"; kịp thời phát hiện, tôn vinh, khen thưởng, động viên những tổ chức, cá nhân có nhiều thành tích, đóng góp cho công tác giảm nghèo và những gương sáng thoát nghèo điển hình, tiêu biểu trong cộng đồng.

Phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc triển khai thực hiện các phong trào, cuộc vận động, nhất là cuộc vận động "Ngày vì người nghèo", "Tháng hành động vì người nghèo",... tạo khí thế thi đua sôi nổi trong toàn xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo của tỉnh.

Cùng chuyên mục
Tăng cường hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo