Tăng cường kiểm toán, giám sát việc quản lý, sử dụng tài sản, tài chính công đoàn

(BKTO) - Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) bổ sung nhiều quy định nhằm hoàn thiện cơ chế tài chính công đoàn trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và sự ra đời của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp ngoài hệ thống Công đoàn Việt Nam.

Chiều 3/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra về Dự án Luật Công đoàn (sửa đổi).

202406031454570958_z5503050191348_a71e9c929b20edcb7ca7bdc53caf7be0.jpg
Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: VPQH

Bổ sung quy định về công khai tài chính công đoàn

Trình bày tóm tắt Tờ trình Dự án Luật tại Phiên họp, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết, trên cơ sở các chủ trương, đường lối của Đảng và từ thực tiễn tổng kết thi hành Luật Công đoàn 2012, Dự thảo Luật mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với “người làm việc không có quan hệ lao động trên lãnh thổ Việt Nam” để bảo vệ nhóm yếu thế này, đồng thời bổ sung vấn đề gia nhập của “tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp” vào tổ chức Công đoàn Việt Nam; mối quan hệ phối hợp hoạt động và vấn đề chia sẻ kinh phí công đoàn với tổ chức này.

Ngoài đối tượng theo Luật Công đoàn năm 2012, Dự thảo Luật bổ sung thêm đối tượng áp dụng là tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp (đối với việc gia nhập vào Công đoàn Việt Nam).

Dự thảo Luật sẽ trao quyền chủ động hơn cho tổ chức Công đoàn trong công tác cán bộ (Điều 26) theo hướng: Cơ quan có thẩm quyền quyết định số lượng cán bộ công đoàn chuyên trách là cán bộ, công chức, viên chức sau khi thống nhất với Tổng LĐLĐ Việt Nam; đồng thời cho phép “Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quyết định số lượng cán bộ công đoàn chuyên trách là người làm việc theo hợp đồng lao động trong các cơ quan chuyên trách của công đoàn và công đoàn cơ sở phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ”.

202406031432438882_z5502998615730_72b69f03cf2214a3d571c83971425062.jpg
Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang trình bày Tờ trình Dự án Luật Công đoàn (sửa đổi). Ảnh: VPQH

Nhằm hoàn thiện cơ chế tài chính công đoàn trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và sự ra đời của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp ngoài hệ thống Công đoàn Việt Nam, Dự thảo Luật bổ sung quy định về miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn trong các trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh dẫn đến không có khả năng đóng kinh phí công đoàn.

Đồng thời, bổ sung quy định về trích kinh phí công đoàn cho các cấp công đoàn và cho tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, theo 2 phương án: Phương án 1: Giao Chính phủ quy định chi tiết. Phương án 2: Quy định cụ thể tỷ lệ phân phối kinh phí công đoàn đối với công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.

"Để đảm bảo công khai, minh bạch, tăng cường hơn nữa công tác kiểm toán và giám sát của các cơ quan chức năng trong công tác quản lý, sử dụng tài sản, tài chính công đoàn, Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung Điều 31, Điều 32; bổ sung mới 1 điều về công khai tài chính công đoàn tại Điều 33" - ông Nguyễn Đình Khang nêu.

Làm rõ hơn tiêu chí, điều kiện để được miễn, giảm kinh phí công đoàn

Nhất trí việc sửa đổi toàn diện Luật Công đoàn Ủy ban Xã hội của Quốc hội nêu rõ, liên quan đến việc duy trì nguồn thu kinh phí công đoàn 2%, hiện có 2 loại ý kiến khác nhau. Ủy ban Xã hội ủng hộ loại ý kiến thứ nhất: nhất trí việc duy trì nguồn thu kinh phí công đoàn 2%.

202406031432439664_z5503039058121_d9ae54716692e3f7e49008c333608ac6.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra Dự án Luật Công đoàn (sửa đổi). Ảnh: VPQH

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, làm rõ trong tương lai, “kinh phí công đoàn” có thể còn được phân bổ cho tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, do vậy, cần có thông tin về tình hình thu, chi, sử dụng 2% kinh phí công đoàn để Quốc hội có đầy đủ cơ sở xem xét, quyết định. Đồng thời cơ quan soạn thảo cần cung cấp thông tin về chậm đóng, trốn đóng và việc không thu được kinh phí công đoàn.

Đa số ý kiến trong Ủy ban Xã hội nhất trí việc Dự thảo Luật bổ sung quy định “tạm dừng đóng” kinh phí công đoàn nhằm bảo đảm tính linh hoạt để xử lý được thực tiễn đa dạng, hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục được sản xuất, kinh doanh, duy trì được việc làm cho người lao động.

Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, Dự thảo Luật quy định việc sử dụng kinh phí công đoàn cho 16 nhóm nhiệm vụ cụ thể, trong đó có nội dung để hỗ trợ cho công đoàn cơ sở chăm lo cho người lao động nơi doanh nghiệp gặp khó khăn được miễn, giảm kinh phí công đoàn - có thể không nhận được sự đồng thuận từ người lao động và người sử dụng lao động của các doanh nghiệp đã đóng đầy đủ. Bởi vì, kinh phí công đoàn là khoản thu bắt buộc, công bằng, bình đẳng đối với tất cả đối tượng đóng.

“Đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, quy định rõ hơn nguyên tắc, tiêu chí xác định doanh nghiệp khó khăn, mức độ khó khăn dẫn đến không có khả năng đóng kinh phí công đoàn, để làm căn cứ, điều kiện miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn cho doanh nghiệp. Đồng thời, nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến của Chính phủ về nội dung này” - Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ.

Với hai phương án về phân định sử dụng kinh phí công đoàn, có ý kiến đề nghị không nên quy định “tỷ lệ cứng” như phương án 2 (công đoàn cấp trên sử dụng 25%, công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp sử dụng 75%), mà nên quy định theo hướng “tối thiểu 75%” và “tối đa 25%” để bảo đảm linh hoạt trong điều tiết tổng thể của cả hệ thống, tùy theo quy mô của tổ chức công đoàn hoặc theo địa bàn.

Ủy ban Xã hội thấy rằng, đây là vấn đề khó và ý kiến còn khác nhau, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung đầy đủ, toàn diện thông tin làm căn cứ, cơ sở cho cả 2 phương án để Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Đồng thời, nghiên cứu ý kiến góp ý của Chính phủ về nội dung này.

Liên quan đến quy định về việc sử dụng kinh phí công đoàn đối với các nhiệm vụ của Tổng LĐLĐ Việt Nam, cơ quan thẩm tra cho biết, trong thực tế, Tổng LĐLĐ Việt Nam và nhiều cấp Công đoàn đã sử dụng nguồn kinh phí công đoàn và tài sản được giao để đầu tư, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn tài chính công đoàn. Do đó, Ủy ban Xã hội đề nghị Cơ quan soạn thảo báo cáo đánh giá hiệu quả đầu tư, nghiên cứu quy định rõ về nguyên tắc chi, tính khả thi của nội dung chi quy định trong Dự thảo Nghị định quy định chi tiết, làm cơ sở để Quốc hội xem xét, quyết định./.

Cùng chuyên mục
Tăng cường kiểm toán, giám sát việc quản lý, sử dụng tài sản, tài chính công đoàn