Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: quochoi.vn |
Công tác xây dựng pháp luật hoàn thành vượt chỉ tiêu đề ra
Trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh (Chương trình) năm 2023, điều chỉnh Chương trình năm 2022 trước khi thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng khẳng định, năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, công tác xây dựng pháp luật được bảo đảm liên tục, hiệu quả, không bị gián đoạn do việc chuyển giao nhiệm kỳ của các cơ quan nhà nước.
Nhờ công tác chuẩn bị kỹ lưỡng, thời gian tổ chức kỳ họp của Quốc hội, phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được rút ngắn, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả; các luật, nghị quyết được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua đều đạt tỷ lệ đồng thuận rất cao.
Chất lượng văn bản được nâng lên, kịp thời thể chế hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, kết luận của Trung ương, đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch Covid-19, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt về thể chế, tạo động lực cho phát triển bền vững, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo. Ảnh: quochoi.vn |
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác lập và triển khai thực hiện Chương trình vẫn còn một số hạn chế, bất cập, như: một số hồ sơ đề nghị xây dựng luật, nghị quyết chưa bảo đảm chất lượng, chưa đầy đủ theo quy định, chưa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp thuận đưa vào Chương trình để có thời gian hoàn thiện thêm.
Việc gửi hồ sơ dự án, dự thảo đến cơ quan thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội, không ít trường hợp chưa bảo đảm thời gian theo quy định; vẫn còn tình trạng dự án đã được đưa vào Chương trình nhưng không chuẩn bị kịp để trình Quốc hội theo đúng kế hoạch.
“Những hạn chế này có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng chủ yếu là do công tác tổ chức thực hiện chưa tốt, kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật chưa nghiêm” - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chỉ rõ.
Tăng tính dự báo và chủ động trong xây dựng pháp luật
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với nhận định của UBTVQH về những kết quả đã đạt được cũng như một số tồn tại, hạn chế trong công tác xây dựng pháp luật thời gian qua.
Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Đoàn Long An) đánh giá cao các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ đã linh hoạt, chủ động đề xuất Quốc hội kịp thời thông qua các quyết sách cấp thiết để vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân, đáp ứng yêu cầu phục hồi kinh tế - xã hội trong tình hình mới và hội nhập quốc tế.
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân phát biểu thảo luận. Ảnh: quochoi.vn |
Chỉ ra một số hạn chế, bất cập trong công tác xây dựng pháp luật đã tồn tại trong nhiều năm chưa được khắc phục triệt để, đại biểu Dung kiến nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm tăng cường tính dự báo, tính chủ động của các cơ quan đề xuất các dự án luật cho kịp thời, điều chỉnh các vấn đề phát sinh liên quan phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và quan hệ quốc tế; hạn chế việc xây dựng chính sách bằng bằng các nghị quyết thí điểm…
Băn khoăn về kỷ cương lập pháp chưa được chấn chỉnh, đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau) cho rằng, việc điều chỉnh chương trình xây dựng pháp luật thường xuyên cho thấy tính ổn định của Chương trình chưa bền vững, trong khi đây là gốc rễ thuộc quyền lập pháp của Quốc hội. Quốc hội đã thông qua rồi thì hạn chế đến mức tối đa việc điều chỉnh.
Đại biểu Lê Thanh Vân đề nghị nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là luật hoá sáng kiến của Đảng đoàn Quốc hội về chiến lược lập pháp.
Quốc hội đã có chiến lược liên quan đến kinh tế - xã hội, đầu tư công, kế hoạch tài chính trung hạn 5 năm thì nên có tầm nhìn xa hơn về xây dựng pháp luật. Ngoài ra, cần mở rộng thành phần soạn thảo các dự án, chú trọng các chuyên gia, nhà khoa học và đặc biệt là đối tượng chịu tác động để họ lên tiếng; lấy ý kiến nhân dân rộng rãi về dự án có tác động rộng – đại biểu Vân đề nghị.
Chỉ ra tình trạng dồn dập đề xuất xây dựng luật bổ sung vào Chương trình, dẫn đến sự thay đổi số lượng các dự án luật trong Chương trình rất lớn, đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Đoàn Tiền Giang) cho rằng, điều này cho thấy tính dự báo chưa cao, tính dài hạn tổng thể chưa được bảo đảm. Thời hạn trình dự án luật, nghị quyết cũng rất gấp gáp, gây khó khăn cho công tác thẩm tra.
Đại biểu đề nghị các cơ quan soạn thảo cần có giải pháp khắc phục triệt để những hạn chế này, nhất là những yếu tố chủ quan. “Phải chủ động để đảm bảo yếu tố chất lượng, không vì đáp ứng số lượng, thời hạn mà để ảnh hưởng đến chất lượng” - đại biểu Sơn nêu rõ./.
Về dự kiến Chương trình năm 2023, điều chỉnh Chương trình năm 2022, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, nếu được Quốc hội thông qua, dự kiến, tại Kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022), trình Quốc hội thông qua 5 luật, 4 nghị quyết; cho ý kiến 6 dự án luật. Tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022), trình Quốc hội thông qua 7 luật (gồm 1 luật theo quy trình tại một kỳ họp mới được bổ sung, 6 luật đã có trong Chương trình); cho ý kiến 7 dự án luật. Năm 2023, tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023), trình Quốc hội thông qua 6 luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 và Nghị quyết về Chương trình năm 2024; cho ý kiến 6 dự án luật. Tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023), trình Quốc hội thông qua 6 luật đã được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5; cho ý kiến 2 dự án luật. |