Tăng cường thói quen đọc sách trong cộng đồng

(BKTO) - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có Văn bản gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tiếp tục triển khai Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, trong đó, hướng đến hình thành thói quen đọc sách đối với mọi người dân.



                
   

Cần tiếp tục tăng cường các giải pháp để hình thành, phát triển thói quen đọc sách trong cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ

   

Văn bản cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại Công văn số 3471/VPCP-KGVX ngày 26/5/2021 của Văn phòng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 329/QĐ-TTg ngày 15/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị các đơn vị trên phối hợp, triển khai xây dựng kế hoạch tiếp tục thực hiện Đề án giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Trong đó xác định lộ trình, chỉ tiêu, nguồn lực cho các hoạt động nhằm xây dựng môi trường đọc thuận lợi trên cơ sở: kiện toàn, củng cố mạng lưới thư viện, nhân rộng các mô hình phát triển văn hóa đọc đã được xây dựng; đổi mới hoạt động thư viện, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ hướng đến xây dựng kỹ năng thông tin cho người sử dụng, đặc biệt gắn với việc chuyển đổi số; khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư cho phát triển văn hóa đọc, trong đó, mỗi gia đình nên bố trí không gian đọc sách, tủ sách...

Ngoài ra, để thuận lợi trong việc phối hợp chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án, Bộ đề nghị các đơn vị phân công một tổ chức trực thuộc làm đầu mối triển khai thực hiện Đề án trong giai đoạn tiếp theo tại Bộ, ngành và địa phương; định kỳ hằng năm có báo cáo về tình hình triển khai thực hiện Đề án để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ

Theo một khảo sát quốc tế năm 2016, Việt Nam chúng ta chỉ có 30% số người đọc sách thường xuyên, 26% không đọc sách và 44% thỉnh thoảng đọc sách. Thời gian dành cho đọc sách hàng tuần, cao nhất là Ấn Độ với gần 11 giờ; một số nước, vùng lãnh thổ châu Á như: Đài Loan (Trung Quốc) là 5 giờ, xếp thứ 27; Nhật Bản là 4 giờ, xếp thứ 28; Hàn Quốc 3 giờ, xếp thứ 29. Việt Nam khoảng 1 giờ. Người Việt Nam thụ hưởng 4,2 cuốn sách mới mỗi người, mỗi năm, nhưng trong đó 2 - 3 cuốn là sách giáo khoa. Như vậy, mỗi người mỗi năm chỉ thực sự thụ hưởng gần 2 cuốn sách và thuộc nhóm thấp trên thế giới. Malaysia, một nước gần chúng ta và trong khối ASEAN, là 12 cuốn sách mỗi người, mỗi năm, gấp 3 lần Việt Nam.
                
   

Mỗi gia đình nên bố trí không gian đọc sách, tủ sách đa dạng thể loại, phù hợp với từng lứa tuổi để thúc đẩy thói quen đọc sách

   

Thời gian qua, Chính phủ, các Bộ, ngành chức năng đã có nhiều giải pháp để thúc đẩy việc hình thành thói quen đọc sách trong cộng đồng, đặc biệt là với thế hệ trẻ. Đáng chú ý,ngày 21/4 hàng năm được lấy là Ngày Sách Việt Nam. Đây là sự kiện đáng chú ý được tổ chức hằng năm nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc nâng cao kiến thức và kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người.

Đồng thời, tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội; tôn vinh người đọc và những người tham gia sưu tầm, sáng tác, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ, quảng bá sách. Nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc Việt Nam.
Tin và ảnh: NGUYỄN LỘC
Cùng chuyên mục
Tăng cường thói quen đọc sách trong cộng đồng