Kế hoạch được ban hành nhằm định hướng cho các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thực hiện Quy hoạch.
Cùng với đó, xây dựng lộ trình, tổ chức thực hiện nhằm bảo đảm các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Quy hoạch theo từng giai đoạn từ nay đến năm 2030; xác định phương thức, nguồn lực, cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong triển khai thực hiện.
Yêu cầu đặt ra là bảo đảm theo hướng tăng quy mô diện tích các khu bảo tồn biển, khu bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, khu cư trú nhân tạo cho loài thuỷ sản biển; kết hợp việc điều chỉnh số lượng tàu khai thác phù hợp với nguồn lợi thuỷ sản; giảm cường lực khai thác; kết hợp chuyển đổi nghề, ngư cụ khai thác thuỷ sản ảnh hưởng lớn đến môi trường, hệ sinh thái sang các nghề thân thiện với môi trường và nguồn lợi thủy sản...
Kế hoạch thực hiện
Đối với dự án đầu tư công, Kế hoạch nêu rõ, căn cứ mức vốn được giao trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và 2026 - 2030 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương, tổ chức thực hiện các dự án ưu tiên đầu tư giai đoạn 2021 - 2025 và 2026 - 2030 của Quy hoạch.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục thực hiện đầu tư các dự án đã xác định nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; các dự án dự kiến đầu tư trong giai đoạn 2026 - 2030 từ nguồn vốn đầu tư công, trong đó, ưu tiên bố trí vốn cho các dự án thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư công; ưu tiên thực hiện các dự án giai đoạn trước còn dở dang, chưa đồng bộ để phát huy hiệu quả, cụ thể:
Đối với dự án đầu tư cơ sở hạ tầng cho các khu bảo tồn biển, thứ tự ưu tiên đầu tư được xác định như sau: Đầu tư tại các khu bảo tồn biển được "chuyển tiếp" tại Quy hoạch; đầu tư tại các khu bảo tồn biển cấp Quốc gia thành lập mới theo Quy hoạch; đầu tư tại các khu bảo tồn biển cấp tỉnh thành lập mới theo Quy hoạch.
Đối với các dự án đầu tư hình thành khu cư trú nhân tạo cho các loài thủy sản ở biển, thứ tự ưu tiên đầu tư được xác định như sau: đầu tư tại khu vực ở vùng biển ven bờ nhằm ngăn chặn hoạt động của các tàu lưới kéo; đầu tư tại các khu vực còn lại theo Quy hoạch.
Đối với các dự án đầu tư thực hiện nội dung quy hoạch về khai thác thủy sản thời kỳ 2021 - 2030: Thực hiện theo quy định đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương chịu trách nhiệm xem xét việc thực hiện các dự án, nhất là các dự án ưu tiên bảo đảm hiệu quả, khả thi theo đúng quy định và không để xảy ra thất thoát, lãng phí.
Dự án đầu tư sử dụng các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công
Theo Kế hoạch, đối với các dự án đầu tư hình thành khu cư trú nhân tạo cho các loài thủy sản ở biển giai đoạn 2021 - 2025, đầu tư tại khu vực biển miền Trung bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển năm 2016.
Các dự án thực hiện nội dung quy hoạch về khai thác thủy sản thời kỳ 2021 - 2030: Thực hiện theo quy định đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Về kế hoạch sử dụng đất, mặt nước, Kế hoạch nêu rõ, nhu cầu sử dụng mặt nước đến năm 2030 đã được xác định tại khoản 3, mục III, Điều 1 và các Phụ lục I, II, III, IV, V, VI ban hành kèm theo Quyết định số 389/QĐ-TTg ngày 09/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp với các bộ, ngành rà soát nhu cầu sử dụng đất phục vụ công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, phân kỳ đầu tư phù hợp với tiêu chí sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021 - 2025 đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm việc sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả và theo đúng quy định.
Ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước để thành lập, đầu tư và quản lý hiệu quả các khu bảo tồn biển
Xác định các nguồn lực và việc sử dụng nguồn lực để thực hiện quy hoạch, Kế hoạch nêu rõ, ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước để thành lập, đầu tư và quản lý hiệu quả các khu bảo tồn biển, khu vực cư trú nhân tạo cho các loài thuỷ sản ở biển; nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ; đào tạo nguồn nhân lực; giải quyết các vấn đề cấp bách trong bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản.
Bố trí nguồn nhân lực bảo đảm thực hiện Quy hoạch và tổ chức quản lý, sử dụng hiệu quả sản phẩm đầu tư công theo Kế hoạch.
Quyết định cũng nêu rõ 7 chính sách, giải pháp thực hiện quy hoạch gồm: Thu hút đầu tư phát triển theo quy hoạch đã được phê duyệt; Phát triển nguồn nhân lực; phát triển khoa học và công nghệ; bảo đảm an sinh xã hội; bảo vệ môi trường; bảo đảm nguồn lực tài chính; bảo đảm quốc phòng, an ninh./.