Nhiều thách thức trong đảm bảo nhu cầu năng lượng
Ông Nguyễn Tuyển Tâm - Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam là quốc gia có quy mô nền kinh tế đang tăng nhanh với tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm từ 6 - 7% trong vòng vài thập kỷ gần đây. Đặc biệt, Việt Nam đang nỗ lực mạnh mẽ để hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. Trong bối cảnh đó, nhu cầu năng lượng và nhu cầu điện của Việt Nam trong những năm tới dự báo sẽ tiếp tục tăng nhanh để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế và dân sinh.
Tuy nhiên, theo ông Tâm, Việt Nam hiện đang phải đối mặt với khá nhiều thách thức trong việc đảm bảo nhu cầu năng lượng. Trước hết, các nguồn năng lượng trong nước có trữ lượng hạn chế như khí thiên nhiên, dầu, than, năng lượng sinh khối…, do đó, Việt Nam đang ngày càng tăng sự phụ thuộc vào nhập khẩu nhiên liệu.
Mặt khác, việc xây dựng các cảng mới để nhập khẩu than và khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), cũng như việc tích hợp điện gió, điện mặt trời vào hệ thống điện… cũng đang gặp nhiều thách thức.
Bên cạnh đó, nhu cầu vốn dành cho phát triển năng lượng còn hạn chế, đặc biệt là trong bối cảnh nợ công tăng cao và cần phân bổ vốn cho các ngành, lĩnh vực khác của nền kinh tế.
Ngoài ra, do mức giá năng lượng, điện còn thấp, nên sự quan tâm đầu tư vào các công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả của doanh nghiệp và người dân còn thấp. Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 (VNEEP3) đề ra mục tiêu đạt mức tiết kiệm năng lượng từ 8 - 10% tổng năng lượng tiêu thụ toàn quốc trong giai đoạn 2019-2030. Tuy nhiên, việc thực hiện thành công các mục tiêu tiết kiệm năng lượng trong giai đoạn này còn nhiều khó khăn.
Đặc biệt, lĩnh vực năng lượng vẫn là nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất. Số liệu thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, tổng lượng phát thải khí nhà kính trong 4 lĩnh vực năng lượng; nông nghiệp; sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và nông nghiệp (LULUCF); chất thải năm 2010 là 225,6 triệu tấn CO2 tương đương, tăng lên 466 triệu tấn vào năm 2020 và dự báo khoảng 760,5 triệu tấn vào năm 2030. Trong đó, lĩnh vực năng lượng phát thải lớn nhất với 381,1 triệu tấn CO2 tương đương vào năm 2020 và dự báo khoảng 648,5 triệu tấn vào năm 2030.
Trong khi đó, việc thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo vẫn còn nhiều rào cản như: các cơ chế, chính sách về khuyến khích đầu tư, hỗ trợ giá và nội địa hóa công nghệ chưa hoàn thiện và ổn định; chi phí đầu tư cao; năng lực và trình độ công nghệ sản xuất trong nước còn hạn chế, chất lượng của sản phẩm và tuổi thọ thấp, chưa sản xuất được các thiết bị trung tâm của hệ thống…
Thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo
Tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Cam kết này thể hiện quyết tâm của Chính phủ Việt Nam thực hiện các mục tiêu chuyển dịch từ nguồn năng lượng hóa thạch truyền thống sang các nguồn năng lượng xanh, sạch, giảm phát thải khí nhà kính, chống biến đổi khí hậu.
Chia sẻ tại Lễ công bố “Báo cáo Triển vọng năng lượng Việt Nam - Đường đến phát thải ròng bằng không” mới diễn ra, ông Rasmus Munch Sorensen - Cố vấn dài hạn Chương trình DEPP III cho rằng, với tiềm năng to lớn về điện mặt trời, điện gió trên bờ và ngoài khơi, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để chuyển đổi ngành năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo.
“Việt Nam có thể thực hiện khả thi mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, phát thải CO2 của Việt Nam cần đạt đỉnh vào năm 2030 và quá trình chuyển đổi năng lượng xanh cần được thực hiện khẩn trương với tốc độ nhanh hơn so với trước đây” - ông Rasmus Munch Sorensen nhấn mạnh.
Theo đó, để phát thải CO2 đạt đỉnh vào năm 2030 và trung hòa carbon vào năm 2050, Việt Nam cần có thêm 56 gigawatt (GW) năng lượng tái tạo (17 GW điện gió trên bờ và 39 GW điện mặt trời) vào năm 2030. Do đó, trong thời gian tới, các nhà máy điện than của Việt Nam cần trở nên linh hoạt hơn, kết hợp nhiều nguồn điện xanh để khi cần có thể giảm công suất của các nguồn điện than phát lên lưới, đồng thời vẫn cần đảm bảo nguồn dự phòng cần thiết.
Là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất Đông Nam Á, để đảm bảo phát triển bền vững, Việt Nam cần phải tách biệt tăng trưởng kinh tế với tiêu thụ năng lượng, đồng thời xây dựng một hệ thống năng lượng xanh và bền vững hơn thông qua đầu tư vào năng lượng tái tạo và công nghệ tiết kiệm năng lượng.
Ông Kristoffer Bottzauw - Cục trưởng Cục Năng lượng Đan Mạch
Song song với đó, để thúc đẩy phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, trong đó có năng lượng điện gió ngoài khơi, Việt Nam cần có quyết tâm cao và hành động sớm, thông qua việc sớm ban hành khung pháp lý rõ ràng và có thể dự đoán được để có thể thu hút được các khoản đầu tư lớn vào ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi. Trong đó cần chú trọng vào việc xác định các địa điểm cho phát triển điện gió ngoài khơi, chuẩn bị cơ sở hạ tầng cảng và củng cố hệ thống lưới điện truyền tải.
Liên quan đến vấn đề này, từ góc nhìn quốc tế, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Nicolai Prytz chia sẻ, để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0, Việt Nam cần có những nỗ lực nhanh chóng, mạnh mẽ và bền vững. Điều này không chỉ quan trọng trong việc giải quyết nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của quốc gia, mà còn giúp gia tăng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài trong bối cảnh việc tiếp cận năng lượng tái tạo ngày càng trở thành một yếu tố quan trọng trong việc ra quyết định đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài. Trong bối cảnh đó, Đan Mạch cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi năng lượng.
Tại Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt ra mục tiêu phát triển ngành năng lượng của Việt Nam hài hòa giữa các phân ngành với hạ tầng đồng bộ và thông minh, đạt trình độ tiên tiến của khu vực, phù hợp với xu thế phát triển khoa học công nghệ của thế giới. Đồng thời, thực hiện thành công chuyển đổi năng lượng, góp phần đáp ứng mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.