Tăng trưởng kinh tế: Có nên lạc quan trước bối cảnh còn nhiều bất định?

(BKTO) - Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt 6% năm 2024 và 6,2% năm 2025. Trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước còn nhiều bất định, khó khăn, dự báo này liệu có quá lạc quan?

kinh-te.jpg
ADB cập nhật tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam tại Họp báo. Ảnh: Thành Đức

Ngày 25/9, ADB công bố Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) tháng 9 và cập nhật về tình hình phát triển kinh tế Việt Nam.

Nhiều tín hiệu phục hồi kinh tế nửa đầu năm

Tại Họp báo, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam - ông Shantanu Chakraborty - cho biết: “Nền kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2024 và tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, bất chấp những bất ổn trên toàn cầu”.

Theo ông Shantanu Chakraborty, sự phục hồi ổn định đạt được do sản xuất công nghiệp cải thiện và thương mại gia tăng mạnh mẽ, các ngành dịch vụ và sản lượng nông nghiệp ổn định. Lĩnh vực công nghiệp tiếp tục là động lực chính của tăng trưởng, khi cầu bên ngoài đối với các mặt hàng điện tử xuất khẩu chủ lực góp phần gia tăng sản xuất.

anh-1.png

Sự phục hồi kinh tế trong nửa đầu năm 2024 được báo cáo của ADB chỉ ra với nhiều dấu hiệu tích cực: Kinh tế đạt mức tăng trưởng 6,4% trong nửa đầu năm 2024, gần gấp đôi mức 3,7% của năm trước. Công nghiệp và xây dựng tăng 7,5% so với mức 1,1% cùng kỳ năm trước.

Dịch vụ tiếp tục tăng trưởng ở mức 6,6%, nhờ sự phục hồi của ngành du lịch. Nông nghiệp hưởng lợi từ giá hàng hóa cao hơn, duy trì mức tăng trưởng ổn định 3,4%.

Kim ngạch thương mại phục hồi nhanh chóng, xuất khẩu tăng 14,5% so với năm ngoái trong khi nhập khẩu tăng 17%, dẫn đến thặng dư thương mại đạt 11,6 tỷ USD.

Vốn FDI vào Việt Nam tiếp tục tăng mạnh trong nửa đầu năm 2024. Giải ngân FDI tăng lên 10,8 tỷ USD, cao hơn 8,2% so với cùng kỳ năm trước; đây là mức giải ngân nửa đầu năm cao nhất trong 5 năm qua. Trong cùng kỳ, tổng vốn FDI đăng ký đạt 15,2 tỷ USD, tăng 13,1% so với một năm trước.

Thu ngân sách trong nửa đầu năm 2024 đạt trên 1 triệu tỷ đồng, tương đương 60% kế hoạch ngân sách năm, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Nguyễn Bá Hùng - chuyên gia Kinh tế trưởng, Cơ quan đại diện thường trú ADB tại Việt Nam - thông tin thêm: Lạm phát trong nửa đầu năm thấp và trong tầm kiểm soát ở 4%. Lãi suất được duy trì ở mức thấp, mức chênh lệch giữa lãi suất và lạm phát cũng ở mức tương đối thấp. Việc tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để tạo thuận lợi cho các khoản tài trợ có chi phí thấp giúp hỗ trợ tăng trưởng...

Những động lực cho tăng trưởng nửa cuối năm 2024 và 2025

anh-2.png

Về triển vọng tăng trưởng trong thời gian tới, ADB dự báo: Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có thể đạt mức 6% vào năm 2024, tiếp tục cải thiện lên 6,2% trong năm 2025.

Dự báo này liệu có quá lạc quan trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tiếp tục suy giảm, tình hình địa chính trị thế giới căng thẳng; ở trong nước, nhiều tỉnh, thành miền Bắc chịu thiệt hại nặng nề bởi siêu bão Yagi?

Theo ADB, mặc dù lạm phát tăng nhẹ trong nửa đầu năm 2024, lạm phát dự báo vẫn ở mức 4% cho cả năm 2024 và 2025.

Liên quan đến vấn đề này, ông Shantanu Chakraborty cho biết: Những phân tích mà ADB đưa ra về cơ bản dựa trên con số tăng trưởng kinh tế nửa đầu năm là 6,4%. Dự báo, nền kinh tế những tháng cuối năm vẫn tiềm ẩn những yếu tố bất ổn nhưng không mạnh mẽ như nửa đầu năm.

Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam phân tích, dự báo tăng trưởng kinh tế mà ADB đưa ra là hoàn toàn có cơ sở. Cụ thể, Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương đã và đang thực hiện nhiều giải pháp như tạo việc làm, thúc đẩy các dự án đầu tư công, triển khai các gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp…

Theo ông Shantanu Chakraborty, bão Yagi gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh miền Bắc nhưng đây cũng là cơ hội để Chính phủ đẩy mạnh tiêu dùng, tái sinh nền kinh tế.

Con số dự báo không quá quan trọng, điều quan trọng là Việt Nam phải duy trì được tốc độ tăng trưởng bền vững. Tăng trưởng phải có tính chất bao trùm, đồng đều, hướng đến những địa phương còn nhiều khó khăn.

Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam - ông Shantanu Chakraborty

“Kết hợp tổng thể các yếu tố, chúng tôi đưa ra dự báo mức tăng trưởng có khả năng thực hiện được” - ông Shantanu Chakraborty nhấn mạnh, đồng thời cho biết thêm, dự báo của ADB vẫn thấp hơn mục tiêu mà Chính phủ, Quốc hội Việt Nam đặt ra. Con số dự báo có phần lạc quan nhưng nó được cân nhắc dựa trên toàn bộ nền kinh tế, đặc biệt là với những nỗ lực trong đầu tư công và việc sửa đổi các quy định về lĩnh vực này, cộng với nguồn FDI thực hiện giải ngân tốt thời gian qua. Đây là điều kiện thúc đẩy hoạt động kinh tế, giúp Việt Nam có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm.

Ông Nguyễn Bá Hùng cũng phân tích thêm: Sự khác biệt lớn giữa xuất nhập khẩu năm nay và năm ngoái đóng góp vào phần chênh lệch tăng trưởng. Năm nay, nhu cầu xuất khẩu đang ở mức ổn định. Việc duy trì mức ổn định của xuất khẩu giúp Việt Nam đạt được tăng trưởng kinh tế. Các đơn đặt hàng mới dần quay trở lại và tiêu dùng phục hồi đã khôi phục tăng trưởng sản xuất trong nửa đầu năm 2024 và đà tăng mạnh mẽ hơn được kỳ vọng sẽ tiếp tục trong cả năm.

Tuy nhiên, ông Hùng cũng lưu ý những rủi ro trong ngắn hạn có thể làm chậm đà tăng trưởng của nền kinh tế như: Cầu nội địa yếu, căng thẳng địa chính trị và thương mại đứt gãy, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, điều kiện thời tiết bất lợi và tác động của biến đổi khí hậu có thể hạn chế nguồn cung và đẩy giá hàng hóa lên cao.

Việc phối hợp các chính sách đóng vai trò quan trọng góp phần phục hồi kinh tế, trong bối cảnh giá cả tăng nhẹ và cầu còn yếu.

Ông Nguyễn Bá Hùng - chuyên gia Kinh tế trưởng, Cơ quan đại diện thường trú ADB tại Việt Nam

Để duy trì đà tăng trưởng trong năm 2024 và 2025, ông Nguyễn Bá Hùng và các chuyên gia của ADB khuyến nghị: Các biện pháp kích thích tài khóa nên được ưu tiên trong bối cảnh Việt Nam còn dư địa ngân sách. Việt Nam cần nỗ lực gấp đôi để tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công. Điều này sẽ hỗ trợ trực tiếp cho các ngành như xây dựng, sản xuất và tạo ra nhiều cơ hội việc làm hơn. 

Việc đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô với sự kết hợp cân bằng hơn các chính sách tiền tệ và tài khóa là hết sức quan trọng, đi kèm với các cải cách quản lý nhà nước toàn diện. Cầu bên ngoài yếu hơn kỳ vọng ​​đòi hỏi tiếp tục các biện pháp chính sách, đưa ra sáng kiến cải cách để thúc đẩy hoạt động kinh doanh nhằm kích thích cầu nội địa, tạo không gian tăng trưởng mới. 

Cũng theo ADB, chính sách tiền tệ của Việt Nam sẽ tiếp tục tập trung vào 2 mục tiêu ổn định giá cả và hỗ trợ tăng trưởng, mặc dù không gian chính sách hạn chế.

Tuy nhiên, rủi ro các khoản nợ xấu tăng lên do việc tiếp tục gia hạn quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ làm hạn chế khả năng nới lỏng tiền tệ hơn nữa. Bất kỳ biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ bổ sung nào cũng nên được phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng, cùng với việc đẩy nhanh cải cách thể chế để hỗ trợ nền kinh tế./.

Cùng chuyên mục
Tăng trưởng kinh tế: Có nên lạc quan trước bối cảnh còn nhiều bất định?