Tăng trưởng kinh tế năm 2024: Ổn định vĩ mô là nền tảng

(BKTO) - Sau khi Quốc hội thông qua các chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Chính phủ đã xây dựng 2 kịch bản tăng trưởng GDP là 6% và 6,5%. Trong bối cảnh kinh tế thế giới được dự báo vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, các chuyên gia nhấn mạnh, Việt Nam cần tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, đây là nền tảng quan trọng để hướng tới mục tiêu tăng trưởng như kỳ vọng.

tang-truong-2024-thoan.jpg
Kinh tế Việt Nam sẽ tiếp nối đà tăng trưởng tích cực trong năm 2024. Ảnh minh họa

Những điểm sáng giữa khó khăn, thách thức

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, kinh tế Việt Nam 2024 vẫn chịu ảnh hưởng do lạm phát ở một số nền kinh tế lớn vẫn còn khả năng ở mức cao khi chính sách tiền tệ thắt chặt tiếp tục duy trì. Cùng với đó, nợ công tiếp tục gia tăng; tăng trưởng thương mại toàn cầu tiếp tục xu hướng thấp, chịu ảnh hưởng từ cạnh tranh địa chính trị diễn biến căng thẳng, khó lường; áp lực từ giá dầu thô, lương thực biến động mạnh, tăng lãi suất kéo dài ở nhiều quốc gia…

Dự báo về triển vọng, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cũng nhấn mạnh, kinh tế trong nước vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Sự suy giảm của kinh tế thế giới nhiều khả năng tiếp tục tác động đến kinh tế Việt Nam ít nhất trong nửa đầu năm 2024, trước khi đón nhận những dấu hiệu tích cực, khả quan hơn. Đặc biệt, kinh tế Việt Nam vẫn có cơ hội phục hồi tích cực hơn nếu các chính sách hỗ trợ được ban hành trong năm qua sẽ có tác động rõ nét hơn vào nền kinh tế; các động lực về đầu tư, tiêu dùng, du lịch và xuất khẩu tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ…

Đánh giá về tiềm năng của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản - trụ đỡ của nền kinh tế trong năm qua - nhiều chuyên gia dự báo sẽ tiếp nối đà tăng trưởng tích cực trong năm 2024. Trong đó phải kể đến hiệu quả của chiến lược phát triển nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vừa đảm bảo nguồn cung và an ninh lương thực, vừa phát triển nông nghiệp, khai thác, nuôi trồng thủy sản bền vững. Tuy vậy, bà Nguyễn Thị Hương đưa ra khuyến nghị: “Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thời tiết biến động thất thường, ngành nông nghiệp cần phải chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hiệu quả để ứng phó với tình trạng hạn hán, thiếu nước, ngập mặn, từ đó tiếp tục duy trì được mức tăng trưởng ổn định”.

Khu vực dịch vụ được dự báo tiếp tục là “điểm sáng” trong năm 2024. Điểm danh một số ngành hàng dịch vụ đang có xu hướng khả quan như: Vận tải hàng không, bán buôn bán lẻ, dịch vụ lưu trú, ăn uống, dịch vụ tài chính, dịch vụ du lịch..., các chuyên gia thống kê bình luận, những ngành này có thể duy trì đà tăng trưởng bởi các chính sách thương mại và thúc đẩy tiêu dùng nội địa.

Khó khăn hơn cả là khu vực công nghiệp và xây dựng khi kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, nhu cầu thế giới yếu, thị trường thế giới thu hẹp, lưu thông và luân chuyển hàng hóa bất thuận do giá cả tăng, khan hiếm nguyên vật liệu. Đặc biệt, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong nước vẫn phải đối diện với tình trạng đơn hàng giảm, chi phí đầu vào cao. Đồng thời, thị trường bất động sản suy giảm tiếp tục ảnh hưởng đến nhiều ngành sản xuất có liên quan… Tuy nhiên, kết quả điều tra cho thấy, các doanh nghiệp chế biến, chế tạo dự báo hoạt động sản xuất kinh doanh, chỉ số cân bằng đơn hàng đặt mới, cũng như chỉ số cân bằng khối lượng sản xuất của quý I/2024 sẽ khả quan hơn quý IV/2023... Còn với thị trường bất động sản, TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế nhấn mạnh, Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản… vừa được Quốc hội thông qua tạo nền tảng pháp lý vô cùng quan trọng, là động lực lớn cho thị trường phát triển tốt hơn trong thời gian tới.

Ổn định vĩ mô là nền tảng đạt mục tiêu tăng trưởng

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, trong bối cảnh thế giới nhiều bất định, Việt Nam cần tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, đây là nền tảng quan trọng để có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng. Muốn vậy, cần thiết phải tập trung đẩy mạnh thực hiện một số chính sách để tận dụng cơ hội, hóa giải thách thức. Trong đó, cần điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa, thương mại và chính sách khác.

Bà Nguyễn Thị Hương lưu ý, cần theo dõi sát diễn biến thị trường, tình hình trong và ngoài nước để điều hành, phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng các công cụ chính sách tiền tệ nhằm ổn định thị trường tiền tệ, thị trường ngoại hối, đảm bảo thanh khoản. TS. Cấn Văn Lực cũng cho rằng, các chính sách tài khóa, tiền tệ cần tiếp tục được duy trì thực hiện trong thời gian tới theo hướng chính sách tài khóa “mở rộng, trọng tâm” thông qua việc giãn hoãn, giảm thuế, phí, lệ phí trước bạ... và chính sách tiền tệ “linh hoạt, nới lỏng” nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị tác động nhiều bởi suy giảm kinh doanh, việc làm, thu nhập... Việc áp thuế tối thiểu toàn cầu cũng cần kèm theo chính sách hỗ trợ.

Theo ý kiến của các chuyên gia, chính sách tài khóa cần thúc đẩy đầu tư công, sử dụng thuế, phí để hỗ trợ tổng cầu, từ đó thúc đẩy tổng cung nền kinh tế vẫn là giải pháp trọng tâm năm 2024. Bởi đầu tư công vẫn luôn là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vì vậy, cần ưu tiên các dự án sắp hoàn thành, sớm đưa vào sử dụng các dự án quan trọng quốc gia, các công trình trọng điểm mang tính đột phá giúp thúc đẩy tăng trưởng GDP, tạo công ăn việc làm, thúc đẩy tiêu dùng, gia tăng sự thuận tiện trong lưu thông, đẩy mạnh liên kết vùng, nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm thời gian và chi phí lưu thông hàng hóa, dịch vụ.

Để thúc đẩy cung - cầu hàng hóa, theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, cần tiếp tục phát huy tiềm năng của thị trường nội địa thông qua các chương trình kích cầu tiêu dùng, vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, chú trọng hiện đại hóa hệ thống phân phối ở vùng nông thôn, miền núi để đẩy mạnh đưa hàng Việt về nông thôn; để bắt nhịp xu thế hiện đại, cần thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử… Đồng thời, tranh thủ tối đa cơ hội, xu hướng phục hồi của các thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu, tận dụng tốt và tiếp tục thúc đẩy các hiệp định thương mại song phương và đa phương để mở rộng thị trường đầu ra cho các sản phẩm của Việt Nam.

Đối với ngành du lịch, các chuyên gia nhấn mạnh, cần đẩy mạnh quảng bá để thu hút khách quốc tế nhiều hơn, bởi đây là ngành kinh tế tổng hợp, có tính lan tỏa giúp phát triển một chuỗi các ngành. Đối với ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản, cần tập trung phát triển theo chiều sâu, nâng cao chất lượng sản phẩm, tập trung vào các sản phẩm có giá trị gia tăng cao và có lợi thế xuất khẩu.

Đối với dòng vốn FDI, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nêu rõ, cần tiếp tục thực hiện chiến lược thu hút FDI có chọn lọc nhằm tăng năng lực sản xuất quốc gia, tăng tính lan tỏa giữa khu vực FDI với khu vực kinh tế trong nước, đặc biệt là đầu tư trong lĩnh vực mới như năng lượng tái tạo, chip bán dẫn, cũng như vào các ngành nghề phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế bền vững, kinh tế xanh./.

Cùng với việc nhiều dự án đầu tư công được đẩy mạnh triển khai trong năm nay sẽ góp phần cho tăng trưởng thì một điểm đáng lưu ý được các chuyên gia kinh tế chỉ ra là năm 2024 cũng là năm bứt phá của chặng đường kinh tế 5 năm 2021-2025. Do đó, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương cũng sẽ dốc toàn lực cho chặng đường về đích này.

Cùng chuyên mục
Tăng trưởng kinh tế năm 2024: Ổn định vĩ mô là nền tảng