Tăng trưởng tín dụng có cải thiện nhưng cầu vẫn yếu

(BKTO) - Tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống cải thiện so với cùng kỳ nhưng áp lực đối với tín dụng ngân hàng tiếp tục tăng cao trong bối cảnh các kênh huy động vốn khác của nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, chưa phát huy hiệu quả…

cho-vay.jpg
Tín dụng tiếp tục hướng vào các hoạt động sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, tín dụng tiêu dùng phục hồi.
Ảnh minh họa

Đến ngày 17/9, tăng trưởng tín dụng đạt 7,38%

Tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) về các giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước, chiều 21/9, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Quang Dũng cho biết, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống cải thiện so với cùng kỳ.

Đến ngày 17/9/2024, tín dụng đạt 7,38% so với cuối năm 2023 (cùng kỳ đạt 5,73%). Trong đó, khối NHTMCP tư nhân tăng 8,6%, chiếm 45% thị phần, tăng cao nhất toàn hệ thống.

Tại Hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết: Sau khi cơn bão số 3 xảy ra, dưới sự kêu gọi của Chính phủ và NHNN, các NHTMCP tư nhân đã cùng các NHTM nhà nước đã đóng góp 40 tỷ an sinh xã hội hỗ trợ cho người dân chịu tác động bởi cơn bão số 3. Đến nay, đã có 32/40 ngân hàng đăng ký gói tín dụng mới theo chỉ đạo của Thủ tướng với tổng số 405 nghìn tỷ đồng với lãi suất thấp hơn từ 0,5 -2% để cấp tín dụng cho các doanh nghiệp, người dân chịu tác động bởi cơn bão số 3.

Tăng trưởng tín dụng đối với các ngành đều cải thiện so với cùng kỳ năm 2023, cơ cấu tín dụng phù hợp với định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Cơ cấu tín dụng của khối NHTMCP tư nhân phù hợp với cơ cấu tín dụng chung, trong đó tín dụng đối với ngành thương mại và dịch vụ tăng tích cực, chiếm khoảng 50% dư nợ ngành thương mại và dịch vụ toàn hệ thống.

Tín dụng tiếp tục hướng vào các hoạt động sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, tín dụng tiêu dùng phục hồi. Dư nợ cho vay phục vụ nhu cầu đời sống và dư nợ tín dụng qua thẻ tín dụng tăng 4,93% (cùng kỳ giảm 0,2%).

tien-dung-1.jpg
Phó Thống đốc NHNN Phạm Quang  Dũng báo cáo tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các NHTMCP về các giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Ảnh: Chính phủ.vn

Về một số khó khăn, vướng mắc, Phó Thống đốc cho biết, nợ xấu và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu có xu hướng tăng, nguy cơ tăng sau khi tiếp tục chính sách cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ. Sức hấp thụ vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân thấp, nhiều doanh nghiệp thu hẹp hoặc ngừng sản xuất do thiếu đơn hàng, giải thể, đóng cửa, sức khỏe tài chính bị giảm sút; đồng thời, xu hướng thắt chặt, cắt giảm chi tiêu của người dân dẫn đến cầu tín dụng thấp.

Bên cạnh đó, áp lực đối với tín dụng ngân hàng tiếp tục tăng cao trong bối cảnh các kênh huy động vốn khác của nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, chưa phát huy hiệu quả.

Thị trường bất động sản (BĐS) chưa hồi phục và ổn định, sự khó khăn của thị trường BĐS còn ảnh hưởng tới nhiều ngành vệ tinh cũng như cầu tiêu dùng về nhà ở. Kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, diễn biến phức tạp trên thị trường quốc tế, lãi suất còn ở mức cao tác động đến mặt bằng lãi suất, tỷ giá trong nước.

Tình hình thiên tai, bão lũ gây thiệt hại lớn, ảnh hưởng đến đời sống, hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng, dẫn đến hoạt động của các ngân hàng thương mại (NHTM) cũng khó khăn.

Nghiên cứu lộ trình dỡ bỏ việc giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng hằng năm

Phó Thống đốc Phạm Quang Dũng cho biết, thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp điều hành tín dụng chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Tiếp tục giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng hằng năm cho tổ chức tín dụng đảm bảo công khai, minh bạch, phù hợp với mục tiêu kinh tế vĩ mô và tình hình hoạt động của tổ chức tín dụng. Đồng thời nghiên cứu lộ trình dỡ bỏ dần việc áp dụng biện pháp này theo chủ trương của Quốc hội, Chính phủ​.

NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng thường xuyên rà soát tổng thể các mặt hoạt động, các quy định của pháp luật có liên quan để cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản trị hoạt động, kịp thời nhận diện các rủi ro, sai phạm, triển khai các giải pháp cảnh báo, phòng ngừa từ sớm, xử lý nghiêm túc, đúng quy định.

Tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng, tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, lành mạnh; tiếp tục duy trì ổn định mặt bằng lãi suất tiền gửi và phấn đấu giảm lãi suất cho vay; tháo gỡ và thúc đẩy tín dụng phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh và phục vụ đời sống, tiêu dùng.

Quyết liệt triển khai các chương trình, chính sách tín dụng nhà ở xã hội, Chương trình tín dụng lĩnh vực lâm, thủy sản. Chỉ đạo tổ chức tín dụng nghiêm túc triển khai các chương trình tín dụng đã cam kết với Thủ tướng Chính phủ, NHNN.

Tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo đúng quy định; thực hiện các biện pháp khắc phục bão lụt, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng để khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh.

Cũng theo Phó Thống đốc Phạm Quang Dũng, để thúc đẩy sự phục hồi của tổng cầu, tăng khả năng hấp thụ tín dụng, bên cạnh các giải pháp từ phía ngành ngân hàng, cần có chính sách tổng thể từ phía các bộ, ngành, địa phương.

Cụ thể, cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; củng cố niềm tin của thị trường vào sự phục hồi, tăng trưởng kinh tế, qua đó khôi phục kỳ vọng mở rộng đầu tư của doanh nghiệp, thúc đẩy tiêu dùng của người dân. Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để hướng dẫn đồng bộ, rõ ràng việc thi hành các luật vừa được sửa đổi, bổ sung; rà soát để tiếp tục tháo gỡ các rào cản về thủ tục pháp lý đối với các dự án, đối với việc xử lý tài sản đảm bảo thi hành án; không hình sự hóa các quan hệ kinh tế dân sự.

Thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu; đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, tăng cường thu hút đầu tư xã hội, nguồn vốn FDI chất lượng cao; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại; tiếp tục triển khai các giải pháp kích cầu tiêu dùng trong nước…/.

Cùng chuyên mục
Tăng trưởng tín dụng có cải thiện nhưng cầu vẫn yếu