Tăng vốn điều lệ cho bốn ngân hàng thương mại trụ cột

(BKTO) - Nửa đầu năm 2019, vấn đề tăng vốn điều lệ cho 4 ngân hàng thương mại (NHTM) trụ cột gồm: NHTM cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), NHTM cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) lại nóng lên khi cơ quan quản lý các NHTM và chính bản thân lãnh đạo các NHTM trụ cột này đều liên tục lên tiếng được giữ lại phần cổ tức hay lợi nhuận từ phần vốn nhà nước tại NHTM để tăng vốn điều lệ nhằm vượt qua giới hạn CAR đang lùi về dưới 9%, không chỉ vi phạm nguyên tắc an toàn vốn theo quy định hiện hành mà còn ảnh hưởng tới khả năng thực hiện Chuẩn mực Basel II trong những năm tới.



Thêm vào đó, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng khá cao của các NHTM trụ cột cũng chịu tác động đáng kể từ giới hạn tăng vốn điều lệ của các NHTM này. Tuy nhiên, đề xuất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam và 4 NHTM trụ cột cho đến nay vẫn chưa nhận được sự đồng thuận của nhiều cơ quan, ban, ngành có liên quan cũng như tạo ra nhiều băn khoăn cho xã hội, cho giới chuyên môn do căn cứ đề xuất chưa thực sự vững chắc và thiếu cách tiếp cận toàn diện.

Trước hết, NHNN Việt Nam không nên đề xuất một giải pháp chung là cho phép cả 4 NHTM trụ cột giữ lại phần nộp NSNN từ phần vốn nhà nước tại NHTM hoặc nộp bằng cổ phiếu thay vì tiền mặt để tăng vốn điều lệ do mỗi NHTM trụ cột có đặc điểm rất khác nhau và theo đó có nhiều phương án tăng vốn điều lệ (nếu cần) cũng như có nhiều chiến lược phát triển, đề án tái cấu trúc khác biệt phù hợp với từng NHTM. Nói cách khác, không thể chỉ có một lời giải cho nhiều bài toán khác nhau.

Thứ hai, phần nộp NSNN của cả 4 NHTM trụ cột khoảng vài nghìn tỷ đồng mỗi năm không phải là quá lớn so với hơn 1 triệu tỷ đồng thu NSNN năm 2018 hay 150.313 tỷ đồng riêng thu về vốn chẳng hạn song nếu thiếu khoản thu đó thì thâm hụt NSNN có thể không dừng lại ở 3,46% GDP hoặc gây áp lực lên các nhiệm vụ thu khác để bảo đảm chi NSNN cũng như trang trải khoản chi trả nợ gốc đã lên đến 133.495 tỷ đồng năm 2018 và còn tăng cao hơn nữa trong những năm tới.

Hơn nữa, NSNN đang thực hiện cơ cấu lại theo hướng hạn chế đầu tư cho các DNNN, trong đó có cả trường hợp của các NHTM trụ cột có phần vốn nhà nước chiếm tỷ trọng lớn, thậm chí tới 100% như ở Agribank. Ngoài ra, việc quản lý vốn nhà nước tại các DN có phần vốn nhà nước đang được chuyển giao sang Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN, trong đó có nòng cốt là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) nên nếu thay khoản nộp NSNN bằng cổ phiếu, nghĩa là tăng thêm tỷ trọng vốn nhà nước tại các NHTM trụ cột, sẽ không chỉ đi ngược lại xu thế đẩy mạnh cổ phần hóa các DNNN và rút dần vốn nhà nước khỏi những DN mà Nhà nước không cần nắm cổ phần hoặc cổ phần chi phối mà còn phải điều chỉnh cơ chế quản lý vốn nhà nước tại các NHTM trụ cột khi NHNN Việt Nam vẫn là cơ quan thay mặt Chính phủ quản lý phần vốn nhà nước tại các NHTM này (cơ chế bộ chủ quản), chứ không phải là Ủy ban Quản lý vốn nhà nước như đối với trường hợp hàng loạt tập đoàn khổng lồ là: Tập đoàn Dầu khí (PVN), Tập đoàn Điện lực (EVN), Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV),...

Thứ ba, muốn tăng vốn điều lệ cho 4 NHTM trụ cột thì nguồn vốn ngoài nhà nước, kể cả vốn đầu tư nước ngoài đóng vai trò quan trọng không kém so với nguồn vốn nhà nước đã, đang và sẽ ngày càng khó bố trí sắp xếp trong bối cảnh các khoản chi NSNN đang được cơ cấu lại theo hướng tiết kiệm triệt để chi thường xuyên dành vốn cho đầu tư phát triển, nhất là đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực. Theo đó, vấn đề của Agribank là thúc đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa hoặc thông qua bán một phần vốn nhà nước hoặc phát hành thêm cổ phiếu cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước để tăng vốn chứ không phải lại bơm thêm vốn nhà nước cho Agribank.

Tương tự như vậy đối với Vietinbank và BIDV, khi tỷ trọng vốn nhà nước sau khi cổ phần hóa 2 NHTM trụ cột này vẫn còn quá lớn sau nhiều năm thực hiện cổ phần hóa, thậm chí tỷ trọng này ở BIDV vẫn đến 95,28%. Kinh nghiệm và bài học giảm tỷ trọng vốn nhà nước xuống 65% thông qua bán vốn, phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư trong và ngoài nước của chính Vietcombank cần được lãnh đạo Vietinbank và BIDV tham khảo, học tập nghiêm túc thay vì chỉ quẩn quanh trông chờ vào “bầu sữa” NSNN vốn đang rất không dồi dào như hiện nay. Cũng chính Vietcombank là NHTM trụ cột có quy mô lợi nhuận và các chỉ số tài chính tốt nhất và ngày càng củng cố vị trí dẫn đầu so với 3 NHTM trụ cột còn lại có phần vốn nhà nước chiếm tỷ trọng áp đảo tuyệt đối hơn nhiều.

Tóm lại, câu trả lời cho câu hỏi có cần tăng vốn điều lệ cho 4 NHTM trụ cột của Việt Nam hay không và nếu cần thì tăng cho NHTM nào, tăng bao nhiêu, khi nào và bằng cách nào cần được tiếp cận một cách toàn diện, từ vấn đề thể chế, nguồn lực tài chính quốc gia đến phương thức và hiệu quả sử dụng vốn của mỗi NHTM trụ cột; đồng thời đặt chiến lược phát triển, đề án tái cấu trúc toàn diện mỗi NHTM trụ cột trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, trong chiến lược cơ cấu lại tổng thể nền kinh tế và thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế. Có như vậy, mỗi đề xuất điều chỉnh vốn điều lệ của các NHTM trụ cột mới có sức thuyết phục, đảm bảo tính khả thi và quan trọng hơn cả là đảm bảo mỗi đồng vốn của Nhà nước đều được sử dụng với hiệu quả cao nhất, ích nước lợi dân.

TS. VŨ ĐÌNH ÁNH
Chuyên gia Kinh tế
Theo Báo Kiểm toán số 26 ra ngày 27-6-2019
Cùng chuyên mục
  • Tham nhũng của tham nhũng
    5 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Sáng 16/6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định trong buổi tiếp xúc cử tri, báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 14 tại TP. Hải Phòng: Chính phủ đã yêu cầu phải xử lý nghiêm một số cán bộ thanh tra của Bộ Xây dựng xuống làm việc tại Vĩnh Phúc có vi phạm pháp luật. Thời gian tới, Chính phủ tiếp tục ban hành văn bản yêu cầu cán bộ thanh tra, điều tra, kiểm tra, kiểm toán phải thực hiện nghiêm quy định phòng, chống tham nhũng, có sự giám sát của nhân dân. Đặc biệt, Chính phủ sẽ áp dụng công nghệ để chống hành vi lợi dụng quyền lực nhằm nhũng nhiễu, tiêu cực.
  • Chữ tín…!
    5 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Trong những ngày qua, công luận bức xúc vì giá điện và hóa đơn tiền điện đều tăng sốc. Ngay trong nghị trường, nhiều đại biểu Quốc hội đã lên tiếng đề nghị KTNN vào cuộc để góp phần minh bạch hóa cơ cấu giá và chi phí ngành điện, làm rõ sự hợp lý của mức tăng giá điện nêu trên… Sự kiện này không chỉ cho thấy sự mất lòng tin của xã hội vào giải trình tăng giá của ngành điện, mà còn là minh chứng cho thấy vai trò và uy tín của KTNN trong đời sống kinh tế - xã hội nước ta.
  • Cần sớm xây dựng Luật Chống chuyển giá
    5 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Trước hết, cần khẳng định chuyển giá là một hiện tượng phổ biến không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước trên thế giới, kể cả những nước có nền kinh tế thị trường phát triển lâu đời và chúng ta đã phát hiện đồng thời xử lý một số trường hợp chuyển giá thông qua hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về chống chuyển giá dựa trên quan hệ liên kết.
  • Sửa Luật để Kiểm toán Nhà nước  tham gia phòng, chống  tham nhũng hiệu quả
    5 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Thực hiện Nghị quyết số 613/2018/UBTVQH14 ngày 13/12/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về việc điều chỉnh Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, KTNN đã xây dựng Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN năm 2015 (dưới đây gọi tắt là Dự thảo Luật) và đã được UBTVQH cho ý kiến tại Phiên họp thứ 32, chuẩn bị trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 sắp tới... Trước “quốc nạn” tham nhũng nặng nề và với vai trò đặc biệt của KTNN, đòi hỏi cần đặc biệt coi trọng mục tiêu và yêu cầu phòng, chống tham nhũng (PCTN) trong Dự thảo Luật này.
  • Tháo kíp bom nợ  “tín dụng đen”
    5 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Ngày 19/02, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 19/2019/NĐ-CP về họ, hụi, biêu, phường, có hiệu lực từ ngày 05/4/2019, theo đó, Chính phủ ấn định việc tổ chức các hoạt động trên chỉ được áp dụng mức lãi suất trần 20%/năm của tổng giá trị các phần họ phải góp trừ đi giá trị các phần họ đã góp trên thời gian còn lại của dây họ.
Tăng vốn điều lệ cho bốn ngân hàng thương mại trụ cột