Luật KTNN năm 2015 được Quốc hội khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 9, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016 đã thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về KTNN, tạo cơ sở pháp lý cho tổ chức, hoạt động của KTNN, góp phần nâng cao vai trò, hiệu lực và hiệu quả hoạt động của KTNN, đáp ứng yêu cầu phục vụ việc kiểm tra, giám sát của Nhà nước trong việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Tuy nhiên, thực tiễn sớm đặt ra nhu cầu tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện Luật KTNN theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XII và Kế hoạch số 07-KH/TW ngày 27/11/2017 của Bộ Chính trị; Điều 118 Hiến pháp năm 2013 nhằm khắc phục những hạn chế của Luật hiện hành...
Đặc biệt, để phát huy vai trò của KTNN trong công tác PCTN theo quy định của Luật PCTN năm 2018, Dự thảo Luật cần bổ sung nhiệm vụ PCTN theo quy định của pháp luật về PCTN cho KTNN và sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan, bảo đảm sự thống nhất và tương thích giữa Luật KTNN với Luật PCTN và các luật có liên quan, tạo cơ sở pháp lý để KTNN thực hiện nhiệm vụ về PCTN.
Đồng thời, bổ sung quy định KTNN, kiểm toán viên nhà nước khi thực hiện nhiệm vụ kiểm toán có quyền xác minh để làm rõ vụ việc có dấu hiệu tham nhũng theo quy định của pháp luật PCTN; bổ sung căn cứ ban hành quyết định kiểm toán đối với vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Dự thảo cũng cần bổ sung nhiệm vụ giám định tư pháp về tài chính công, tài sản công trong các vụ án tham nhũng, nhằm tạo cơ sở pháp lý để KTNN thực hiện các yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng về giám định đối với một số vụ việc cụ thể về lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng... phục vụ cho giải quyết vụ án tham nhũng kinh tế. Việc KTNN tham gia vào nhiệm vụ thực hiện giám định về các nội dung chuyên môn liên quan phục vụ yêu cầu giải quyết các vụ án, nhất là án tham nhũng kinh tế là một giải pháp quan trọng trong việc thúc đẩy giải quyết có hiệu quả các vụ án, vụ việc cần phải có cơ quan chuyên môn làm giám định tư pháp độc lập trong hoạt động tố tụng.
Hơn nữa, cần cụ thể hóa trách nhiệm và cơ chế phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để hạn chế tình trạng trùng lặp, chồng chéo giữa hoạt động thanh tra, kiểm tra với hoạt động KTNN. Theo Luật, KTNN được độc lập xây dựng và ban hành kế hoạch kiểm toán.
Nhưng trong quá trình xây dựng kế hoạch kiểm toán, KTNN vẫn gửi lấy ý kiến Thanh tra Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, các tổ chức, đơn vị liên quan khác. Kế hoạch kiểm toán sau khi trình Quốc hội và xin ý kiến đại biểu Quốc hội mới được ban hành và tổ chức thực hiện. Dù KTNN và Thanh tra Chính phủ đã ký Quy chế phối hợp công tác nhưng thông qua Quy chế phối hợp này, việc giải quyết chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động kiểm toán giữa cơ quan thanh tra, cơ quan kiểm toán mới chỉ thực sự ở KTNN với Thanh tra Chính phủ, còn đối với hoạt động của thanh tra địa phương, thanh tra chuyên ngành vẫn chưa được giải quyết triệt để. Để khắc phục tình trạng này, Dự thảo Luật cần bổ sung và cụ thể hóa quy định về trách nhiệm cơ quan thanh tra, kiểm tra.
Đặc biệt, Dự thảo cần khẳng định và cụ thể hóa cơ chế thực thi hiệu lực các ý kiến của KTNN, nhất là cơ chế hiệu lực thực thi các kết luận và các kiến nghị KTNN, cùng với Ủy ban Kiểm tra T.Ư và các đơn vị chức năng thanh tra, kiểm tra, công an, nội chính, kiểm sát và tòa án, đóng vai trò trụ cột, phối hợp hiệu quả với sự phát hiện, phản ánh của nhân dân, của các cơ quan báo chí trong cơ chế kiểm soát quyền lực và đánh giá hiệu quả thực thi, sử dụng quyền lực và chống tham nhũng trong quản lý nhà nước.
Là mắt xích liên tục và quan trọng, cơ quan gác cửa cuối cùng trong quy trình phòng, chống tham nhũng ở nước ta, việc sửa Luật KTNN để tăng cường vai trò, hiệu lực và hiệu quả của hoạt động KTNN trong PCTN là cần thiết và cần làm ngay, càng sớm càng tốt.
TS. NGUYỄN MINH PHONG - Chuyên gia Kinh tế
Theo Báo Kiểm toán số 21 ra ngày 23-5-2019