Quy định này phù hợp với quy định hiện hành trong Bộ luật Dân sự và Bộ luật Hình sự (2015) nhằm ngăn chặn tội phạm cho vay nặng lãi (là giao dịch dân sự cho vay với lãi suất gấp 5 lần mức trần 20%...), cũng như ngăn chặn việc lạm dụng tổ chức họ, hụi, biêu, phường để cho vay lãi nặng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, huy động vốn trái pháp luật hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác…
Thực tế cho thấy, thời gian qua, các hình thức “vay online”, “vay trực tuyến” mới mẻ tân kỳ, cùng với các hoạt động chơi hụi, họ truyền thống… xuất hiện nhan nhản, với những lời quảng cáo rất hấp dẫn, như: thủ tục vay siêu nhanh, siêu đơn giản và mọi nhu cầu vay vốn được chấp nhận. Hoạt động cho vay kiểu “tín dụng đen” này có quy mô ngày càng lớn, phạm vi ngày càng mở rộng và hệ lụy cũng ngày càng nặng nề cả về kinh tế và xã hội…
Riêng trên địa bàn TP. Hà Nội, tính đến ngày 15/02/2019, có 1.997 cơ sở cầm đồ, kinh doanh tài chính, trong đó, cơ sở cầm đồ giảm, nhưng cơ sở kinh doanh tài chính lại tăng, tiềm ẩn nhiều phức tạp về hoạt động “tín dụng đen”. Số lượng cơ sở kinh doanh cầm đồ, kinh doanh tài chính và các cá nhân hoạt động “rải họ”, “bốc họ”... trên địa bàn Thành phố hiện nay không hề nhỏ. Lực lượng cảnh sát hình sự toàn Thành phố đã tổng kiểm tra phát hiện 80 cơ sở có vi phạm, hiện đang xác minh 8 cơ sở kinh doanh tài chính có dấu hiệu cho vay nặng lãi. Trong đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, toàn Thành phố đã triệt phá 201 ổ nhóm tội phạm hình sự, trong đó có 8 ổ nhóm tội phạm có tổ chức, với 5 ổ nhóm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Các đơn vị chức năng đã tăng cường trao đổi thông tin trong quá trình điều tra cơ bản, rà soát, thống kê, lên danh sách đầy đủ các cơ sở, cá nhân hoạt động kinh doanh tài chính không phép trên địa bàn; tổ chức kiểm tra, thu hồi giấy phép các cơ sở kinh doanh không phép.
Theo số liệu thống kê chưa chính thức của Bộ Công an tại Hội nghị trực tuyến triển khai Nghị định số 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ ngày 26/12/2018, ước tính “tín dụng đen” đang cho vay khoảng 2.500 tỷ đồng; trong 4 năm qua, cả nước có tới 7.624 vụ phạm tội liên quan đến “tín dụng đen”, với 56 vụ giết người, 398 vụ cố ý gây thương tích, 629 vụ cướp tài sản, 1.809 vụ lừa đảo... Lực lượng cảnh sát hình sự đang theo dõi, quản lý 124 băng nhóm với 831 đối tượng hoạt động có tổ chức về lĩnh vực cho vay nặng lãi.
Hoạt động cho vay “tín dụng đen” ngày càng có nhiều biến tướng khó lường, với đặc trưng cơ bản là có lãi suất huy động và cho vay cao, trong khi thủ tục thực hiện thì vô cùng đơn giản và thường sử dụng bạo lực để đòi nợ. Các chủ nợ và con nợ của các hoạt động “tín dụng đen” cũng ngày càng đa dạng và mở rộng; thậm chí có cả người đang làm việc trong hệ thống tín dụng ngân hàng. Lãi suất “tín dụng đen” dao động từ 0,15% một ngày, tương ứng 4,5% một tháng, 54% một năm lên tới 10.000 đồng/triệu đồng/ngày, tương đương với 30%/tháng và 360%/năm. Cá biệt, tại Hà Nội, gần đây có hiện tượng cho vay với lãi suất 30 - 40%/tháng (360 - 480% /năm). Nhưng phổ biến hơn cả vẫn là mức 3.000 - 6.000 đồng/triệu đồng/ngày, tương đương với khoảng trên dưới 200%/năm (khoảng gần 20% một tháng). Cơ chế “hoạt động đa cấp” (nhiều trung gian tài chính và ăn dầy) trong “tín dụng đen” càng khiến cho mức độ và biên độ chênh lệch lãi suất ngày càng lớn, thậm chí cao thêm tới 2 - 3 lần lãi suất gốc…
“Tín dụng đen” phổ biến và đa dạng về hình thức, không khó nhận diện, nhưng không dễ bắt quả tang, do có nhiều chiêu thức qua mặt cơ quan chức năng: Các chủ “tín dụng đen” thường không thể hiện hoặc che giấu mức lãi suất thực trong “hợp đồng dân sự”, mà thường khấu trừ luôn tiền lãi vào số tiền gốc ngay khi giao tiền hoặc lấy lãi theo ngày. Hơn nữa, các chủ này thường chia nhỏ số tiền cho vay để lách luật; hoặc thậm chí giấu mặt, chỉ đạo ngầm người khác thực hiện…
Nhận diện và ngăn chặn “tín dụng đen” là cần thiết và cần sự đồng bộ các giải pháp, sự phối hợp chặt chẽ từ các bên liên quan: sự minh bạch và đầy đủ, chặt chẽ hơn trong hệ thống luật pháp; sự tích cực vào cuộc của các cơ quan chức năng trong thông tin, tuyên truyền, giám sát, nhận diện, truy xét và xử lý các tội phạm “tín dụng đen”; sự mở rộng của các nguồn tín dụng ngân hàng cho vay tiêu dùng với lãi suất và thời hạn hợp lý. Đặc biệt, rất cần sự cảnh giác của người vay để không tự biến thành nạn nhân của chính mình trước quả bom nợ nần mà những chiếc bẫy nợ “tín dụng đen” đã, đang và sẽ tiếp tục giăng ra…!
TS. NGUYỄN MINH PHONG - Chuyên gia Kinh tế