Chủ động đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực
Là một trong những địa phương sớm thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, Ban Chỉ đạo PCTNTC Thành ủy Hà Nội cho biết, việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra để phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực được địa phương đặc biệt quan tâm. Ban Chỉ đạo Thành ủy đã đưa 60 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm vào diện theo dõi, chỉ đạo. Thường trực Ban Chỉ đạo, Ban Chỉ đạo đã thống nhất kết thúc theo dõi, chỉ đạo 9 vụ án, vụ việc và hiện còn chỉ đạo xử lý 51 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp được dư luận xã hội quan tâm.
Đáng chú ý, các cơ quan hành chính của Thành phố triển khai 497 cuộc thanh tra, qua đó phát hiện vi phạm, kiến nghị thu hồi 99,13 tỷ đồng; kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm đối với 76 tập thể và 145 cá nhân. Qua thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, các Sở, ngành, đơn vị, địa phương đã chuyển 170 vụ án, vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về kinh tế, tham nhũng đến cơ quan điều tra.
Trong khi đó, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Đồng Nai Trần Trung Nhân cho biết, trong 42 đầu việc theo chỉ đạo của Đoàn kiểm tra Ban Chỉ đạo PCTNTC Trung ương (Ban Chỉ đạo T.Ư) giao Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai chỉ đạo thực hiện từ năm 2022 đến nay, các cơ quan chức năng của tỉnh đã ra quyết định khởi tố 16 vụ án, đình chỉ 1 vụ, chuyển Bộ Công an 1 vụ và đang xác minh làm rõ xử lý 22 vụ việc.
Từ thực tế hoạt động trong 1 năm qua, Ban Chỉ đạo PCTNTC các tỉnh đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm. Theo Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng, công tác chỉ đạo xử lý các vụ việc tham nhũng, tiêu cực phải sâu sát, quyết liệt, đúng chức năng, nhiệm vụ, không làm thay việc của các cơ quan chức năng và cũng không buông lỏng sự lãnh đạo. Thường xuyên quán triệt nguyên tắc, định hướng của Đảng và chỉ đạo của Tổng Bí thư trong xử lý tham nhũng, tiêu cực; phải tích cực, khẩn trương, rõ đến đâu xử lý đến đó, không phân biệt người có hành vi tham nhũng là ai, đã có dấu hiệu tội phạm là phải khởi tố, điều tra và đã kết luận có tội thì phải truy tố, xét xử.
Còn Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Hải Ninh cho rằng, ngoài việc nghiêm túc quán triệt, chỉ đạo triển khai thực hiện đầy đủ các chỉ đạo của T.Ư, kết luận của Tổng Bí thư, bài học rút ra là phải chủ động báo cáo, xin ý kiến hướng dẫn của Ban Nội chính T.Ư, các cơ quan tố tụng T.Ư đối với những khó khăn, vướng mắc để xử lý vụ án, vụ việc. Đồng thời, cần đề cao tính kỷ cương, kỷ luật, gắn với yêu cầu cao về tinh thần trách nhiệm, gương mẫu của từng thành viên Ban Chỉ đạo.
Phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm từ sớm, từ xa
Theo đánh giá của Ban Nội chính T.Ư, mặc dù có những khó khăn, vướng mắc ban đầu nhưng các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã nỗ lực, quyết tâm cao, khẩn trương triển khai các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được quy định; kế thừa, phát huy, vận dụng sáng tạo những kinh nghiệm được rút ra qua tổng kết 10 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo T.Ư để lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTNTC ở địa phương và đạt được những kết quả bước đầu quan trọng. Hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh từng bước đi vào nền nếp, thực sự là chỗ dựa tin cậy để các cơ quan chức năng yên tâm thực thi nhiệm vụ, cán bộ, đảng viên và nhân dân tích cực tham gia vào công tác PCTNTC.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị sơ kết 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo PCTNTC cấp tỉnh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Ban Chỉ đạo T.Ư - khẳng định, kết quả 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh là cơ sở thực tiễn cho thấy chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh là đúng đắn, cần thiết, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình ủng hộ, đánh giá cao.
Từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh sau 1 năm thành lập, Tổng Bí thư đã chỉ ra 5 bài học kinh nghiệm trong công tác PCTNTC. Trong đó, trọng tâm là có chủ trương, nghị quyết đúng; có sự đồng thuận cao, với sự chỉ đạo và thực hiện quyết liệt của Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư và của Ban Thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy theo đúng tinh thần “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị tập trung chỉ đạo phát hiện, xử lý dứt điểm những điểm nghẽn, vấn đề bức xúc dư luận xã hội quan tâm; tạo chuyển biến trong công tác PCTNTC ở địa phương, cơ sở; làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm từ sớm, từ xa, tập trung vào lĩnh vực dễ tham nhũng, tiêu cực. Khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm, cần kết hợp giữa kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính với xử lý hình sự, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
Đồng thời, lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy hơn nữa vai trò của cơ quan đại biểu dân cử, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan truyền thông, sự đồng tình ủng hộ của nhân dân trong công tác đấu tranh PCTNTC. “Cơ quan, đơn vị, địa phương nào nếu tự kiểm tra, giám sát không phát hiện tham nhũng, tiêu cực, mà sau đó các đoàn kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán của T.Ư lại phát hiện có tham nhũng, tiêu cực thì người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương đó phải chịu trách nhiệm và phải có hình thức xử lý nghiêm khắc” - Tổng Bí thư nhấn mạnh./.
Sau 1 năm đi vào hoạt động, các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã rà soát, đưa 600 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực vào diện theo dõi, chỉ đạo để tập trung chỉ đạo xử lý; các địa phương đã khởi tố 530 vụ án, 1.858 bị can về tội tham nhũng. Các cơ quan chức năng qua kiểm tra, thanh tra đã phát hiện, chuyển cho cơ quan điều tra hơn 280 vụ việc có dấu hiệu tội phạm, tăng gần gấp 3 lần so với 1 năm trước khi thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh.