Tạo cơ chế đột phá phát triển công nghiệp dược

(BKTO) - Phát triển ngành dược vừa là vấn đề kinh tế, vừa liên quan đến chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Vì vậy, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược cần luật hóa các chính sách ưu đãi, đủ mạnh, có tính đột phá để khuyến khích phát triển lĩnh vực này.

duoc-pham-040423.jpg
Cần có những cơ chế ưu đãi đột phá để thu  hút đầu tư vào lĩnh vực dược. Ảnh: TTXVN

Chính sách ưu đãi cần cụ thể, khả thi hơn

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược vừa được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 32.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, một trong những nội dung quan trọng trong sửa đổi Luật lần này là sửa đổi, bổ sung các quy định về chính sách phát triển công nghiệp dược.

Trong đó, Dự thảo Luật sửa đổi một số nội dung quy định nhằm khuyến khích, ưu đãi cho các cơ sở sản xuất trong nước, khuyến khích gia công, chuyển giao công nghệ sản xuất tại Việt Nam nguyên liệu làm thuốc, thuốc generic hoặc thuốc mới, thuốc biệt dược gốc, thuốc chuyên khoa đặc trị, vắc xin, sinh phẩm, thuốc ứng dụng công nghệ cao, thuốc sản xuất từ nguồn dược liệu Việt Nam và rút ngắn trình tự thủ tục cấp phép lưu hành đối với các thuốc này; mở rộng quyền của cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc có vốn đầu tư nước ngoài.

Dự thảo Luật cũng bổ sung trách nhiệm các Bộ liên quan trong việc chủ trì áp dụng khoa học và công nghệ để phát triển ngành công nghiệp hóa dược…

Từ góc độ cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban xã hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng, các chính sách về ưu đãi phát triển công nghiệp dược còn chung chung và mang tính nguyên tắc. Do đó, Chính phủ cần làm rõ những hạn chế, vướng mắc, bất cập, sớm có giải pháp, chính sách cụ thể, đặc thù, nhất là trong lĩnh vực ưu đãi đầu tư để đáp ứng mục tiêu phát triển sản xuất dược liệu, sản xuất thuốc, vắc xin trong nước trong giai đoạn tới; đồng thời, cụ thể hóa hơn nữa chính sách “tạo điều kiện thuận lợi về trình tự, thủ tục đăng ký lưu hành”, “ưu tiên về trình tự, thủ tục” trong Dự thảo Luật.

Đồng tình quan điểm trên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đánh giá, với đất nước hơn 100 triệu dân thì nhu cầu về thuốc là rất lớn. Tuy nhiên, chúng ta chưa làm chủ được công nghiệp dược, nên việc sửa đổi chính sách để tạo cơ chế ưu đãi tốt hơn, thu hút đầu tư và có những đột phá phát triển công nghiệp dược là cần thiết.

Theo ông Tùng, quy định của Dự thảo Luật chưa thật cụ thể, chủ yếu dừng lại ở quan điểm, chính sách. “Thế nào là ưu đãi đầu tư, ưu đãi đặc biệt cho nghiên cứu khoa học? Nên bổ sung chính sách cụ thể ưu đãi cái gì, thu hút đầu tư thế nào thì mới có điều kiện thực hiện, mới đi vào cuộc sống dễ hơn. Luật này không cụ thể thì nghị định của Chính phủ cũng rất khó quy định khác với quy định của Luật Đầu tư. Hơn nữa, Luật này có quy định ưu đãi cụ thể khác với Luật Đầu tư thì cũng không có vấn đề vì Luật Đầu tư cho phép” - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật phân tích.

Cho ý kiến về Dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu thực tế, đa số thuốc thông thường Việt Nam đã tự sản xuất được, song nguyên liệu làm thuốc và nhiều thuốc đặc trị, thiết yếu chủ yếu phải nhập khẩu.

Nhấn mạnh việc phát triển ngành dược là rất quan trọng, vừa là vấn đề kinh tế, vừa liên quan đến chăm sóc sức khoẻ nhân dân, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra rà soát lại Quyết định số 376/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, để luật hoá một số chuyến sách khuyến khích ngành dược phát triển mạnh hơn nữa. “Cần có một số quy định khung về mặt nguyên tắc để tính toán quy định cụ thể” - Chủ tịch Quốc hội nói.

Theo đó, cần có các chính sách ưu đãi với các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghệ cao thông qua các quy định về lộ trình giảm giá thuốc, tăng tỷ lệ trích quỹ nghiên cứu phát triển với doanh nghiệp nghiên cứu, phát triển thuốc mới; thúc đẩy liên doanh hợp tác trong nước - nước ngoài thành chuỗi, đặc biệt trong các hoạt động chuyển giao công nghệ tại Việt Nam. Đồng thời, nghiên cứu, có chính sách ưu đãi với thuế nhập khẩu, nguyên liệu nhập khẩu làm thuốc, góp phần giảm giá thành sản phẩm, hoặc có chính sách với các hoạt động nghiên cứu khoa học, thử nghiệm với thuốc hiếm…

Kiểm soát chặt kinh doanh thuốc theo phương thức thương mại điện tử

Một trong những điểm mới đáng chú ý khác là Dự thảo Luật bổ sung quy định kinh doanh chuỗi nhà thuốc và kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử.

Theo Thường trực Ủy ban Xã hội, việc bổ sung nội dung này là cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn song đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ nội hàm “kinh doanh chuỗi nhà thuốc”, cụ thể hơn các quy định điều kiện thành lập, cách thức hoạt động, cơ chế quản lý để có căn cứ xem xét, bảo đảm tính khả thi và tính đồng thuận.

thuoc-1-.jpg
Quy định chặt chẽ về hoạt động kinh doanh thuốc theo phương thức thương mại điện tử để bảo đảm an toàn cho người sử dụng. Ảnh:  vneconomy.vn

Theo đó, đối với kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử, cần quy định cụ thể hơn về các loại thuốc được kinh doanh, các hình thức kinh doanh được thực hiện theo phương thức thương mại điện tử, đối tượng được tham gia mua, bán để tạo sự minh bạch của quy định và bảo đảm an toàn cho người sử dụng.

“Nếu quy định bán lẻ thuốc theo phương thức thương mại điện tử, thì chỉ nên áp dụng với thuốc không kê đơn. Bên cạnh đó, cần rà soát quy định về thương mại điện tử để bảo đảm phù hợp với Luật Giao dịch điện tử” - bà Nguyễn Thúy Anh nêu quan điểm của cơ quan thẩm tra.

Góp ý về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, thuốc là loại hàng hoá rất đặc biệt nên điểm mấu chốt là cần nghiên cứu, tìm điểm cân bằng để có độ mở phù hợp giữa thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, thương mại với bảo vệ sức khoẻ người dân.

“Thuốc là mặt hàng rất đặc biệt, ảnh hưởng trực tiếp sức khoẻ người dân, do đó bán thuốc nói chung và bán thuốc qua phương thức thương mại điện tử phải được kiểm soát rất chặt, cần đánh giá tác động cụ thể” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh và đề nghị Ban soạn thảo, Ủy ban Xã hội phối hợp để quy định cụ thể, chặt chẽ hơn với phương thức kinh doanh mới này.

Theo đó, đề nghị cân nhắc kỹ trên cơ sở đánh giá lợi ích, rủi ro, hậu quả với người bệnh khi mua thuốc trực tuyến; đánh giá mức độ kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước; đồng thời nghiên cứu kinh nghiệm của các nước trên thế giới với vấn đề này.

Đề cập đến quy định các cơ sở bán lẻ dược được bán thuốc thuộc danh mục do Bộ Y tế quy định được bán theo phương thức thương mại điện tử phù hợp với phạm vi kinh doanh tại giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề: Nếu nhà thuốc mà trong chuỗi nhà thuốc dùng chung một website thì người dân xác định nơi bán như thế nào? Ai bán? Bên cạnh đó, cần làm rõ doanh nghiệp có chuỗi bán lẻ thuốc cho người dân khi có sự cố cụ thể thì xem xét, quy trách nhiệm như thế nào?

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị nghiên cứu kỹ hơn về kinh doanh chuỗi nhà thuốc. Bởi thực tế hiện nay ở nước ta hầu hết là cửa hàng kinh doanh bán lẻ, do đó cần đánh giá kỹ tác động của những chính sách cho chuỗi bán lẻ thuốc đối với những cơ sở bán lẻ thuốc, nhất là về vấn đề bình đẳng, không phân biệt đối xử trong kinh doanh.

Cùng chuyên mục
  • Đồng bằng sông Cửu Long: Làm sao để sống chung với hạn, mặn?
    13 ngày trước Xã hội
    (BKTO) - Chỉ trong một thập kỷ qua, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã trải qua 3 mùa khô có mức độ hạn, mặn rất nghiêm trọng. Giới chuyên gia dự báo, khu vực này có thể phải đối mặt với nhiều mùa hạn, mặn khốc liệt như năm nay hoặc hơn thế nữa trong tương lai. Vậy, giải pháp nào để sống chung với hạn, mặn?
  • Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương: Nhân lên sức mạnh để đất nước phát triển và trường tồn
    13 ngày trước Xã hội
    (BKTO) - Cách đây 70 năm, sáng 19/9/1954, sau khi đến thăm Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, thắp hương tưởng niệm các Vua Hùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có cuộc gặp gỡ, nói chuyện với cán bộ chiến sỹ Đại đoàn Quân Tiên Phong tại sân Đền Giếng, giao nhiệm vụ và căn dặn cán bộ chiến sỹ Đại đoàn về tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Kết thúc buổi nói chuyện, Bác nói: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Lời căn dặn của vị lãnh tụ vĩ đại được nói vào thời khắc lịch sử đặc biệt, tại đất thiêng Đền Hùng như lời hịch của non sông, như tiếng vọng mang hào khí ngàn năm của dân tộc ta.
  • Trên 77 triệu lượt tra cứu thẻ bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chíp
    13 ngày trước Xã hội
    (BKTO) - Ngày 17/4, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, cơ quan này đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong việc thúc đẩy chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp đối với việc thực hiện chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).
  • Giỗ Tổ Hùng Vương: Biểu tượng thiêng liêng của dân tộc Việt Nam
    14 ngày trước Xã hội
    (BKTO) - Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, một trong những tín ngưỡng đặc thù, có vị trí hết sức đặc biệt trong đời sống tinh thần và là một trong những thành tố tạo nên bản sắc văn hóa độc đáo của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Trải qua bao biến cố của lịch sử, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của dân tộc Việt Nam luôn chiếm vị trí thiêng liêng trong đời sống tinh thần của cộng đồng các dân tộc; được bảo tồn và lưu truyền qua bao nhiêu thế hệ với sức sống lâu bền và ngày một lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng xã hội.
  • Đa dạng hóa nguồn lực cho bảo tồn, phát huy giá trị di sản
    14 ngày trước Xã hội
    (BKTO) - Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đề nghị Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) cần bổ sung một số chính sách nhằm đa dạng hóa nguồn lực phát triển văn hóa, xã hội hóa lĩnh vực văn hóa, cải tạo nâng cấp các di sản văn hóa để phát triển văn hóa…
Tạo cơ chế đột phá phát triển công nghiệp dược