Tạo cơ chế đột phá, vượt trội phát triển TP.Hồ Chí Minh

(BKTO) - Tiếp tục Phiên họp thứ 23, chiều 12/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Hồ Chí Minh.

120520230351-z4339151070786_d2236a94d277a98ce7e5479b9bda1168.jpg
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: VPQH

Trình bày Tờ trình về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Dự thảo Nghị quyết thí điểm 7 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù về: quản lý đầu tư; tài chính ngân sách; quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; thu hút nhà đầu tư chiến lược; quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy của Thành phố; tổ chức bộ máy thành phố Thủ Đức.

Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ hợp thứ 5 theo trình tự thủ tục rút gọn tại một kỳ họp; có hiệu lực thi hành sau khi Nghị quyết được Quốc hội thông qua và được thực hiện trong 5 năm.

Thẩm tra Dự thảo Nghị quyết, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách tán thành sự cần thiết ban hành Dự thảo Nghị quyết để có chính sách vượt trội, tạo bước đột phá theo đúng tinh thần Nghị quyết 31-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị, việc ban hành Nghị quyết cần lưu ý một số quan điểm và tuân thủ các nguyên tắc cơ bản. Đó là các quy định cần mang tính thiết thực, góp phần tháo gỡ kịp thời những vướng mắc về thể chế, chính sách, pháp luật đã và đang cản trở tiến trình phát triển; chính sách mới cần “mang tính đột phá” mạnh mẽ, “vượt trội về chính sách” theo đúng tinh thần Nghị quyết số 24-NQ/TW, Nghị quyết 31-NQ/TW của Bộ Chính trị…; phải thực sự mang tính lan tỏa, tác động sâu rộng không chỉ đối với Thành phố mà cần mang lại hiệu ứng tích cực đối với vùng miền và cả đất nước.

Cơ bản nhất trí với những chính sách được đánh giá là hiệu quả và cần tiếp tục kế thừa tại Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội, song cơ quan thẩm tra cho rằng, xét về số lượng chính sách là tương đối rộng. Do vậy, cần có sự lựa chọn, có trọng tâm, tránh dàn trải để mỗi chính sách đều có cơ hội đi vào cuộc sống. Đối với những chính sách chưa đủ căn cứ thực tiễn, chưa rõ về nội hàm, có thể dẫn đến vướng mắc pháp luật thì không nên quy định.

Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng đề nghị nghiên cứu, có chính sách thu hợp lý, khả thi, góp phần cân đối nguồn lực cho những chính sách chi ngân sách; đề nghị bổ sung quy định về chế độ trách nhiệm, bảo đảm đúng nguyên tắc quyền hạn đi đôi với trách nhiệm…

Phát biểu ý kiến tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cơ bản thống nhất và ủng hộ Tờ trình của Chính phủ. Theo Chủ tịch Quốc hội, vấn đề thí điểm sẽ khác với luật định ở chỗ phải có không gian, thời gian, địa điểm cụ thể, thử nghiệm phải có kiểm soát, có quản lý. Do đó, đề nghị các cơ quan tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết.

Về các chính sách cụ thể, Chủ tịch Quốc hội cho biết, đối với chính sách kế thừa từ Nghị quyết số 54/2017/QH14 cơ bản đã có đầy đủ cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý và điều kiện thực tiễn áp dụng cho cả Thành phố. Đối với những chính sách mới, chưa có trong Nghị quyết số 54/2017/QH14, Quốc hội đã cho phép áp dụng ở một số địa phương, cơ bản nhận được sự thống nhất cao.

Ngoài ra, còn khoảng 6 chính sách dự kiến sẽ quy định trong các luật sửa đổi tới đây thì đề xuất cho Thành phố áp dụng trước. Quá trình Thành phố tổ chức thực hiện cũng là cơ sở thực tiễn để khi Chính phủ xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành có mô hình, có mẫu để đánh giá, tạo thuận lợi trong quá trình tổ chức thực hiện. Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát kỹ lưỡng nhằm bảo đảm tính tương thích.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, UBTVQH cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết và thống nhất trình Quốc hội Dự thảo Nghị quyết. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu ý kiến tại phiên họp để hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết.

Trong đó, cần rà soát để đảm bảo các chính sách không trái với Hiến pháp, tương thích với các điều ước quốc tế, để phát triển kinh tế gắn liền với giữ vững quốc phòng, an ninh. Bên cạnh đó, cần rà soát, nghiên cứu để tránh trùng lặp giữa các chính sách, đảm bảo các chính sách phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; trường hợp chưa phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, cần báo cáo xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền.

* Cũng trong phiên họp chiều 12/5, UBTVQH đã cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam./.

Cùng chuyên mục
Tạo cơ chế đột phá, vượt trội phát triển TP.Hồ Chí Minh