Tạo cơ hội để người lao động cân nhắc việc rút bảo hiểm một lần

(BKTO) - Để người lao động có thêm cơ hội cân nhắc việc có nên rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần hay không, đại biểu Quốc hội đề nghị cần tính toán các phương án để hỗ trợ cho người lao động như chính sách hỗ trợ về tín dụng trong thời gian đóng BHXH.

Chiều 27/3, thảo luận về Dự án Luật BHXH (sửa đổi) tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5, nhiều đại biểu Quốc hội nhấn mạnh việc cần tìm phương án tối ưu nhằm hạn chế tình trạng người lao động rút BHXH một lần.

dsc_2235.jpg
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: VPQH

Làm rõ hơn ưu, nhược điểm của từng phương án

Về vấn đề này, Dự thảo Luật do Chính phủ trình Quốc hội gồm hai phương án.

Phương án 1: Người lao động được chia làm hai nhóm:

Nhóm 1 tiếp tục được áp dụng hưởng BHXH một lần như quy định tại Nghị quyết số 93/2015/QH13 ngày 22/6/2015 của Quốc hội về việc thực hiện chính sách hưởng BHXH một lần đối với người lao động: Người lao động tham gia BHXH trước khi Luật có hiệu lực (dự kiến 01/7/2025), sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện.

Khác với quy định hiện hành, Dự thảo Luật có quy định quyền lợi bổ sung nếu người lao động lựa chọn bảo lưu, không nhận bảo hiểm xã hội một lần.

Nhóm 2: Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày Luật có hiệu lực trở đi thì không được áp dụng quy định này.

Phương án 2: Người lao động được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.

Qua thảo luận và ý kiến của các cơ quan tham gia, đa số cho rằng, Phương án 1 có nhiều ưu điểm. Bên cạnh đó, có ý kiến đồng tình với Phương án 2. Ngoài ra, có ý kiến đề nghị tích hợp Phương án 2 vào nhóm 2 của Phương án 1.

Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội thấy rằng, mỗi phương án đều có ưu điểm và nhược điểm. Dù lựa chọn phương án nào thì đều phải có giải pháp để giữ người lao động ở lại hoặc nhanh chóng trở lại thị trường lao động, tiếp tục tham gia BHXH, đó mới là giải pháp căn cơ, lâu dài.

Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Xã hội ủng hộ Phương án 1 của Chính phủ đề xuất, song đề nghị Chính phủ: Làm rõ hơn nữa ưu điểm, nhược điểm của từng phương án, dự báo tác động tới một bộ phận người lao động và những phát sinh khi Luật có hiệu lực thi hành.

Đối với phương án 1 (phương án Chính phủ lựa chọn), cần xác định rõ hơn về điều kiện hưởng BHXH một lần gắn với nỗ lực tìm kiếm việc làm của người lao động và kết quả giới thiệu việc làm của các Trung tâm dịch vụ việc làm. Đồng thời, nghiên cứu quy định chặt chẽ hơn, theo hướng có thể giảm quyền lợi nếu hưởng BHXH một lần.

Tạo cơ hội cho người lao động

Quan tâm đến quy định này, đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Đoàn Thừa Thiên Huế) cho rằng, nếu quy định theo Phương án 1 sẽ giúp người lao động ổn định tâm lý, bảo lưu lại quá trình đã đóng BHXH; dần dần từng bước khắc phục được tình trạng hưởng BHXH một lần theo tinh thần của Nghị quyết 28-NQ/TW; tiến tới tiếp cận theo tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế, giúp người lao động được thụ hưởng tối đa các quyền lợi dài hạn khi họ đến tuổi nghỉ hưu, góp phần ổn định cuộc sống khi về già.

dsc_2352.jpg
Đại biểu Quốc hội Lý Tiết Hạnh phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH

“Trong ngắn hạn, phương án này không giúp duy trì, gia tăng đối tượng tham gia BHXH so với Phương án 2 nhưng trong dài hạn thì phương án này tối ưu hơn. Do quy định này không ảnh hưởng tới những người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội nên sẽ dễ nhận được sự đồng thuận hơn của người lao động” - đại biểu Sửu nói.

Song nhược điểm của phương án này là do chỉ áp dụng đối với người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ ngày Luật này có hiệu lực, nên hiện có gần 18 triệu người lao động đang tham gia BHXH vẫn có quyền lựa chọn hưởng BHXH một lần. Do vậy, số người hưởng BHXH một lần không giảm nhiều, đồng thời tạo sự so sánh giữa những người lao động tham gia trước và sau khi Luật này có hiệu lực trong việc hưởng BHXH một lần.

Đại biểu Sửu đề nghị cần tiếp tục lấy ý kiến tham gia đối với 02 phương án nêu trên, đặc biệt là lấy ý kiến của người lao động, đối tượng chịu sự tác động, nhằm đảm bảo tốt nhất quyền lợi lâu dài cho người lao động.

Ủng hộ quy định theo Phương án 1 song đại biểu Lý Tiết Hạnh (Đoàn Bình Định) kiến nghị, khi xem xét các trường hợp rút BHXH một lần thì cần có quy trình đánh giá thêm việc rút BHXH một lần theo phương án này thì đã thực sự đáp ứng được nhu cầu tài chính trước mắt của người lao động hay chưa?

“Phải làm sao để người lao động có thêm cơ hội để cân nhắc có rút bảo hiểm hay không. Trong trường hợp bất khả kháng không còn cách nào khác nữa thì Nhà nước phải tính toán các phương án để hỗ trợ cho người lao động như chính sách hỗ trợ về tín dụng cho người lao động trong thời gian đóng BHXH” – đại biểu đề nghị.

Thường trực Ủy ban Xã hội cũng đề nghị Chính phủ cần sớm báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề án tổng thể về hỗ trợ người lao động gặp khó khăn phát sinh do thất nghiệp, mất việc làm, bệnh tật... thông qua các chính sách tín dụng xã hội, hỗ trợ tạo việc làm và các chính sách khác giúp người lao động có thể vượt qua khó khăn.

Trong khi đó, đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Đoàn Bạc Liêu) cho rằng Phương án 1 cũng chưa phải là phương án tối ưu để “giữ chân” người lao động không rút BHXH một lần.

Đại biểu chỉ rõ, Phương án 1 tạo ra “lát cắt” giữa các đối tượng tham gia trước và sau khi Luật này có hiệu lực. Đó là, khoảng 17 triệu lao động chiếm 38,7% lực lượng lao động trong độ tuổi (theo số liệu hiện nay), trong đó, số người có thời gian đóng BHXH dưới 20 năm sẽ tiếp tục được rút BHXH một lần; còn người bắt đầu tham gia BHXH từ ngày Luật có hiệu lực thi hành (01/7/2025) không được nhận BHXH một lần (trừ các trường hợp quy định tại Điều 60 Luật BHXH hiện hành). Như vậy, không bảo đảm đúng quan điểm của Đảng ta về BHXH toàn dân.

Theo quan điểm của đại biểu Trần Thị Hoa Ry, Phương án 2 tiếp cận gần hơn với mục tiêu của chính sách BHXH, cho phép được rút 50% để giữ chân họ ở lại hệ thống an sinh. Kèm theo đó, cần có chính sách hỗ trợ người lao động được vay ưu đãi, để giải quyết những khó khăn trước mắt.

Cùng chuyên mục
Tạo cơ hội để người lao động cân nhắc việc rút bảo hiểm một lần