Tạo động lực khuyến khích người dân tham gia và giảm thiểu tối đa nợ đọng bảo hiểm xã hội

(BKTO) - Năm 2023, tổng số thu bảo hiểm xã hội (BHXH) của Thành phố Hà Nội là 44.138 tỷ đồng, tăng 32,5% so với năm 2020. Tổng số thu giai đoạn 2020-2023 là 152.190 tỷ đồng, bình quân mỗi năm tăng 9,7%.

102421-bao-hiem-xa-hoi-18102022(1).jpg
Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN

Theo BHXH Thành phố Hà Nội, giai đoạn 2020-2023, BHXH Thành phố phối hợp với các sở, ngành, địa phương tham mưu Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố ban hành 53 văn bản (05 Nghị quyết, 02 Chương trình, 01 Chỉ thị, 14 Kế hoạch, 07 Quyết định và 24 văn bản) liên quan đến thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH kịp thời, tính khả thi cao, có tác dụng chỉ đạo định hướng, thực hiện chính xác, thống nhất các chủ trương của Thành phố, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô.

Đồng thời, BHXH Thành phố phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính và các sở, ngành, đơn vị tham mưu UBND Thành phố trình HĐND Thành phố ban hành Nghị quyết số 03/2022/NQ-HĐND về việc quy định một số nội dung và mức chi thuộc thẩm quyền của HĐND Thành phố quy định mức hỗ trợ tiền tham gia BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn. Kết quả, năm 2022, Thành phố đã hỗ trợ 44.635 người tham gia BHXH tự nguyện với số tiền 8,2 tỷ đồng; năm 2023 hỗ trợ 75.362 người, số tiền 26 tỷ đồng...

Hằng năm, số người tham gia BHXH của Thành phố đều đạt và vượt kế hoạch được giao. Năm 2020, số người tham gia BHXH là 1.846.011 người, đến năm 2023 số người tham gia là 2.164.037 người (tăng 17,2%), trong đó: BHXH bắt buộc là 2.057.698 người, BHXH tự nguyện là 106.339 người.

Số người tham gia BHXH tự nguyện cũng tăng dần qua các năm, cụ thể: năm 2020 có 48.674 người tham gia BHXH tự nguyện, đến năm 2023 đã có 106.339 người tham gia, tăng 118,5% so với năm 2020.

Bên cạnh đó, BHXH Thành phố luôn hoàn thành và vượt chỉ tiêu thu BHXH, BHTN do Chính phủ, BHXH Việt Nam giao, số thu năm sau cao hơn năm trước: Năm 2020 tổng số thu BHXH là 33.321 tỷ đồng, đến năm 2023 là 44.138 tỷ đồng, tăng 32,5% so với năm 2020. Tổng số thu giai đoạn 2020-2023 là 152.190 tỷ đồng, bình quân mỗi năm tăng 9,7%.

Tuy nhiên, tính đến hết năm 2023, toàn Thành phố vẫn còn 53.239 đơn vị chậm đóng BHXH, trong đó số tiền chậm đóng BHXH phải tính lãi là 1.537,8 tỷ đồng, tỷ lệ số tiền chậm đóng BHXH phải tính lãi là 2,3% (giảm 0,28% so với năm 2020). Số chậm đóng không thể thu hồi do các đơn vị ngừng, dừng giao dịch, phá sản, giải thể là 1.765,5 tỷ đồng chiếm 41,44% tổng số tiền chậm đóng.

Tại buổi làm việc của Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội với BHXH Thành phố về khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH giai đoạn 2020-2023 trên địa bàn Thành phố, BHXH Thành phố đã kiến nghị, đề xuất Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm BHXH về tiếp tục tăng mức hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện tạo động lực khuyến khích người dân tham gia; điều chỉnh giảm điều kiện về thời gian đóng BHXH tự nguyện; thống nhất giữa Luật BHXH và Luật BHYT người tham gia BHXH, BHYT là người lao động có hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc từ 01 tháng trở lên (hiện nay lao động có Hợp đồng lao động từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng chỉ tham gia BHXH bắt buộc, không thuộc đối tượng tham gia BHYT).

BHXH Thành phố Hà Nội cũng đề nghị Chính phủ ban hành Nghị định về việc xử lý số tiền chậm đóng BHXH, BHYT đối với các đơn vị, doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động, chưa hoàn thành việc trích, đóng BHXH, BHYT cho người lao động. Đề nghị Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố tiếp tục hỗ trợ mức đóng BHXH, BHYT cho người dân trên địa bàn, bao gồm các đối tượng: Người đồng bào dân tộc thiểu số, người cao tuổi từ 60 đến dưới 70 tuổi, người có hoàn cảnh khó khăn chưa có lương hưu, trợ cấp xã hội.

Ghi nhận các ý kiến tại buổi làm việc, đồng chí Phạm Thị Thanh Mai - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố đề nghị BHXH Thành phố Hà Nội đưa ra các giải pháp trọng tâm để mở rộng đối tượng tham gia trong thời gian tới cũng như giải pháp để giảm thiểu tối đa phát sinh các doanh nghiệp nợ đọng BHXH. BHXH Thành phố cần đảm bảo thanh tra kiểm tra tập trung, đồng thời phân loại rủi ro. Trong ứng dụng chuyển đổi số, BHXH Thành phố đã thực hiện tốt, nhưng cần lưu ý việc giảm tải chi phí xã hội trong công tác này.

Cùng chuyên mục
Tạo động lực khuyến khích người dân tham gia và giảm thiểu tối đa nợ đọng bảo hiểm xã hội