Tạo đột phá trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp bán dẫn

(BKTO) - Phó Thủ tướng Lê Thành Long vừa ký Chỉ thị số 43/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn và một số ngành công nghệ số cốt lõi.

1(1).jpeg
Ảnh minh họa. Nguồn: ST

Thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển công nghệ cao và ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam, ngày 21/9/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1018/QĐ-TTg ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 và Quyết định số 1017/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050".

Để đẩy mạnh việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm tạo đột phá trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp bán dẫn và các ngành công nghệ số cốt lõi như: Trí tuệ nhân tạo (AI), Điện toán đám mây (Cloud Computing), Internet vạn vật (IoT), Dữ liệu lớn (Big data), Chuỗi khối (Blockchain) cho phát triển đất nước trong bối cảnh phát triển nhanh, mạnh mẽ của khoa học công nghệ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tích cực tổ chức triển khai Chiến lược và Chương trình nêu trên.

Khẩn trương ban hành chuẩn chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương xây dựng và ban hành chuẩn chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn (hoàn thành trong Quý I/2025); rà soát, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách miễn, giảm học phí, cấp học bổng đối với người học các chuyên ngành đào tạo liên quan đến các ngành công nghiệp bán dẫn, công nghệ số cốt lõi trong và ngoài nước (hoàn thành trong Quý IV/2025).

Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất và tổ chức triển khai mô hình liên kết đào tạo nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn và các ngành công nghệ số cốt lõi giữa Nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp.

Khẩn trương hoàn thiện trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt các đề án, chương trình phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển hệ thống trung tâm đào tạo xuất sắc và tài năng về công nghệ 4.0.

Tạo môi trường thuận lợi để đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trao đổi chuyên gia, giảng viên chuyên môn trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, công nghệ số cốt lõi ở các cơ sở giáo dục đại học.

Đẩy mạnh truyền thông về tầm quan trọng của đào tạo nguồn nhân lực công nghiệp bán dẫn

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh truyền thông về vai trò, tầm quan trọng của việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ các ngành công nghiệp bán dẫn, công nghệ số cốt lõi.

Dự báo nhu cầu nhân lực phục vụ phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và các ngành công nghệ số cốt lõi đến năm 2030 làm cơ sở cho việc đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học (hoàn thành trong Quý IV/2025).

Xây dựng nền tảng, công cụ dùng chung phục vụ đào tạo chuyên gia thiết kế, phát triển chip bán dẫn (hoàn thành trong Quý IV/2025).

Tăng cường hỗ trợ nghiên cứu và phát triển công nghệ gắn với đào tạo nhân lực trình độ cao

Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng hướng dẫn triển khai thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học, các viện nghiên cứu có đào tạo tiến sĩ về các ngành công nghiệp bán dẫn, công nghệ số cốt lõi (hoàn thành trong Quý I/2025).

Tăng cường hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ gắn với đào tạo nhân lực trình độ cao để hình thành và phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, tạo điều kiện cho các nhóm nghiên cứu trẻ và các dự án khởi nghiệp công nghệ có tiềm năng phát triển trong các ngành công nghiệp bán dẫn, công nghệ số cốt lõi.

Ưu tiên bố trí các chương trình, nhiệm vụ nghiên cứu và phát triển sản phẩm vi mạch bán dẫn, công nghệ số cốt lõi gắn với đào tạo nhân lực tại các cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu, trung tâm đổi mới sáng tạo và doanh nghiệp.

Ưu tiên đầu tư các phòng thí nghiệm bán dẫn phục vụ đào tạo, nghiên cứu

Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương thực hiện lựa chọn các dự án ưu tiên đầu tư các phòng thí nghiệm bán dẫn phục vụ đào tạo, nghiên cứu theo giai đoạn phù hợp với nhu cầu của thị trường theo quy định của pháp luật. Nghiên cứu, đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù về ưu đãi đầu tư, huy động nguồn lực, sử dụng ngân sách nhà nước, tài sản công, cơ chế dùng chung phòng thí nghiệm, thu hút nhân tài, chuyên gia, giảng viên để phát triển nhân lực các ngành công nghiệp bán dẫn, công nghệ số cốt lõi.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường hợp tác chặt chẽ trong mối quan hệ giữa Nhà nước, nhà trường, trung tâm đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo, phát triển nguôn nhân lực, đặc biệt cho các ngành công nghiệp bán dẫn, công nghệ số cốt lõi.

Chỉ đạo các cơ sở giáo dục đại học trực thuộc nghiên cứu thành lập các đơn vị chuyên môn chuyên biệt (trường, khoa, bộ môn...) để ưu tiên tập trung đào tạo và nghiên cứu về vi mạch bán dẫn và các công nghệ số cốt lõi (trong Quý IV/2024).

Đa dạng hóa nguồn lực cho phát triển nguồn nhân lực các ngành công nghiệp bán dẫn

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương dự báo nhu cầu nhân lực phục vụ phát triển các ngành công nghiệp bán dẫn, công nghệ số cốt lõi trên địa bàn và xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể đến năm 2030 để phát triển nguồn nhân lực phù hợp với điều kiện của địa phương.

Đẩy mạnh các giải pháp nhằm huy động, đa dạng hóa nguồn lực cho phát triển nguồn nhân lực các ngành công nghiệp bán dẫn, công nghệ số cốt lõi; bố trí nguồn lực tài chính phù hợp cho các chương trình đào tạo và nghiên cứu phục vụ phát triển nhân lực các ngành công nghiệp bán dẫn, công nghệ số cốt lõi của ngành và địa phương.

Tạo môi trường thuận lợi trong việc hợp tác đào tạo, nghiên cứu, trao đổi và chuyển giao các công nghệ trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, công nghệ số cốt lõi giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp trên địa bàn và trong cả nước./.

Cùng chuyên mục
  • Doanh nghiệp địa ốc “chật vật” với tiền sử dụng đất
    10 ngày trước Kinh tế
    (BKTO) - Vấn đề tính tiền sử dụng đất đang là một “nút thắt” trong thủ tục pháp lý của các dự án bất động sản (BĐS), khiến nhiều doanh nghiệp (DN) địa ốc “đau đầu”, còn các dự án rơi vào tình cảnh “bất động” vì chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai với Nhà nước.
  • Quản lý nợ công hiệu quả giúp tăng uy tín tài chính quốc gia
    10 ngày trước Kinh tế
    (BKTO) - Nợ công là một công cụ chiến lược được Chính phủ sử dụng như một đòn bẩy để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giúp giảm thiểu các tác động tiêu cực trong giai đoạn kinh tế khó khăn và bảo đảm sự ổn định xã hội, nhưng nguy cơ cần lưu ý là tránh rơi vào bẫy nợ công. Từ thực tế triển khai hoạt động kiểm toán những năm qua, Kiểm toán nhà nước ghi nhận và đánh giá, nợ công tại Việt Nam đã và đang được kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn hiệu quả các rủi ro, đảm bảo an toàn nợ công.
  • Tạo khuôn khổ pháp lý rõ ràng, đồng bộ trong triển khai thuế tối thiểu toàn cầu
    10 ngày trước Kinh tế
    (BKTO) - Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) đang lấy ý kiến để hoàn thiện Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Nghị quyết số 107/2023/QH15 của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu (Nghị quyết 107).
  • Tháng 11/2024, huy động hơn 20.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ qua đấu thầu
    11 ngày trước Tài chính
    (BKTO) - Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, tháng 11/2024, HNX đã tổ chức 17 đợt đấu thầu trái phiếu Chính phủ do Kho bạc Nhà nước phát hành và huy động được 20.760,5 tỷ đồng.
  • UPCoM tháng 11/2024: Nhà đầu tư nước ngoài mua ròng hơn 459 tỷ đồng
    11 ngày trước Tài chính
    (BKTO) - Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, sau 2 tháng bán ròng trong tháng 9 và tháng 10, nhà đầu tư nước ngoài đã quay lại mua ròng trên thị trường UPCoM với giá trị mua ròng hơn 459,94 tỷ đồng.
Tạo đột phá trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp bán dẫn