Tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động kế toán, kiểm toán

(BKTO) - Nghị định174/2016/NĐ-CP (Nghị định 174) quy định chi tiết một số điều Luật Kế toán 2015,có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017, đã bổ sung nhiều quy định mới. Điềunày được kỳ vọng sẽ tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thông thoáng hơn cho hoạtđộng kế toán, kiểm toán.



Theo ông Trịnh Đức Vinh - Phó Vụ trưởng Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán (Bộ Tài chính), nếu trước đây, để hướng dẫn Luật Kế toán 2013, Chính phủ đã ban hành 2 nghị định hướng dẫn lĩnh vực kế toán kinh doanh và kế toán công thì triển khai Luật Kế toán 2015, hai nội dung này cùng được quy định trong Nghị định 174. Ngoài việc đưa ra các thuật ngữ nhằm giải thích rõ hơn một số nội dung, Nghị định 174 đã bổ sung thêm nhiều điểm mới. Cụ thể, về chứng từ kế toán, nhằm tạo sự chủ động và linh hoạt cho đơn vị kế toán thuộc hoạt động kinh doanh, Nghị định cho phép những đơn vị này “được chủ động xây dựng thiết kế biểu mẫu chứng từ kế toán nhưng phải đảm bảo đầy đủ các nội dung chủ yếu của chứng từ kế toán quy định tại Luật kế toán, phù hợp với đặc điểm hoạt động và yêu cầu quản lý của đơn vị mình, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.
Nghị định 174 được kỳ vọng sẽ góp phần đưa Luật Kế toán 2015 đi vào cuộc sống. Ảnh: TS

Lần đầu tiên, Nghị định 174 quy định vấn đề ký chứng từ kế toán đối với người khiếm thị. Theo đó, trường hợp người khiếm thị là người bị mù hoàn toàn thì khi ký chứng từ kế toán phải có người sáng mắt được phân công của đơn vị phát sinh chứng từ chứng kiến. Người khiếm thị không bị mù hoàn toàn thực hiện ký chứng từ kế toán như quy định tại Luật kế toán. Quy định này nhằm giải quyết vướng mắc từ thực tiễn phát sinh đối với vấn đề ký chứng từ kế toán của người khiếm thị.
Liên quan đến nội dung kinh doanh dịch vụ kế toán của DN kiểm toán và kiểm toán viên hành nghề, ông Trần Đức Vinh cho biết, do phạm vi cung cấp dịch vụ của DN kiểm toán rộng hơn so với kế toán cũng như trên cơ sở quy định tại Luật Kiểm toán độc lập, Nghị định 174 đã quy định DN kiểm toán nếu có đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán theo quy định của pháp luật thì được kinh doanh dịch vụ kế toán. Đồng thời, nhằm giảm nhẹ thủ tục hành chính cho những người đã đủ điều kiện hành nghề kiểm toán, Nghị định này cũng cho phép người có đủ điều kiện hành nghề kiểm toán theo quy định của pháp luật được hành nghề dịch vụ kế toán.

“Những người đủ điều kiện hành nghề dịch vụ kiểm toán là đối tượng có trình độ cao, đã tham gia kỳ thi cấp Chứng chỉ CPA (Chứng chỉ hành nghề kế toán, kiểm toán). Kỳ thi này bao gồm tất cả các môn thi mà những người cung cấp dịch vụ kế toán phải trải qua. Bởi vậy, những người đủ điều kiện hành nghề kiểm toán đều được hành nghề dịch vụ kế toán” - ông Trịnh Đức Vinh lý giải thêm. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng dịch vụ cung cấp, Nghị định 174 cũng quy định DN kiểm toán và kiểm toán viên hành nghề phải chịu sự kiểm soát của Bộ Tài chính về chất lượng dịch vụ kế toán đã thực hiện.
Nghị định 174 còn bổ sung điểm mới: Thành viên là tổ chức tại công ty TNHH 2 thành viên trở lên được góp tối đa 35% vốn điều lệ của công ty TNHH dịch vụ kế toán hai thành viên trở lên. Trường hợp có nhiều tổ chức góp vốn thì tổng tỷ lệ vốn góp của các tổ chức tối đa bằng 35% vốn điều lệ của công ty TNHH dịch vụ kế toán hai thành viên trở lên. Đối với tỷ lệ vốn góp của thành viên là kế toán viên hành nghề tại công ty TNHH 2 thành viên trở lên, Nghị định 174 quy định: “Công ty TNHH dịch vụ kế toán phải có ít nhất 02 thành viên góp vốn là kế toán viên đăng ký hành nghề tại công ty. Vốn góp của các kế toán viên hành nghề phải chiếm trên 50% vốn điều lệ của công ty.”

Nhằm đảm bảo quyền lợi cho các tổ chức, pháp nhân nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam và phù hợp với các cam kết hội nhập khu vực cũng như quốc tế, một số nội dung mới khác đã được đưa vào Nghị định 174 như: Kế toán đối với văn phòng đại diện của DN nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, hộ kinh doanh và tổ hợp tác, nhà thầu nước ngoài; cung cấp dịch vụ kế toán qua biên giới của DN kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài.
Ngoài ra, Nghị định 174 còn bổ sung quy định đơn vị kinh doanh dịch vụ kế toán phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho các kế toán viên hành nghề. Đồng thời, trên cơ sở Luật kế toán 2015, Nghị định này đã quy định chi tiết một số công việc mà Tổ chức nghề nghiệp về kế toán (Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam) cần thực hiện, trong đó có việc tham gia tổ chức thi Chứng chỉ Kế toán viên theo quy định của Bộ Tài chính; phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện kiểm tra, kiểm soát chất lượng dịch vụ kế toán khi có yêu cầu.

Như vậy, với nhiều điểm mới trên, Nghị định 174 được nhiều chuyên gia kỳ vọng sẽ góp phần hướng dẫn và đưa Luật Kế toán đi vào cuộc sống, tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn cho hoạt động kế toán.
Bên cạnh việc bổ sung những điểm mới, Nghị định 174 còn sửa đổi một số nội dung liên quan đến lưu trữ tài liệu kế toán, lưu trữ trên phương tiện điện tử, tổ chức bộ máy kế toán, tiêu chuẩn kế toán trưởng và phụ trách kế toán. Đáng lưu ý, tại quy định về lưu trữ tài liệu kế toán, hồ sơ kiểm toán của KTNN là một trong những tài liệu được bổ sung vào danh mục tài liệu kế toán lưu trữ 10 năm.
THÀNH ĐỨC
Cùng chuyên mục
Tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động kế toán, kiểm toán